Mạng lưới chợ vọng ở vùng biên giới Việt – Trung (phần cuối)

0
186
“Ảnh minh họa”

Tóm tắt: Ở vùng biên giới Việt – Trung, chợ là địa điểm diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán của các cư dân trong vùng và giữa cư dân trong vùng, liên vùng với cư dân bên kia biên giới. Sự hoạt động của hệ thống chợ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã góp phần mở rộng giao lưu hàng hoá, phát triến thị trường, phục vụ tốt cho nhu cầu trao đổi hàng hoá của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận,… Đồng thời, thông qua chợ, các mối quan hệ về văn hoá, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hoá tộc người ở từng tộc người được gìn giữ. Chợ là yếu tố kinh tế, văn hoá không thể thiếu trong đời sống cửa cư dân vùng biên.

4. Hoạt động mua bán ở chợ.

4.1. Thành phần mua bán.

Chợ vùng biên là trung tâm kinh tế thu hút dòng người và dòng hàng hoá từ khắp nơi trong vùng và từ bên kia Trung Quốc sang. Việc hệ thống chợ mở rộng là kết quả trực tiếp của quá trình tăng nhanh số lượng người tham gia mua bán ở trong vùng và hoạt động buôn bán trở thành hiện tượng phổ biến trong tất cả các thành phần cư dân. Sự đổi mới và mở cửa vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc đã thúc đẩy kinh tế hàng hoá và các trao đổi ở vùng biên phát triển.

Ở chợ, có một bộ phận người buôn bán chuyên nghiệp là người có quầy hàng cố định và phải đóng thuế hàng tháng như hàng xén, hàng vải, hàng quần áo, hàng lương thực, thực phẩm, hàng cá, hàng thịt,… Bộ phận buôn bán không chuyên nghiệp là những người dân mang sản phẩm của gia đình, địa phương tự sản xuất được đến chợ để bán, lúc về họ lại mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống và sản xuất. Họ trao đổi qua lại với nhau, người dân là người sản xuất hàng hoá nhưng cũng đồng thời là người tiêu thụ hàng hoá, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ở địa phương. Một bộ phận cư dân tranh thủ thời gian nông nhàn tranh thủ buôn bán kiếm thêm thu nhập. Hoặc bộ phận lao động dư thừa, họ đi bán hàng ở các chợ theo phiên,…

Bộ phận này chiếm số lượng đông ở chợ huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Bên cạnh đó, một số gia đình chuyên làm nghề thủ công như đan lát, rèn sắt, thêu thùa, làm miến dong, nuôi ong mật,… Họ đem bán sản phẩm ở chợ địa phương và một số chợ lân cận trong vùng, thậm chí mang sang các chợ bên kia biên giới để bán. Tuy nhiên, nghề chính của họ vẫn là sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, có một số người buôn bán chuyên nghiệp, buôn bán đường dài. Họ là những người chuyên đi thu mua sản phẩm của những người nông dân, mua hàng hoá bên Trung Quốc về bán tại các chợ trong vùng. Một bộ phận buôn bán chuyên nghiệp khác về tận các chợ vùng xuôi như chợ Ninh Hiệp, chợ Đồng Xuân (Hà Nội) lấy hàng quần áo và vải vóc về bán tại các chợ vùng biên.

Nhìn chung, trong các hoạt động ở chợ vùng biên, sự tham gia của người dân vẫn là đông đảo nhất. Họ chủ yếu bán những sản phẩm nông nghiệp do chính tay họ làm ra hay kiếm được trên rừng và mua những sản phẩm mà họ không tự sản xuất ra được và một số nông cụ sản xuất như cày, bừa, cuốc, xẻng,…

Một bộ phận khác là tiểu thương, thương nhân ở vùng biên, số lượng tuy không lớn song họ đóng vai trò quan trọng trong việc luân chuyển hàng hoá từ nơi này sang nơi khác. Họ phần lớn xuất thân từ nông dân hoặc trong gia đình có truyền thống buôn bán từ trước, hay một số người Kinh từ dưới xuôi lên. Ban đầu họ buôn bán nhỏ, hoạt động ở địa bàn hẹp. Nhưng dần dần, họ tích luỹ được thêm vốn và kinh nghiệm, trở thành những người buôn bán chuyên nghiệp. Họ lấy hàng từ các chợ đầu mối hay các sản phẩm từ các hộ nông dân, hoặc họ qua bên biên giới Trung Quốc để lấy hàng về bán giao cho các cửa hàng, các chợ trong địa bàn huyện hoặc những nơi khác, những người có nhu cầu. Hoạt động của tầng lớp thương nhân này có tác động tích cực tới sự phát triển của chợ, và ngược lại, sự phát triển của chợ cũng giúp họ mở rộng hơn mạng lưới và hoạt động buôn bán.

