Lập Quy hoạch tổng thể quốc gia: Phát triển quốc gia không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính

0
118
(minh hoạ)
(minh hoạ)
Với định hướng bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển để đạt mục tiêu, khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm quan trọng lập quy hoạch là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính…

Ngày 2/3/2022, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đây là hội nghị tiếp nối Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch đã được tổ chức vào tháng 8/2021, để lắng nghe các Bộ, ngành và địa phương báo cáo về tình hình triển khai lập, thẩm định các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch cũng như tham vấn Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

6 QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

Đây là lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai theo Luật Quy hoạch và là cơ sở để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước.

Vì vậy, trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần được cấp thẩm quyền cho ý kiến và thông qua những định hướng lớn trước khi triển khai các bước tiếp theo của quy trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Báo cáo Định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến Quy hoạch tổng thể quốc gia được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 năm 2022”, Bộ trưởng cho hay.

Hiện nay, theo Bộ trưởng, có 6 quan điểm đang được đề xuất và thảo luận trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Thứ nhất, phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.

Thứ hai, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế.

Thứ ba, phát triển theo hướng bền vững; bảo đảm sử dụng đất, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ tư, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo bộ khung tổ chức không gian phát triển các vùng, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu phát triển dài hạn.

Thứ năm, tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia; xây dựng mạng lưới đô thị xanh, thông minh, phân bổ hợp lý, bảo đảm khai thác được điều kiện đặc thù, lợi thế của từng vùng, miền; tăng cường kết nối đô thị và nông thôn.

Thứ sáu, tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế – xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực quốc gia còn hạn chế, trong định hướng tổ chức lãnh thổ quốc gia dự kiến tập trung hình thành và phát triển các hành lang kinh tế và vùng động lực đi trước một bước, nhằm tạo đầu tàu lôi kéo các vùng khác phát triển.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH

Về tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức 03 cuộc Hội nghị trực tuyến  cấp vùng và liên vùng và trao đổi, làm việc với các địa phương về công tác quy hoạch.

“Qua đó, tiến độ lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được đẩy nhanh và đạt kết quả tích cực hơn”, Bộ trưởng nói.

Cụ thể, về Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ sẽ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trong tháng 3/2022 để xem xét trình Bộ Chính trị trong tháng 4/2022, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tháng 5/2022.

“Tiếp thu ý kiến của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Bộ sẽ khẩn trương phối hợp ngay với các Bộ, ngành để hoàn thiện quy hoạch tổng thể quốc gia, dự kiến trình Chính phủ xem xét, thông qua trong tháng 7/2022, trình Quốc hội khóa XV phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022”, Bộ trưởng cho biết.

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đã được Quốc hội Khóa XV phê duyệt tại Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021.

Về Quy hoạch không gian biển quốc gia, đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai xây dựng, dự kiến trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua trong năm 2022.

Về các quy hoạch ngành quốc gia: đến nay, có 04/38 quy hoạch đã được phê duyệt; 14/38 quy hoạch đã hoàn thành lập quy hoạch, lấy ý kiến trình thẩm định quy hoạch (trong đó có 03 quy hoạch  đã được tổ chức thẩm định; 01 quy hoạch  đang trình thẩm định).

Còn 20/38 quy hoạch, các Bộ đã có báo cáo về tiến độ, kế hoạch cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để Bộ KHĐT tổng hợp, phấn đấu hoàn thành trình phê duyệt trước ngày 31/12/2022 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP.

Về các quy hoạch vùng, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/02/2022.

Quy hoạch của 05 vùng còn lại hiện đang trong quá trình hoàn thiện để trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch trong tháng 3/2022.

Đồng thời, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng báo cáo định hướng quy hoạch 05 vùng và sẽ tập trung chỉ đạo lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch.

Theo đó, phấn đấu hoàn thành dự thảo quy hoạch 05 vùng gửi xin ý kiến trong tháng 7-8/2022, hoàn thiện, trình tổ chức thẩm định trong tháng 9-10/2022 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022.

Về các quy hoạch tỉnh, trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt của 61/63 tỉnh, thành phố; hiện các địa phương hiện đang rất khẩn trương tổ chức lập quy hoạch theo nhiệm vụ được giao.

Đến nay, đã có 01 quy hoạch tỉnh (Bắc Giang) đã được phê duyệt; 03 quy hoạch tỉnh (Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình) đã được thẩm định, đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 03 quy hoạch tỉnh đã hoàn thành lập, trình thẩm định; 07 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến, đang hoàn thiện để trình thẩm định.

Đối với 49/63 quy hoạch tỉnh còn lại, các địa phương đã báo cáo về tiến độ, kế hoạch cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, theo đó cơ bản dự kiến hoàn thành xong trước ngày 31/12/2022 như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP.

“Cụ thể, trong quý 1/2022 và quý 2/2022 dự kiến có 44 địa phương hoàn thành, lấy ý kiến về quy hoạch; 40 địa phương tổ chức thẩm định quy hoạch”, Bộ trưởng báo cáo tại Hội nghị.

Về Quy hoạch đô thịquy hoạch nông thôn, ngoài việc phải thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch, còn phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. Về nội dung này, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo riêng.

(Anh Nhi/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here