Kinh tế Trung Quốc

0
161
(Getty)
(Getty)

1. PMI Caixin/Market ngành dịch vụ Trung Quốc trong tháng 10/2020 đạt 56,8%

Theo số liệu Caixin, chỉ số PMI Caixin/Market ngành dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 10/2020 đạt 56,8%, tăng 2 điểm phần trăm so với tháng 9/2020, tháng thứ sáu liên tiếp nằm trên mức trung tính (50%). Trước đó, Caixin cũng công bố chỉ số PMI Caixin/Market ngành sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10/2020 đạt 53.6%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với tháng 9/2020. Chỉ số PMI Caixin/Market tổng hợp trong tháng 10/2020 đạt 55,7%, tăng 1,2 điểm phần trăm so với tháng 9/2020, bằng mức tháng 6/2020 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 12/2010.

Chiều hướng PMI ngành dịch vụ và tổng hợp của Caixin đồng nhất với chỉ số PMI do Cục Thống kê Trung Quốc (NBS). Theo số liệu của NBS, trong tháng 10/2020, PMI ngành dịch vụ đạt 55,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng 9/2020; PMI tổng hợp đạt 55,3%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng 9/2020.

Trong tháng 10/2020, số lượng đơn đặt hàng mới trong ngành dịch vụ tăng mạnh. Theo phản ánh của các công ty tham gia khảo sát, sự tăng trưởng đơn hàng liên quan đến sự phục hồi nhu cầu của khách hàng và việc ra mắt các sản phẩm mới. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng mới từ nước ngoài đã giảm trong 4 tháng liên tiếp. Nhiều thị trường xuất khẩu đã phục hồi sau đại dịch, khiến xuất khẩu của Trung Quốc sụt giảm.

Chỉ số việc làm của ngành dịch vụ liên tiếp ba tháng duy trì trên mức trung tính, mức cao nhất kể từ tháng 10/2019. Đồng thời, chỉ số việc làm của ngành sản xuất cũng liên tiếp hai tháng duy trì trên mức trung tính. Nhìn chung, việc làm trong hai ngành tiếp tục tăng, tuy nhiên mức tăng không mạnh.

Trong tháng 10/2020, chỉ số kỳ vọng kinh doanh ngành dịch vụ đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 5/2012, cho thấy các doanh nghiệp ngành dịch vụ tiếp tục lạc quan với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sự phục hồi kinh tế trong năm tới.

Theo Vương Triết, nhà kinh tế cao cấp của Caixin Think Tank, cũng với niềm tin thị trường phục hồi, ngành sản xuất và dịch vụ đang từng bước được cải thiện. Trong tháng 10/2020, dịch bệnh tái bùng phát tạo áp lực lên ngoại nhu của ngành dịch vụ và ngành sản xuất. Tình hình dịch bệnh ở châu Âu và Mỹ vẫn là yếu tố không chắc chắn ảnh hưởng đến xu hướng kinh tế trong tương lai. Trong những tháng tới, kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng cần thận trọng đối với các chính sách tiền tệ, tài chính trong thời kỳ hậu dịch.

2. Xuất khẩu dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 9/2020 tăng trưởng dương

 Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, trong tháng 9/2020, tăng trưởng xuất khẩu dịch vụ của Trung Quốc chuyển từ âm sang dương, đạt 162,5 tỷ NDT, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặc dù vậy, trong 9 tháng đầu năm 2020, quy mô thương mại xuất nhập khẩu dịch vụ của Trung Quốc đạt 3.390 tỷ NDT (khoảng 498,5 tỷ USD), giảm 15,7% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 1.399,5 tỷ NDT, giảm 1,5%, nhập khẩu đạt 1.990,5 tỷ NDT, giảm 23,5%.

Thương mại dịch vụ của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2020 có một số đặc điểm: quy mô thương mại dịch vụ giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu khả quan hơn nhập khẩu, tỷ trọng thương mại dịch vụ thâm dụng tri thức tăng.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, xuất nhập khẩu dịch vụ thâm dụng tri thức của Trung Quốc đạt 1.493,1 tỷ NDT, tăng 9% so với cùng kỳ, chiếm 44% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ. Trong đó, xuất khẩu đạt 779,5 tỷ NDT, tăng 8,6%, chiếm 55,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ; nhập khẩu đạt 713,6 tỷ NDT, tăng 9,4%, chiếm 35,8% tổng kim ngạch nhập khẩu dịch vụ.

3. Trung Quốc bổ sung 4.400 km đường sắt vào hệ thống đường sắt quốc gia trong năm 2020

Theo Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc (CRC), trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã đầu tư 553,1 tỷ NDT (khoảng 81,3 tỷ USD) cho ngành đường sắt, giảm 0,26% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, riêng trong tháng 9/2020, Trung Quốc đã đầu tư 99,15 tỷ NDT, giảm 5,55%.

Từ ngày 1/7/2020, Trung Quốc bổ sung 1.178 km đường sắt mới vào hệ thống đường sắt quốc gia, trong đó có 605 km đường sắt cao tốc (ĐSCT). Dự kiến, trong năm 2020, Trung Quốc sẽ cho đưa vào khai thác 4.400 km đường sắt mới, trong đó khoảng 2.300 km ĐSCT.

Số liệu cho thấy, đến cuối tháng 7/2020, Trung Quốc có mạng lưới đường sắt dài 141.400 km, trong đó 36.000 km ĐSCT, chiếm 70% mạng lưới ĐSCT trên thế giới, là quốc gia có quy mô và tổng chiều dài ĐSCT lớn nhất thế giới.

– Trong 9 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc khai thông một số tuyến đường sắt mới như: Tuyến đường sắt Thượng Hải-Tô Châu-Nam Thông; Tuyến ĐSCT Kazuo (tỉnh Liêu Ninh)-Chifeng (Khu Tự trị Nội Mông) và gần đây nhất (ngày 3/11), tuyến đường sắt cao tốc Tây An (Thiểm Tây)-Ngân Xuyên (Khu tự trị Hồi Ninh Hạ) được vận hành thử nghiệm. Tuyến ĐSCT này có tổng chiều dài 618 km với tốc độ thiết kế 250 km/h, sẽ được đưa vào khai thác vào cuối năm nay. Khi đó, chuyến tàu từ Tây An đến Ngân Xuyên sẽ được rút ngắn từ 14 giờ hiện tại xuống còn khoảng 3 giờ.

Trước đó ngày 4/8, Trung Quốc đã phê duyệt dự án xây dựng tuyến đường sắt liên thành phố tại vùng Vịnh lớn Quảng Đông-Hồng Công-Ma Cao (vùng Vịnh lớn), với tổng số tiền đầu tư 474,1 tỷ NDT (khoảng 67,3 tỷ USD). Dự kiến tới năm 2025, sẽ có khoảng 4.700 km đường sắt ở vùng Vịnh lớn được đưa vào khai thác, kết nối các thành phố trung tâm như Quảng Châu, Thâm Quyến với các thành phố lân cận.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here