Báo cáo tuần vừa rồi từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy mức tăng của cả chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) đều đã giảm nhiều so với mức đỉnh thiết lập vào giữa năm 2022 và giảm mạnh hơn dự báo của giới phân tích. Điều này đã thắp sáng những tia hy vọng mới ở nhà đầu tư, dù giới chức Fed cho tới gần đây vẫn khẳng định rằng còn quá sớm để nói tới chuyện cắt giảm lãi suất và giữ chủ trương lãi suất cao hơn lâu hơn.
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể là một sự lạc quan thái quá của thị trường, xét tới việc các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới giữ quan điểm thận trọng trong cuộc chiến chống lạm phát đã kéo dài hơn 1 năm rưỡi qua. Fed đã từng sứt mẻ uy tín vì đánh giá sai về lạm phát lúc đầu, khi họ cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Giờ đây, họ không muốn dừng cuộc chiến quá sớm vì việc thắt chặt không đủ sẽ mở đường cho lạm phát trỗi dậy, khiến họ mất uy tín thêm lần nữa.
“Vẫn chưa có một cơ sở chắc chắn thực sự để Fed có thể xoay trục chính sách tiền tệ. Nền kinh tế đang có những bước tiến theo hướng đó, nhưng chưa đến lúc mà Fed có thể cho rằng đã không còn rủi ro của việc dừng tăng lãi suất quá sớm trong lúc lạm phát còn cao hơn nhiều so với mục tiêu”, nhà kinh tế trưởng Lou Crandall của Công ty Wrightson ICAP nhận định trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC.
LẠM PHÁT GIẢM NHƯNG CÒN CAO SO VỚI MỤC TIÊU
Theo dữ liệu mà Bộ Lao động Mỹ đưa ra, CPI toàn phần tháng 10/2023 tăng 3,2%, từ mức tăng 3,7% ghi nhận trong tháng 9/2023 và từ mức đỉnh của 41 năm là 9,1% thiết lập vào mùa hè năm ngoái. CPI lõi, chỉ số không bao gồm thực phẩm và năng lượng, cũng thấp hơn so với dự báo, chỉ tăng với tốc độ 4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất trong 2 năm và giảm từ mức tăng 4,1% của tháng 9/2023. PPI toàn phần tháng 10/2023 tăng 1,3%, so với mức tăng 2,2% của tháng 9/2023.
Số liệu CPI lõi – một thước đo lạm phát được đánh giá là quan trọng hơn – cho thấy lạm phát vẫn đang cao hơn gấp đôi so với mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đề ra. Ngoài ra, một thước đo giá cả của những mặt hàng ít biến động giá của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy lạm phát hàng năm ở Mỹ vẫn ở mức 4,9%.
“Chúng ta đang tiến gần hơn tới mục tiêu lạm phát. Các số liệu mới nhất cho thấy sự nhất quán với những gì nhà đầu tư muốn thấy, và nền kinh tế đang đi đúng hướng. Nhưng chung quy lại chúng ta vẫn chưa đi đến đích”, ông Crandall nhấn mạnh.
Thực ra, “đích đến” của Fed không nhất thiết phải là lạm phát về đúng ngưỡng 2%, mà quan trọng là Fed phải nhận thấy những bằng chứng thuyết phục rằng lạm phát đang giảm bền vững về mục tiêu đó. “Chúng tôi đã quyết định duy trì lãi suất chính sách và đợi có thêm các số liệu kinh tế tiếp theo. Chúng tôi muốn thấy bằng chứng thuyết phục là đã đạt đến mức lãi suất phù hợp”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 9/2023. Lập trường này đã được ông Powell nhắc lại sau cuộc họp tháng 11/2023.
Giới chức Fed không nói rõ họ muốn chứng kiến bao nhiêu tháng giảm lạm phát liên tiếp để đi đến kết luận rằng lạm phát đang giảm bền vững, trong khi mức tăng của CPI lõi đã giảm liên tục từ tháng 4 /2023 tới nay. Tuy nhiên, ở thời điểm này, giới đầu tư tỏ ra biết chắc chắn hơn so với Fed. Dữ liệu từ Công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME cuối tuần qua cho thấy: nhà đầu tư đang đặt cược khả năng 100% Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12/2023, và họ cũng cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng tròn 1 điểm phần trăm trong năm 2024. Nếu dự báo này là đúng, mức cắt giảm lãi suất của Fed trong năm tới sẽ nhiều gấp đôi so với tốc độ cắt giảm lãi suất dự báo mà giới chức Fed đưa ra hồi tháng 9/2023, và lãi suất quỹ liên bang ở thời điểm cuối năm 2024 sẽ là 4,25-4,5%, từ mức 5,25-5,5% hiện nay.
Từ nay đến cuộc họp chính sách tiền tệ cuối cùng của Fed vào ngày 12-13/12/2023, tâm điểm chú ý của giới đầu tư vẫn sẽ là các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ. Từ nay đến khi Fed họp, thị trường sẽ đón nhận thêm 2 báo cáo lạm phát nữa. Đối với cuộc họp này của Fed, ngoài quyết định về lãi suất và các tín hiệu chính sách tiền tệ của Fed cho thời gian tới, một vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm là cập nhật hàng quý về dự báo của các quan chức Fed về lãi suất, tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát. Không loại trừ khả năng các nhà đầu tư sẽ thất vọng khi Fed đưa ra quan điểm về đường đi về chính sách tiền tệ trong ngắn hạn.
FED KHÔNG MUỐN LẶP LẠI SAI LẦM
Sự hưng phấn của thị trường trong tuần vừa rồi dựa trên hai yếu tố: thứ nhất là niềm tin rằng Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất, thứ hai là kỳ vọng rằng Fed có thể đạt mục tiêu đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, đây là hai mong muốn xung đột, vì lịch sử cho thấy việc tăng lãi suất mạnh như vậy thường dẫn tới suy thoái kinh tế. Một khi Fed có thể bắt đầu giảm lãi suất, thì rất có thể nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.
Ngoài ra, giới chức Fed cũng e ngại việc trở nên quá mềm mỏng. Chủ tịch Fed Chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee, nói ông nhận thấy “còn một chặng đường phải đi” trước khi đạt mục tiêu lạm phát, cho dù ông lạc quan rằng nền kinh tế vẫn có thể tránh được suy thoái. “Nền kinh tề nhiều khả năng giảm tốc hơn là rơi vào suy thoái. Nhưng tôi cho rằng chắc chắn có những rủi ro suy giảm tăng trưởng”, ông Rosengren phát biểu…