McKinsey: TP. Hồ Chí Minh có thể đối mặt ngập lụt nghiêm trọng vào năm 2050

0
165
Nguy cơ bị lâm vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trong tương lai của Tp. Hồ Chí Minh có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050 (Nguồn: NYTimes)
Nguy cơ bị lâm vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trong tương lai của Tp. Hồ Chí Minh có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050. (Nguồn: NYTimes)

Theo một báo cáo vừa công bố của công ty tư vấn quốc tế McKinsey Global Institute, nguy cơ bị lâm vào tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trong tương lai của TP. Hồ Chí Minh có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2050, gây ra những thiệt hại về kinh tế, cơ sở hạ tầng khổng lồ đối với Việt Nam.

Nếu không có những nỗ lực thực sự tập trung, được chú trọng để giảm thiểu những tác động của vấn đề nước biển dâng do biến đổi khí hậu gây ra và cải thiện hoạch định đô thị, TP. Hồ Chí Minh sẽ thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm, thậm chí nguy cơ mất đi các khu vực đô thị rộng lớn.

Báo cáo của McKinsey đã phân tích các mô phỏng thủy văn, bản đồ sử dụng đất, cơ sở dữ liệu cơ sở hạ tầng, các mô hình thiệt hại và đưa ra kết luận rằng trong tương lai, nếu không có các biện pháp cần thiết sẽ ngày càng khó quản lý và giải quyết vấn đề này. Cùng với thời gian và với tốc độ phát triển chóng mặt hiện nay của TP. Hồ Chí Minh, các tác động sẽ tăng theo cấp số nhân. Một trận ngập lụt với mức độ tương tự như hiện nay nếu xảy ra vào thời điểm 30 năm tới sẽ gây ra mức độ thiệt hại về cơ sở hạ tầng gấp ba lần và gây ra những tác động có tính lây truyền tới hơn 20 lần.

Các dự án lớn đang trong quá trình thi công, bao gồm hệ thống tàu điện ngầm, cũng như các dự án điện năng mới, các cơ sở xử lý nước thải, các trung tâm dữ liệu và một sân bay mới xây dựng… sẽ có nguy cơ cao bị tác động từ các mối nguy cơ ngập lụt trong tương lai. Với nhu cầu về sử dụng điện tăng gấp 3 lần từ năm 2015-2030, sự bùng nổ trong quá trình phát triển đô thị sẽ khiến các cơ sở hạ tầng mới phải đối mặt với tình trạng khó khăn trong vấn đề thời gian sử dụng.

Nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được giảm nhẹ tác động và mực nước biển dâng cao lên thêm khoảng 180cm vào cuối thế kỷ này, thì chỉ một trận lụt xảy ra một lần trong một thế kỷ cũng sẽ làm ngập lụt khoảng 2/3 thành phố. Với kịch bản xấu nhất này, khu vực trung tâm thành phố sẽ biến thành một hòn đảo bị cô lập. Các nhà máy điện lớn, các cảng và một nửa số đường sá sẽ bị hư hại. Ngoài ra, tàu điện ngầm có thể sẽ ngừng hoạt động với 60% nhà ga không thể sử dụng được. Cùng với đó là thiệt hại về bất động sản có thể lên tới 18 tỷ USD. Nguồn cung cấp nước và điện có thể bị cắt, và toàn thành phố có thể bị ngừng hoạt động trong một tháng hoặc hơn.

Theo McKinsey, tình trạng ngập lụt tại TP. Hồ Chí Minh phần nào xuất phát từ quá trình mở rộng và phát triển của chính thành phố này. Lượng người di chuyển tới các khu vực đô thị đã tăng vọt và cùng với đó là ngày càng có thêm nhiều người dân có thu nhập thấp hơn bị đẩy đến các khu vực có nguy cơ lũ lụt cao hơn. Còn theo ông Dzung Do Nguyen, người sáng lập và Giám đốc điều hành nhóm của công ty tư vấn quy hoạch đô thị enCity, vấn đề lũ lụt tại thành phố này chủ yếu vẫn do con người tạo ra. Cùng quan điểm này, bà Melissa Merryweather, giám đốc của Green Consulting-Asia (công ty tư vấn có trụ sở tại Việt Nam) cho rằng việc phát triển liên tục đô thị đang nhanh chóng chiếm lấy những khu vực đất đai có tính chất tiêu thoát nước và phủ kín nó bằng bê tông. Biến đổi khí hậu sẽ làm cho các vấn đề hiện tại của thành phố trở nên tồi tệ hơn. Lượng mưa tại thành phố này được dự báo sẽ trở nên nhiều hơn cùng với mực nước biển khu vực dâng lên. Việt Nam đã trở nên khá chậm trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc cao vào các nguồn nhiên liệu năng lượng hóa thạch và sản lượng than đá được dự kiến sẽ tăng lên trong thập kỷ tới. Mục tiêu trong Thỏa thuận Paris của Việt Nam là giảm thiểu vô điều kiện 8% lượng khí phát thải nhà kính vào năm 2030 – một cam kết được tổ chức Climate Action Tracker cho là chưa đủ.

