Kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ

0
74
(THX/TTXVN)
(THX/TTXVN)

Số liệu thống kê kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, Trung Quốc đã cơ bản khắc phục được những tác động bất lợi của dịch bệnh, nền kinh tế đang dần phục hồi, thể hiện qua 5 điểm nhấn sau:

(i) Các chỉ số kinh tế chủ yếu dần hồi phục: tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm 2020 đạt 45.661,4 tỷ NDT (khoảng 6.523 tỷ USD), giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, GDP quý 2 tăng 3,2%.

Giá trị gia tăng khu vực I (nông nghiệp) là 2.605,3 tỷ NDT, tăng 0,9%; khu vực II (công nghiệp) là 17.275,9 tỷ NDT, giảm 1,9%; khu vực III (dịch vụ) là 25.780,2 tỷ NDT, giảm 1,6%; đầu tư tài sản cố định đạt 28.160,3 tỷ NDT, giảm 3,1%, thu hẹp 13 điểm % so với quý 1; tổng sản lượng lương thực đạt 142,81 triệu tấn, tăng 1,21 triệu tấn so với năm 2019, tăng 0,9% so với cùng kỳ, trong đó, sản lượng lúa mì đạt 131,68 triệu tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ; trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp giảm 1,3% (riêng quý 2 tăng 4,4%), trong đó, doanh nghiệp nhà nước (giảm 1,5%); doanh nghiệp cổ phần (giảm 0,8%), doanh nghiệp FDI (giảm 3,4%), doanh nghiệp tư nhân (giảm 0,1%).

(ii) Các lĩnh vực mới nổi phát triển mạnh: các ngành chế tạo kỹ thuật cao tăng 4,5% so với cùng kỳ, riêng trong tháng 6 tăng 10%. Một số sản phẩm công nghệ mới tăng nhanh như máy móc vận tải, công trình (16,7%), vi mạch (16,4%), robot công nghiệp (10,3%) và xe tải (8,4%).

Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc đầu tư cho ngành chế tạo kỹ thuật cao tăng 5,8%, đầu tư cho dịch vụ kỹ thuật cao tăng 6,3%, trong đó đầu tư cho dịch vụ thương mại điện tử tăng hơn 30%; Trung Quốc cũng tăng đầu tư cơ sở hạ tầng mới, trong đó có đường sắt đô thị (tăng 13%), trạm sạc xe điện (tăng 11,9%).

(iii) Giá cả, việc làm nhìn chung ổn định: nửa đầu năm 2020, tổng kim ngạch bán lẻ tiêu dùng xã hội đạt 17.225,6 tỷ NDT, giảm 11,4% so với cùng kỳ; trong đó doanh số bán lẻ hàng trực tuyến tăng 7,3%, chiếm 25,2% tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng xã hội, tăng 1,6 điểm phần trăm so với quý 1/2020; tạo việc làm mới cho 5,64 triệu người, hoàn thành 62,7% mục tiêu nhiệm vụ cả năm; giá tiêu dùng tăng 3,8% so với cùng kỳ, thấp hơn 1,1 điểm phần trăm so với quý 1/2020. Riêng trong tháng 6/2020, giá tiêu dùng tăng 2,5%, tăng trong phạm vi vừa phải.

(iv) Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện: Trong nửa đầu năm 2020, thu nhập khả dụng bình quân đầu người tăng; lương hưu tăng 9,3%, trợ cấp xã hội tăng 13,2%.

(v) Kỳ vọng thị trường nhìn chung được cải thiện: Trong tháng 6, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 50,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng 5, cao hơn ngưỡng 50 trong 4 tháng liên tiếp; PMI phi sản xuất đạt 54,4%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với tháng 4, cũng tăng trong 4 tháng liên tiếp, cho thấy vận hành sản xuất của doanh nghiệp Trung Quốc cải thiện.

Đánh giá tình hình kinh tế quý 2/2020, đại diện Cục thống kê Trung Quốc cho rằng, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội Trung Quốc duy trì ổn định, đã dần khắc phục những tác động bất lợi do dịch bệnh gây ra; các chỉ số lượng hóa được nêu trong “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” hầu hết đã hoàn thành vượt mức, mục tiêu tăng gấp đôi GDP hiện cũng gần hoàn thành. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, những rủi ro, bất lợi đối với nền kinh tế Trung Quốc gia tăng, phục hồi kinh tế trong nước vẫn chịu nhiều áp lực. Trung Quốc cần ứng phó với những thay đổi, nắm trọng điểm, bù đắp thiếu sót, làm tốt “6 ổn định” và thực hiện tốt “6 bảo đảm”, hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội khá giả toàn diện.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một loạt biện pháp hỗ trợ khôi phục kinh tế của Chính phủ Trung Quốc bước đầu đã phát huy kết quả. Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thực hiện được “mục tiêu 100 năm” lần thứ nhất trong năm 2020, ít nhất là theo cách diễn giải của người Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ đối mặt không ít thách thức, rủi ro: (i) Dịch bệnh hiện vẫn lan rộng trên thế giới, hệ lụy đối với nền kinh tế Trung Quốc và thế giới vẫn chưa thể dự báo đầy đủ, nhất là sự thu hẹp nhu cầu từ bên ngoài và đứt gẫy chuỗi cung ứng và chuỗi ngành nghề; (ii) Các gói kích thích kinh tế Trung Quốc đưa ra tuy có chọn lọc, nhưng vẫn tăng gánh nợ công và rủi ro tài chính; (iii) Việc Trung Quốc áp các chỉ tiêu cứng về xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm sẽ tăng sức ép cho chính quyền cơ sở, dẫn đến chủ nghĩa hình thức, ứng phó; (iv) Tình hình dịch bệnh lan rộng toàn cầu, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề các tỉnh miền Nam, ảnh hưởng đến hoa màu, thu hoạch lương thực. Về lâu dài các nước sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu dịch bệnh không được kiểm soát trên thế giới; (v) Quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi, có thể dẫn đến leo thang đấu tranh toàn diện, những khó khăn, thách thức Trung Quốc đối mặt sẽ nghiêm trọng chưa từng có.

Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về sự khởi sắc của kinh tế Trung Quốc. Ông Michael Spencer, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch ngân hàng Deutsche Bank nhận định “Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế duy trì tăng trưởng trên thế giới”. Đại diện Quỹ giao dịch ngoại hối CMC Markets thì cho rằng, số liệu kinh tế công bố gần đây chưa thể hiện hết mức độ phục hồi và sức sống của nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù dịch bệnh mang lại không ít thách thức về cung và cầu, nhưng với những điều chỉnh về chính sách vĩ mô, các công cụ tài chính, tiền tệ của chính phủ, nửa cuối năm 2020, kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì đà phục hồi và tăng trưởng. Các ngân hàng lớn trong và ngoài nước đều lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, dự báo tốc độ tăng trưởng cả năm ​​sẽ đạt 3%.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here