Kinh tế Trung Quốc

0
112
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tăng trong tháng 6: Theo Tổng cục Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 6 tăng thêm 10,6 tỷ USD tính từ cuối tháng 5, với mức tăng 0,3%, đưa tổng dự trữ ngoại hối của nước này lên 31123 tỷ USD. Thị trường ngoại hối về cơ bản có sự cân đối giữa cung và cầu. Sự gia tăng dự trữ ngoại hối xuất phát từ nhiều nhân tố bao gồm tỷ giá hối đoái và sự thay đổi về giá của các tài sản tài chính. Dịch bệnh cùng với chính sách nới lỏng tài chính-tiền tệ của các nền kinh tế chủ chốt làm giảm chỉ số đồng đô la Mỹ và tăng giá tài sản tài chính ở các quốc gia lớn.

Ngoài ra, dòng vốn xuyên biên giới đổ vào Trung Quốc cũng làm tăng quy mô của dự trữ ngoại hối trong khi các tài sản tài chính bằng đồng Nhân Dân tệ cũng hấp dẫn và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư toàn cầu. Là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tích tụ khối lượng lớn dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, tốc độ tăng dự trữ ngoại hối suy giảm trong những năm gần đây do sự giảm sút của thị trường xuất khẩu toàn cầu và do dành ưu tiên tập trung mở rộng tiêu thụ trong nước trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế liên tục suy giảm.

Chuyên gia phân tích trưởng của China Minsheng Bank Wen Bin nhận định, dù môi trường kinh tế bên ngoài phức tạp, với nhiều chỉ số đang được cải thiện, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang trên đà phát triển tốt.

2. Chỉ số phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc phục hồi

Ngày 6/7/2020, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc công bố kết quả khảo sát cho thấy, chỉ số phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc trong quý 2/2020 đạt 85,5 điểm, tăng 3,5 điểm so với quý 1. Trong đó, tỷ lệ khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp đạt 93,17%, các doanh nghiệp xây dựng 84,44%.

Kết quả trên được đưa ra sau khi Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc tiến hành khảo sát 3.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong 8 ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế Trung Quốc[1].

Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc cho rằng chỉ số phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng lên trong quý 2 phản ánh một số đặc điểm sau: (i) Niềm tin của các doanh nghiệp vào thị trường tăng lên; (ii) Chỉ số chi phí hoạt động kinh doanh giảm: trong số 8 ngành được khảo sát, 6 ngành có chi phí sản xuất giảm, 4 ngành có chi phí nguyên liệu giảm và 7 ngành có chi phí lao động giảm; (iii) Các doanh nghiệp đã bớt khó khăn hơn về vốn. Chỉ số vốn đạt 100,5 điểm, tăng 1,6 điểm so với quý trước; (iv) Cung và cầu lao động đều tăng: chỉ số lao động trong quý 2 là 104,7 điểm, tăng 5,4 điểm so với quý 1, kết thúc 8 quý giảm liên tiếp; trong khi đó, chỉ số cầu là 97,3 điểm, tăng 2,4 điểm so với quý 1; chỉ số cung ứng là 112,1 điểm, tăng 8,4 điểm; (v) Hiệu quả của doanh nghiệp cải thiện: trong quý 2, chỉ số hiệu quả của doanh nghiệp là 59,8 điểm, tăng 3,4 điểm so với tháng trước.

[1] Gồm: công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải và bưu chính, bất động sản, bán lẻ và bán buôn, dịch vụ xã hội, thông tin và phần mềm, khách sạn và ăn uống.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here