Kinh tế toàn cầu 2018: Lao đao trong vòng xoáy xung đột

0
68
“Ảnh minh họa”

Có thể nói toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu đã bị chao đảo theo những “luật chơi” mới mà ông chủ Nhà Trắng áp đặt để thực hiện mục tiêu “Nước Mỹ trước tiên”.

Tham vọng bảo vệ lợi ích nền kinh tế Mỹ được Tổng thống Donald Trump cụ thể hóa bằng hàng loạt chính sách cứng rắn là yếu tố chủ chốt chi phối nền kinh tế toàn cầu năm 2018. Có thể nói toàn bộ hệ thống kinh tế toàn cầu đã bị chao đảo theo những “luật chơi” mới mà ông chủ Nhà Trắng áp đặt để thực hiện mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”.

Đà tăng trưởng vững chắc của năm 2017 cùng những dự báo lạc quan về kinh tế thế giới 2018 hồi đầu năm hầu như bị đảo ngược vào cuối năm. Lần đầu tiên kể từ tháng 7/2016, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải hạ mức dự báo về tăng trưởng toàn cầu xuống 3,7%, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 7.

Còn nhớ, sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới trong năm 2017 từng khiến giới chuyên gia kỳ vọng vào bước bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018 khi kinh tế toàn cầu được cho là đang trải qua giai đoạn khởi sắc thuận lợi nhất.

Hàng loạt dự báo tích cực được các tổ chức quốc tế có uy tín đưa ra cho kinh tế thế giới 2018, bất chấp xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng có thể kéo theo các rào cản thương mại gây bất lợi cho tăng trưởng, cùng những ảnh hưởng từ tiến trình đàm phán Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.

Những chính sách như bình ổn giá năng lượng, hàng hóa; lòng tin của giới kinh doanh được cải thiện và hiệu ứng của cách mạng công nghiệp 4.0 được coi là nhân tố chủ đạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, những rủi ro từng được cảnh báo trước đó đã trở nên rõ rệt ở cấp độ vĩ mô, thậm chí được hiện thực hóa một phần và ảnh hưởng xấu tới tình hình kinh tế. Đặc biệt, cuộc đấu thuế quan mà Mỹ khơi mào ngay từ đầu năm đã làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu, chặn đà tăng trưởng kinh tế từng được dự báo là khá vững chắc. Từ tăng trưởng, kinh tế toàn cầu đã trả qua giai đoạn “đi ngang” và dần dần xoay chiều mũi tên đi xuống.

Thâm hụt thương mại lên tới 568 tỷ USD trong năm 2017 là một trong những nguyên nhân chính khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc chiến thuế với hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…

Từ màn “khai hỏa” bằng đòn tấn công phủ đầu, lần lượt áp thuế 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu, Mỹ tiếp tục coi thuế quan như vũ khí mạnh nhất trên trong cuộc cạnh tranh kinh tế nói riêng và cuộc đấu nhằm khẳng định vị trí số một nói chung. Đám “mây đen” chiến tranh thương mại giữa Mỹ với các đối tác, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang với tốc độ ngoài dự đoán chỉ trong vài tháng, đã nhanh chóng lan rộng và truyền lực tác động tới kinh tế toàn cầu.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước tính giảm khoảng 400 tỷ USD, cùng việc IMF và các tổ chức tài chính quốc tế đồng loạt hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2018, mới chỉ là phần nổi của những hệ quả từ những cuộc đấu khốc liệt này. Ngoài thiệt hại đối với hai nền kinh tế lớn nhất, tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi đầu như chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vòng xoáy căng thẳng thương mại toàn cầu.

Bất ổn xuất phát từ những thay đổi chính sách chủ chốt ở các nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và hoạt động kinh tế trên toàn thế giới. Xu hướng tự do hóa thương mại đã bắt đầu chậm lại. Dòng vốn bị rút mạnh ra khỏi các quỹ đầu tư Mỹ, Tây Âu, thậm chí cả ở Nhật Bản – những địa điểm vốn được coi là “nơi trú bão an toàn”, là bằng chứng rõ nhất cho thấy phản ứng của giới đầu tư trong những tháng cuối năm liên quan đến những dấu hiệu kinh tế bất ổn.

