McKinsey khuyến nghị 5 ưu tiên cho hành trình phi carbon hóa ở Việt Nam

0
77
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam – Vietnam Connect Forum 2022 do Bộ Ngoại giao và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy-Vietnam Economic Times phối hợp tổ chức ngày 8/4/2022, ông Bruce Delteil đánh giá cam kết được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị COP26 đã cho thấy khát vọng to lớn của Việt Nam trong việc đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.“Tuy nhiên, với quỹ đạo hiện tại, khả năng Việt Nam sẽ khó hoàn thành được cam kết COP26”, ông Bruce bày tỏ.

HIỆU QUẢ VỀ LÂU DÀI
Bởi hiện nay, tăng trưởng một số ngành ở Việt Nam tiếp tục ở mức tuân thủ quy định của nhà nước, ứng dụng công nghệ, hiệu suất nhiên liệu và hiệu suất phát thải vẫn duy trì ở mức năm 2018.Do vậy, để phát thải CO2 hàng năm từng bước đạt như mục tiêu cam kết, Việt Nam phải tăng cường các yếu tố công nghệ để cải thiện hiệu quả kinh tế thông qua việc tăng cường năng lượng tái tạo; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF); điện hóa vận tải và tăng quy mô thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) trong điện lực và công nghiệp.

Theo tính toán của McKinsey, với những chuyển đổi lớn về công nghệ và hành vi vào năm 2025 như tăng công suất năng lượng tái tạo trong cơ cấu phát điện (điện gió tăng 23%, điện mặt trời tăng 18%), giảm lượng phát thải từ ngành sản xuất thép/xi măng, khuyến khích 100% phương tiện đường bộ sử dụng điện, 30% hành khách di chuyển bằng đường hàng không chuyển sang đường sắt cao tốc, bảo vệ 7,5 triệu ha đất có tiềm năng giảm phát thải, ứng dụng kỹ thuật AWD trong trong lúa và đặc biệt là đẩy mạnh việc xử lý nước thải, phát điện từ chất thải… Việt Nam sẽ đưa được mức phát thải về 0 như cam kết.Tưởng chừng những thay đổi lớn này sẽ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn lên tới hàng tỷ USD song theo ông Bruce, rất nhiều giải pháp “tiết kiệm” có thể ứng dụng được ngay. Hơn nữa, nhiều khoản đầu tư ban đầu có vẻ đắt đỏ nhưng về lâu về dài lại có hiệu quả kinh tế.

“Việt Nam có thể giảm ngay 87% phát thải bằng cách thực hiện các sáng kiến lớn trong ngành giao thông vận tải, công nghiệp, điện lực và LULUCF ở mức chi phí 24 USD/tCO2e hoặc thấp hơn”, ông Bruce chia sẻ.

Ngoài ra, các dự án năng lượng gió, mặt trời và thủy điện với công nghệ mới có khả năng cạnh tranh về chi phí toàn vòng đời hơn nhà máy nhiệt điện do chi phí vốn (capex) của năng lượng tái tạo trong tương lai thấp hơn và chi phí vận hành (opex) của năng lượng tái tạo cũng thấp hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, phương tiện vận tải đường bộ chạy điện cũng có chi phí thấp hơn phương tiện động cơ đốt trong do chi phí vận hành xe điện thấp hơn nhiều.

CƠ HỘI ĐẦU TƯ TỪ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI

Liên quan tới những khoản đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đại diện McKinsey cho rằng Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo thống kê của McKinsey, trong 4 năm trở lại đây, các khoản đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam tăng từ khoảng 2 tỷ USD (2018) lên 21 tỷ USD (2021). Trong đó, riêng điện gió ngoài khơi chiếm tới 95% tổng vốn đầu tư (khoảng 20 tỷ USD).

McKinsey khuyến nghị 5 ưu tiên cho hành trình phi carbon hóa ở Việt Nam - Ảnh 1

“Điều này cho thấy năng lượng tái tạo của Việt Nam có sức hấp dẫn với các nhà đầu tư”, ông Bruce nhận định.

Không chỉ vậy, theo ông Bruce việc chuyển đổi các ngành công nghiệp từ nâu sang xanh cũng đem đến những cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

“Với nguồn lực có hạn, Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam cần những khoản tài trợ để hỗ trợ cho quá trình đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Theo tính toán, việc tài trợ chuyển đổi gắn với môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG) có thể đem đến khoản doanh thu 1,5 tỷ USD/năm cho các ngân hàng và tổ chức tại Việt Nam”, McKinsey cho biết.

NĂM VẤN ĐỀ ƯU TIÊN

Tựu chung lại, để Việt Nam đạt được khát vọng COP26, vị Giám đốc điều hành McKinsey tại Việt Nam khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào 5 vấn đề ưu tiên.

Thứ nhất, phi carbon hóa cần là một ưu tiên đối với Việt Nam bởi biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam thông qua những rủi ro vật lý cũng như rủi ro trong quá trình chuyển đổi.

Thứ hai, Việt Nam cần có lộ trình để đạt đến trạng thái phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua những nỗ lực liên ngành, huy động sự tham gia của toàn xã hội.

McKinsey khuyến nghị 5 ưu tiên cho hành trình phi carbon hóa ở Việt Nam - Ảnh 2

Thứ ba, lĩnh vực năng lượng điện cần được ưu tiên đặc biệt. Trong đó, để đạt được trạng thái “Zero”, Việt Nam cần lặp đặt 70GW điện mặt trời và 150 GW điện gió vào năm 2050.

Thứ tư, điện khí hóa phương tiên giao thông đường bộ sẽ là một lĩnh vực trọng tâm khác mà Việt Nam cần quan tâm nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tiên phong trong việc triển khai ứng dụng xe điện 2 bánh.

Thứ năm, cần có nỗ lực phối hợp giữa tất cả các ngành để đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa của Việt Nam, đặc biệt trong việc thực hiện các đòn bẩy quan trọng như đường sắt cao tốc, giao thông công cộng và chuyển đổi sang sản xuất chế tạo tiên tiến.

(An An/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here