Kinh tế tuần hoàn: Lời giải cho phát triển bền vững

0
62
minh họa
minh họa
Thực hiện kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, cải thiện năng suất lao động, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng mới, hiệu quả cao, hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện các cam kết về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050…
Kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phát triển kinh tế thay thế cho cách tiếp cận kinh tế tuyến tính trước đây. Kể từ năm 2020, khái niệm Kinh tế tuần hoàn đã được Chính phủ Việt Nam quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020. Nghị định 08/2022/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch này trước ngày 31/12/2023.
XU THẾ KINH TẾ TUẦN HOÀN
Theo các chuyên gia, thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sáng kiến này đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức.
Thống kê sơ bộ trên thế giới cho thấy, đến nay ước tính có khoảng hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã, đang và dự kiến sẽ xây dựng các lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn dưới các tên gọi khác nhau như kế hoạch, chiến lược, lộ trình như Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn lần thứ 2 của Liên minh Châu Âu ban hành lần thứ 2 kèm theo khung giám sát và các chỉ tiêu về kinh tế tuần hoàn để định hướng chung cho toàn khối.
Đặc biệt, năm 2021, Ủy ban ASEAN ban hành Khung kinh tế tuần hoàn cho Cộng đồng kinh tế ASEAN. Khung kinh tế tuần hoàn đặt ra tầm nhìn dài hạn với các tham vọng về kinh tế tuần hoàn dựa trên các sáng kiến hiện có và xác định các trọng tâm ưu tiên hành động đẩy nhanh tiến trình hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn trong khối ASEAN.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở khu vực ASEAN đưa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường và văn bản hướng dẫn dưới luật.
Tại hội thảo tham vấn đề cương kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực trọng tâm trong thực hiện kinh tế tuần hoàn diễn ra trước đó, TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường đã đưa ra quy định về kinh tế tuần hoàn. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, cách thức áp dụng, phân công trách nhiệm và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, nhiều công cụ chính sách quan trọng có vai trò điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất, người tiêu dùng trong nền kinh tế theo hướng thân thiện môi trường sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách toàn diện, hiệu lực và hiệu quả.
Theo các chuyên gia, việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về kinh tế tuần hoàn vào trong hệ thống chính sách, pháp luật đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.
Kinh tế tuần hoàn được coi là giải pháp hiệu quả giải quyết các thách thức của toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm rác thải, thúc đẩy các biện pháp phát triển bền vững.
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HIỆN THỰC HÓA NỀN KINH TẾ TUẦN HOÀN
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 đang lấy ý kiến hoàn thiện cũng nhấn mạnh mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phổ biến và phù hợp.
Khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, gắn với thực hành tốt, tạo dựng văn hóa trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.
Dự thảo kế hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng, thiết lập cơ chế vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ban hành khung hướng dẫn; hoàn thành việc xây dựng, ban hành kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Kinh tế tuần hoàn sẽ được lồng ghép vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải ở các cấp, các ngành. Cùng với đó, ban hành, tổ chức hướng dẫn áp dụng hiệu quả các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong pháp luật bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng tài liệu, tổ chức hướng dẫn áp dụng kinh tế tuần hoàn cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên theo lộ trình; thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và xây dựng khung giám sát chung về thực hiện kinh tế tuần hoàn.
(Nhĩ Anh/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here