Chưa hết, những diễn biến tiêu cực gia tăng cũng đang khiến hệ thống thương mại thế giới gặp hiểm nguy. Theo các chuyên gia, hiện tại, “cuộc chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ tập trung vào lĩnh vực kinh tế-thương mại. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, rất có thể tranh chấp Trung – Mỹ sẽ diễn biến thành tranh chấp trên nhiều góc độ như nguồn nhân lực, tài chính, địa lý… Khi đó, bất cứ trở ngại nào đối với hoạt động thương mại ở Trung Quốc hay Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ dẫn đến hiệu ứng lan toả tiêu cực cho phần còn lại của thế giới.

Nền kinh tế Mỹ, vốn được coi là nền tảng cho sự thịnh vượng toàn cầu, đã có dấu hiệu giảm tốc trong những tháng cuối năm, dù vẫn duy trì được tăng trưởng. Nhịp độ tăng trưởng 4,2% của quý II được dự báo sẽ giảm ở mức khoảng trên 3% trong các quý cuối năm, khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ có thể sẽ giảm xuống mức 2,4% trong năm nay và 2% năm 2020, do tác động của cuộc chiến thương mại.

Với Trung Quốc, dù đạt được mức tăng trưởng khá hợp lý trong 3 quý đầu năm, nhưng với con số 6,5% trong quý III, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đã trải qua một quý tăng trưởng thấp nhất trong 9 năm qua. Do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc dường như đã bắt đầu “ngấm đòn”.

Những yếu tố như hoạt động đầu tư vào các tài sản cố định của Trung Quốc chậm hơn dự đoán, doanh số bán lẻ chững lại, phản ánh nhu cầu nội địa yếu đi, lòng tin kinh doanh sụt giảm, cùng với thị trường chứng khoán tụt dốc, đồng NDT chưa có dấu hiệu phục hồi… cũng được xem là nguyên nhân “hạ nhiệt” kinh tế Trung Quốc.

Tại châu Âu, tác động kép của những căng thẳng thương mại với Mỹ và tiến trình Anh rời khỏi “ngôi nhà chung”, cũng làm chậm nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nước Liên minh châu Âu (EU).

Đặc biệt, Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong quý III vừa qua đã chứng kiến lần đầu tiên kinh tế suy giảm kể từ năm 2015. Xu hướng suy giảm này sẽ còn duy trì đối với 27 nước thành viên EU và 19 nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong vài năm tới.

Trong bức tranh chung khá u ám như vậy thì kinh tế châu Á có thể coi là “điểm sáng”. Trong báo cáo cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo mức tăng trưởng của khu vực 6% cho năm nay và 5,8% cho năm tới. Ấn Độ sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong năm nay và 2019, với mức tăng lần lượt đạt 7,3% và 7,4%. Triển vọng kinh tế Nhật Bản cũng khá sáng sủa, bất chấp ảnh hưởng của các đợt thiên tai.

Hiện nay kinh tế thế giới vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ do mức độ tăng trưởng không duy trì được nhịp độ sôi động như trước đây. Nếu không được kịp thời điều chỉnh, tình trạng thất nghiệp gia tăng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khoản nợ công toàn cầu, hiện đã lên tới mức kỷ lục 182.000 tỷ USD, vẫn sẽ là yếu tố tác động đến bức tranh kinh tế toàn cảnh năm 2019. Thậm chí, nguy cơ suy thoái đã được nhắc tới khi khả năng phối hợp quốc tế để ứng phó với những rủi ro làm chao đảo nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng khó khăn.

Bên cạnh đó, chính sách thương mại cứng rắn nhiều khả năng sẽ tiếp tục được Tổng thống Trump triển khai trong thời gian tới bởi ông coi đây là biện pháp bảo đảm lợi ích cho nền kinh tế Mỹ, trong bối cảnh sức khỏe nền kinh tế quốc gia được xem là chìa khóa cho cơ hội tái đắc cử của một tổng thống đương nhiệm ở Mỹ. Bởi vậy mà kinh tế toàn cầu có thể còn hứng chịu những cú sốc mới khắc nghiệt hơn trong năm tới./.

Nguồn: Bnews.vn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here