Mỹ trên bờ vực của sự phá sản

0
72
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Giáo sư Vương Văn, Viện trưởng điều hành Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương (Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu giao lưu nhân văn Trung-Mỹ mới đây có bài viết với nhan đề “Liệu Mỹ có bị phá sản?”. Dưới đây là một số nội dung chính của bài viết:

Các đồng nghiệp của tôi là Giả Tấn Kinh và Thôi Nhất Triết vừa có bài viết với nhan đề “‘Những thây ma tài chính’ Mỹ và những diễn biến của xu hướng này” đăng trên Tạp chí học thuật nổi tiếng “Quan hệ quốc tế hiện đại” số ra mới đây. Bài viết phát hiện ra một hiện tượng rất quan trọng: Hiện tượng “những thây ma tài chính” đang xuất hiện ở Mỹ.

Nếu nhìn Mỹ dưới góc độ một công ty, “công ty” này đang trên bờ vực phá sản do hỗn loạn quản trị kéo dài và nợ nần chồng chất. Hình ảnh quốc gia của Mỹ gần như đã phá sản, xu hướng “phi đô la hóa” cũng hình thành. Chẳng qua Mỹ là quốc gia có chủ quyền nên được hỗ trợ bởi hệ thống đế quốc của họ.

Dưới góc độ quản trị kinh tế, hệ thống Chính phủ Mỹ rất giống với hệ thống quản trị công ty. Trong hệ thống này, Chính phủ liên bang Mỹ tương đương với ban quản lý, Quốc hội tương đương với Hội đồng quản trị và Tổng thống Mỹ tương tự một giám đốc điều hành (CEO) được bầu 4 năm một lần. Ngoài ra, mỗi công dân Mỹ tương đương với một cổ đông thiểu số nắm giữ “cổ phiếu nước Mỹ.” Cuộc bầu cử Mỹ thực sự giống với việc một công ty tổ chức đại hội cổ đông.

Được đo lường bằng thước đo tài chính của công ty, Chính phủ Mỹ đã “vỡ nợ”. Mỹ phải dựa vào các khoản vay và bội chi để duy trì hoạt động. Trong lĩnh vực quản trị công ty, Mỹ thường được gọi là “công ty thây ma”. Do đó, khái niệm mới này là “những thây ma tài chính quốc gia”.

Nhà kinh tế học người Úc John Quiggin lần đầu tiên đưa ra khái niệm “nền kinh tế thây ma”, mô tả thực tế hầu hết các nền kinh tế tư bản ngày nay đang phải đối mặt, từ những khoản thế chấp lớn đến các hóa đơn thẻ tín dụng, từ những món hàng đắt tiền đến các hóa đơn y tế, áp lực tài chính cá nhân khổng lồ đẩy đất nước vào vũng lầy của “nền kinh tế thây ma”.

Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào năm 2020, Chính phủ Mỹ đã đưa ra hàng loạt chính sách kích thích tài chính và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng nhanh chóng giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử 0%-0,25%, thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ không giới hạn, mua một lượng lớn trái phiếu các loại. Bảng cân đối kế toán của FED đã nhanh chóng tăng từ gần 4 nghìn tỷ USD lên 7 nghìn tỷ USD, quy mô nợ công quốc gia của Mỹ cũng tăng từ 23,2 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2019 lên 26,8 nghìn tỷ USD vào tháng 10/2020. Dự kiến ​​vào đầu năm 2021, sẽ đạt gần 30 nghìn tỷ USD.

Chỉ trong nửa đầu năm 2020, bảng cân đối kế toán của FED đã tăng thêm 2,89 nghìn tỷ USD, tăng gần 70%, gần tương đương tổng mức tăng từ năm 2008 đến năm 2014. Tình hình kinh tế tồi tệ đã dần đưa nước Mỹ vào vòng xoáy “thâm hụt” vô tận, các chính sách tài khóa và tiền tệ đều rơi vào thế bị động.

Mặc dù nguồn cung đồng Đô-la tăng mạnh tạm thời xoa dịu cuộc khủng hoảng thanh khoản trên thị trường tài chính. Nhưng việc này cũng khiến bong bóng tài sản Mỹ-lẽ ra phải xử lý- nay lại nhanh chóng tăng trở lại. Về lâu dài, đây chỉ là sự trì hoãn gò ép, dẫn đến bong bóng trên thị trường tài chính Mỹ ngày càng gay gắt. Điều này sẽ chỉ dẫn đến kết quả tồi tệ hơn.

Theo dữ liệu từ Deutsche Bank, cứ 5 công ty niêm yết của Mỹ thì có một công ty là “công ty thây ma”. Tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi so với năm 2013. Việc FED tiếp tục hỗ trợ chính sách tiền tệ chỉ “kéo dài sự sống” của các công ty đáng ra đã phá sản. Hiện tại, trong đợt dịch bệnh này đã khiến 81% chủ sở hữu nhà ở tại Mỹ cảm thấy áp lực tài chính cá nhân chưa từng có. 47% số người được hỏi cho biết nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, họ sẽ phải bán nhà. Ngoài ra, tỷ lệ vỡ nợ thế chấp của Mỹ gần đây đã lên tới 10%, vượt mức cao nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các vụ phá sản cá nhân và gia đình quy mô lớn có khả năng xảy ra và một đợt khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn mới sắp bắt đầu.

Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và đại dịch năm 2020, cái gọi là huyền thoại dân chủ, huyền thoại quốc gia, huyền thoại về sự giàu có, huyền thoại xã hội và huyền thoại giá trị ở Mỹ đang dần tan vỡ. Trong những năm qua, thâm hụt tài khóa và sự gia tăng liên tục những khoản nợ tích tụ, có thể nói Mỹ đang tiến nhanh tiến độ phá sản quốc gia.

Không thể khẳng định Mỹ chắc chắn phá sản, nhưng ít nhất có thể nói rằng dịch Covid-19 đã đẩy nhanh Mỹ rơi xuống vực thẳm do “những thây ma tài chính”. Đây là biểu hiện tập trung những thay đổi to lớn trong mối quan hệ giữa vốn và công nghệ được tính theo chu kỳ kéo dài hàng thế kỷ, đưa thế giới bước vào “ngã rẽ lịch sử” của trăm năm tiếp theo.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here