Do là chợ ở vùng biên giới, nơi có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống nên thành phần mua bán ở các chợ cũng hết sức đa dạng. Các tộc người Hmông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Kinh, Phù Lá, Lô Lô,… không chỉ xuống chợ để đem bán những nông sản dư thừa của gia đình mình, mua về những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống mà họ còn xuống chợ để chơi, để gặp gỡ, giao lưu với nhau, nhất là trong những dịp lễ, tết,… Nhu cầu chơi chợ đã trở thành một nét đặc sắc trong đời sống văn hoá tinh thần của các tộc người ở vùng biên. Do vậy, khi đến các phiên chợ thường tập trung đầy đủ các thành phần, lứa tuổi, từ nam nữ, thanh niên, đàn ông, đàn bà, các cụ già và cả những em nhỏ.

Những phiên chợ vùng cao biên giới không chỉ thu hút sự tham gia của các thành phần cư dân ở địa phương mà còn cả các tộc người ở vùng lân cận, cả những người từ dưới xuôi lên buôn bán hay những từ bên kia biên giới Trung Quốc cũng đến để buôn bán.

Như vậy, thành phần mua bán trong hệ thống các chợ ở vùng biên giới Việt – Trung hết sức đa dạng, gồm mọi lứa tuổi và mọi thành phần, cả người ở trong huyện, ngoài huyện và các huyện lân cận, từ dưới xuôi lên và cả những người từ bên Trung Quốc sang. Đây có thể là một nét đặc sắc của phiên chợ vùng cao biên giới.

4.2. Phương thức mua bán.

Ở các chợ, phương thức mua bán truyền thống vẫn là mua – bán, thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt.

Việc sử dụng tiền giấy, tiền polymer trong mua bán là chính. Tuy nhiên, ở chợ vùng biên giới, do có cả thương nhân Trung Quốc đến buôn bán nên có thể trao đổi bằng tiền Nhân dân tệ (NDT), 1 đồng NDT có giá trị bằng 3.500 đồng tiền Việt Nam (tuỳ từng thời điểm, có lúc đồng NDT có giá trị cao hơn hoặc thấp hơn). Việc dùng cả tiền Việt Nam và NDT trong giao dịch hàng hoá ở chợ cho thấy sự thuận tiện hơn trong trao đổi. Một số người bán thích lấy tiền NDT hơn, do có sự chênh lệch về giá trị so với VND. Cũng có trường hợp người bán thích lấy tiền Việt hơn. Ở các chợ vùng biên thường có hệ thống người đổi tiền chuyên nghiệp, họ là người có vốn lớn, thường ở thành phố hoặc thị trấn đến chợ vào những ngày phiên để đổi tiền. Ở chợ Trung tâm Móng Cái có chợ tiền với hơn gần 500 tiểu thương hoạt động trong lĩnh vực đổi tiền. Ở chợ Cán cấu (Simacai, tỉnh Lào Cai) có khoảng 20 người đổi tiền và có khoảng 10 người đổi tiền chuyên nghiệp từ thành phố Lào Cai đến vào những buổi chợ phiên…

4.3. Các mặt hàng trao đổi ở chợ.

Nhóm hàng nông – lâm – thổ sản: Ở vùng biên giới Việt – Trung, một bộ phận lớn cư dân làm nông nghiệp. Do đó, hàng hoá ở các chợ có một lượng lớn là các sản phẩm nông – lâm nghiệp do người dân tự sản xuất hoặc thu lượm được như gia cầm (đặc biệt là gà bản), lợn, rau, củ, quả theo mùa, gạo nương,… Gạo nương trở thành đặc sản ở vùng cao và được các thương lái mang về bán ở các thành phố và miền xuôi. Những loại nông sản này được người dân nuôi trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình, khi không dùng hết họ mang ra chợ để bán và mua về những mặt hàng cần thiết khác, hoặc các loại lương thực, thực phẩm mà gia đình mình không có.

Ngoài gia súc gia cầm thì đồ thuỷ sản như tôm, cua, cá, ốc, hến, ngao, sò, tu hài,… còn được bày bán ở các chợ biên giới thuộc huyện Bình Liêu và thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh). Các loại hải sản này được người dân đánh gần bờ, xa bờ ở biển Trà cổ (Quảng Ninh) và một số khe suối, sông,… Riêng ở huyện Bình Liêu nổi tiếng với đặc sản cá suối và ốc khe.

Các sản phẩm lâm – thổ sản mà người dân khai thác được từ trong rừng gồm có: Lá tắm của người Dao, các loại cây thuốc nam, măng rừng, mật ong rừng,… Đây là sản phẩm chiếm số lượng lớn và bán chạy nhất ở một số chợ… Mật ong rừng cũng được du khách thập phương ưa chuộng.

Ngoài ra, còn có nhiều loại lâm sản quý như hoa hồi, vỏ quế, dầu hồi, dầu sở,… được bày bán. Một số chợ nằm sát đường biên vói Trung Quốc, có thể xuất khẩu tại chỗ những mặt hàng này rất thuận lợi như chợ Đồng Văn ở huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh), chợ Chi Ma ở huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn), chợ Y Tý ở huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai)…

Về ẩm thực, ở chợ phiên vùng biên giới Việt – Trung, có thắng cố xôi ngũ sắc, phở; những món ăn đặc sản như bánh đúc, bánh ngải, phở canh, phở chua (ở các chợ vùng biên tỉnh Lạng Sơn),… hay xôi gừng ở chợ Đồng Văn huyện Bình Liêu,… Chợ cũng bán các loại gia súc giống như: lợn, gà, vịt, ngan. Người đến chợ mua về cho mình một số con ưng ý nhất.