Mặc dù vậy, bà Mekala Krishnan, thành viên của McKinsey Global Institute, cho biết TP. Hồ Chí Minh vẫn còn đang trong giai đoạn khá sớm trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng và có nhiều lựa chọn để tiếp tục thực hiện quỹ đạo tăng trưởng một cách ấn tượng nhưng vẫn đồng thời giảm thiểu được tác động của biến đổi khí hậu.

Thứ nhất, việc TP. Hồ Chí Minh đã có những sự đầu tư vào hệ thống phòng chống lũ lụt, bao gồm cam kết khoản chi 4,4 tỷ USD để củng cố các hệ thống bảo vệ trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, McKinsey cũng cho rằng điều này là chưa đủ, với so sánh về ngân sách dự kiến của Singapore dành cho việc đối phó với mực nước biển dâng lên tới 72 tỷ USD. Tương tự, Indonesia cũng có kế hoạch tăng cường bảo vệ bờ biển chính của thủ đô Jakarta với khoản tiền lên tới khoảng 40 tỷ USD. Theo ông Dzung, các giải pháp được đề xuất để bảo vệ thành phố khỏi tác động từ mực nước biển dâng như xây dựng các tuyến đê, kè bao sông, chỉ có thể làm thay đổi vấn đề lũ lụt ở một vài nơi và ảnh hưởng đến việc xả lũ khi có mưa bão. Cần phải xây dựng thêm nhiều bể chứa nước trong khu vực đô thị, và hạn chế xây dựng các công trình ở vùng đất thấp và đầm lầy.

Thứ hai, thay vì chờ đợi các giải pháp lớn từ chính phủ, những cải tiến nhỏ có thể được thực hiện từ khu vực tư nhân. Tuy nhiên, có những trở ngại nhất định như việc không có nhiều thông tin công khai để khu vực tư nhân có thể tiến hành các hoạt động. Tại thời điểm này, chỉ có chính phủ mới có thể lập kế hoạch và phòng chống những nguy cơ lũ lụt trong tương lai vì không có nhiều kỳ vọng vào khu vực tư nhân tham gia vào việc cải thiện năng lực chống ngập lụt.

Thứ ba, báo cáo của McKinsey cũng nhất trí rằng việc sửa đổi, điều chỉnh các quy định về lĩnh vực bất động sản sẽ giúp cải thiện vấn đề chống ngập lụt của thành phố. Tuy nhiên, những hiệu quả và tác dụng lớn hơn dường như lại đến từ việc khôi phục tự nhiên, đặc biệt là hệ thống rừng ngập mặn (sú, vẹt, đước…) rộng lớn và dày gần sát với Tp. Hồ Chí Minh. Các khu vực rừng ngập mặn hiện đang giúp đáng kể việc giảm thiểu những tác động tiêu cực từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, góp phần làm giảm chiều cao của mực nước biển dâng trong các cơn bão khoảng 20% trở lên đối với 100m rừng ngập mặn. Báo cáo cũng nêu rõ thành phố đã có những thành tựu đáng kể trong việc trồng lại các khu vực rừng ngập mặn trong 3 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, gần một nửa cơ sở hạ tầng cần thiết đến năm 2050 đã có vào thời điểm hiện tại, giúp các nhà quy hoạch có thêm thời gian để thúc đẩy các giải pháp cần thiết để đối phó những nguy cơ ngập lụt trong tương lai.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here