Hàng thủ công nghiệp: Ngoài sản xuất nông nghiệp, người dân ở nhiều nơi còn sản xuất thủ công nghiệp. Họ thường sử dụng thời gian nông nhàn để làm các nghề phụ khác để phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống của họ và hướng ra thị trường trao đổi. Các hàng thủ công được bày bán ở chợ khá phong phú và đa dạng gồm các mặt hàng phục vụ sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân như cày, cuốc, rổ, rá, gùi, đồ bếp, dao đi rừng, dao phát nương, rượu men lá, hương nén, miến dong,… Ở một số vùng, các tộc người rất giỏi làm miến dong như ở Cao Bằng, Quảng Ninh,… Rượu men lá là mặt hàng đặc sản và rất phổ biến ở hầu khắp các chợ vùng cao, nhất là ở vùng biên giới Việt – Trung. Loại rượu này trở thành thế mạnh và mang thương hiệu ở nhiều địa phương. Rượu được cất thủ công, men làm từ lá cây rừng dược liệu,… Không chỉ người dân địa phương mà các tộc người bên kia Trung Quốc cũng rất thích loại rượu này.

Ở các chợ vùng biên giới Việt – Trung còn có khu vực bán hàng của các tiểu thương người Trung Quốc. Họ bán các loại hàng hoá như giày dép, quần áo, giống rau, đồ bảo hộ lao động, các linh kiện máy móc phục vụ cho sản xuất, các đồ da dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như dao, nồi xoong,….

Ngoài ta, còn có các sản phẩm váy, thổ cẩm, vải, khăn, mũ, quần áo, … của đồng bào dân tộc Hmông ở chợ Cán cấu huyện Simacai, chợ Bắc Hà, chợ Pha Long, chợ Mường Khương (Lào Cao); người Tày, Nùng ở chợ Lộc Bình (Lạng Sơn), người Dao Thanh Phán ở chợ Đồng Văn huyện Bình Liêu (Quảng Ninh),… Các mặt hàng ở chợ khá phong phú và đa dạng, mang dấu ấn riêng của chợ vùng biên giới. Tuy nhiên, cơ cấu các mặt hàng ở các chợ nhìn chung đều giống nhau chỉ khác nhau về quy mô lớn hay nhỏ, số lượng nhiều hay ít ở mỗi chợ.

Ở một số chợ có một số mặt hàng đặc trưng nổi trội như chợ Cán Cấu, chợ Pha Long, Chợ Sín Chéng của huyện Bắc Hà và huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai; chợ Trà Lĩnh của tỉnh Cao Bằng chuyên bán trâu, bò cho các thương lái từ Trung Quốc sang. Ngoài trâu bò do chính người dân địa phương mang ra chợ bán, còn có người Kinh ở dưới xuôi mang lên bán, thậm chí, người Kinh còn mua trâu bò từ Lào, Campuchia mang lên bán tại chợ vùng biên này.

Những năm gần đây, ở các chợ vùng biên có sự gắn kết giữa du lịch với văn hoá tâm linh và các hoạt động mua sắm ở các chợ vùng biên giới Việt – Trung. Chính hoạt động này làm nhu cầu mua sắm hàng hoá ở chợ vùng biên được tăng cường. Đầu năm, du khách đến thành phố Lào Cai đi lễ kết hợp với tham quan cửa khẩu và mua sắm ở chợ quanh thành phố Lào Cai như chợ Cốc Lếu, chợ Kim Tân, chợ Nguyễn Du…. Ở thành phố Móng Cái, du khách đến thăm đền Mẫu kết hợp tham quan cửa khẩu Móng Cái và mua sắm tại các chợ quanh khu vực thành phố Móng Cái, các chợ ở huyện Bình Liêu…

Mạng lưới chợ ở vùng biên giới Việt – Trung trong quá trình hình thành và phát triển đã thực sự đóng góp vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất, tinh thần của các tộc người ở vùng biên. Với số lượng chợ ngày càng tăng và sự mở rộng về quy mô chợ, số lượng các mặt hàng ở chợ,… đã đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hoá của người dân trong vùng và với bên kia biên giới. Điều đặc biệt, chợ vùng biên thu hút một lượng lớn người Kinh ở dưới xuôi và ở bên kia biên giới sang buôn bán. Việc buôn bán với người Trung Quốc ở các chợ cửa khẩu đã xúc tiến được việc xuất khẩu tại chỗ các mặt hàng ở địa phương và các vùng lân cận, đồng thời tăng cường việc giao luru, hiểu biết của nhân dân hai nước Việt – Trung.

(Theo Tạ Thị Tâm, tư liệu thực địa tháng 4/2018 tại tỉnh Lào Cai).

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here