Qúy 3: Kinh tế Pháp tăng vượt mức trung bình của khu vực Eurozone

0
70

Báo cáo tình hình kinh tế Pháp Qúy 3 của Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) công bố hôm 30/10 cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Pháp trong quý 3 đạt 0,4% sau khi chỉ ghi nhận mức tăng trưởng đáng thất vọng 0,2% trong Qúy 1 và Qúy 2. Với con số này, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2017, tỷ lệ tăng trưởng hàng quý của Pháp vượt mức trung bình của khu vực đồng Euro (đạt 0,2% trong Qúy 3 2018).

François Cabau, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Barclays cho rằng “kết quả này đánh dấu sự tăng trưởng trở lại của kinh tế Pháp với cùng nhịp với chu kỳ kinh tế, tức là tăng trưởng GDP ở mức cao hơn tiềm năng và cho phép giảm tỷ lệ thất nghiệp”. Dẫu vậy, tỷ lệ tăng trưởng Qúy 4 phải ở mức 0,6% mới đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng 1,7% trong năm nay. Điều này xét về tiềm năng là có thể nhưng lại không khả thi vào thời điểm này. Chuyên gia Julien Manceaux của ngân hàng ING cho rằng “tăng trưởng năm 2018 của Pháp sẽ ở mức 1,6%”.

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng trong Qúy 3 của Pháp chủ yếu nhờ vào chi tiêu dùng của hộ gia đình. Chi tiêu dùng trong Qúy 3 tăng mạnh do cải thiện sức mua của so với Qúy 2 (tăng 0,5% trong Qúy 3 sau khi giảm 0,1% trong Qúy 2). Theo báo cáo của INSEE, “tiêu dùng hàng hóa đã tăng mạnh +0,6 % trong Qúy 3 (Qúy 2 giảm 0,4%) và dịch vụ tăng nhẹ (+0,3% so với 0,1% của Qúy 2)”. Xu hướng tăng tiêu dùng này sẽ tiếp tục được kéo dài trong Qúy 4. Theo tính toán của INSEE, sức mua của hộ gia đình sẽ tăng 1,7% trong 3 tháng cuối năm 2018. Dẫu vậy, theo Frédéric Tallet, Trưởng bộ phận tổng hợp tình hình của INSEE, “tính bất định của nền kinh tế Pháp từ này đến cuối năm vẫn còn chưa được giải đáp. Đó là vấn đề tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là các hộ tiêu dùng sẽ ứng xử như thế nào khi mà sức mua sẽ tăng do việc chính phủ cắt giảm tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người làm công cũng như do giảm 1/3 thuế đánh vào nhà ở?”. Một phần của khoản dôi ra này sẽ được chi tiêu dùng và vì vậy sẽ kéo theo tăng trưởng GDP. Phần còn lại sẽ tạo thành những khoản tiết kiệm cho các hộ gia đình.

Ở góc độ chính trị, không chắc điều này sẽ làm giảm bớt sự phản ứng ngày càng tăng do chính phủ tăng thuế đánh vào nhiên liệu hóa thạch. Nhưng ở góc độ kinh tế, gia tăng trong tiêu dùng cộng hưởng với tăng trưởng trong đầu tư của doanh nghiệp nhờ vào lãi suất thấp và cải thiện ngoại thương, sẽ là yếu tố góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế kỳ vọng trong Qúy 4. Theo báo cáo của INSEE, sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong Qúy 3 cũng tăng trưởng đáng kể (tăng 0,7% trong Qúy 3 so với 0,3% trong Qúy 2) và nhất là trong khu vực hàng hóa với mức tăng trường 0,8% (Qúy 2 giảm 0,2%). Đầu tư tiếp tục đà năng động đạt mức 0,8% trong Qúy 3 (Qúy 2 đạt 0,9%) trong khi ngoại thương đóng góp vào tăng trưởng Qúy 3 ở mức 0,1 điểm phần trăm trong khi trong nửa đầu năm 2018, ngoại thương đã làm giảm 0,2 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP.

Nhưng viễn cảnh u ám dự kiến sẽ đè nặng lên tăng trưởng năm 2019. Trước tiên, tăng trưởng thấp của khu vực đồng Euro trong Qúy 3 đã là một dấu hiệu cảnh báo sớm. Sự chững lại của các nền kinh tế trong khu vực Euro chắc chắn sẽ gây ra nhưng hệ quả mang tính cơ học đối với kinh tế Pháp. Tổng giá trị xuất khẩu của Pháp sang Italia (khách hành thứ 4 của Pháp) đạt 36 tỷ Euro trong vòng 12 tháng vừa qua. Hơn nữa môi trường kinh doanh tại Pháp trong tháng 10 bị đánh giá có chiều hướng suy giảm. Nỗi ám ảnh của một cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro liên quan đến ngân sách của chính phủ Italia, căng thẳng thương mại quốc tế giữa Mỹ và Trung Quốc, Mỹ – EU và những khó khăn mà các nước mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp tại Pháp. Theo tính toán của INSEE, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019 là 1,6%, tăng trưởng hàng quý trong năm 2019 phải đạt mức trung bình 0.4% và mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được.

Trong khi đó, báo cáo kinh tế EU của Eurostat công bố ngày 30/10 cho thấy tăng trưởng Qúy 3 của khu vực đồng Euro chỉ đạt 0,2% sau khi đạt mức 0,4% trong Qúy 1 và Qúy 2. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của Eurozon được ghi nhận kể từ năm 2014. Trong số các nguyên nhân của mức tăng trưởng khiêm tốn này phải kể đến tình trạng đình trệ trong kinh tế và đặc biệt là công nghiệp tại Italia. Hãng đánh giá tín nhiệm tài chính quốc tế Standard & Poor’s cho rằng tăng trưởng hàng năm của Italia năm 2018 và 2019 sẽ chỉ đạt mức 1,1% thay vì 1,4% như dự báo cho đến nay. Một nguyên nhân khác được cho là việc chưa có số liệu tăng trưởng chính thức trong Qúy 3 của kinh tế Đức được cho rằng sẽ ổn định ở mức 0,5% như Qúy 2 hoặc thậm chí bị suy thoái trong Qúy 3 do sụt giảm từ lĩnh vực xe hơi dưới tác động của căng thẳng thương mại quốc tế và khủng hoảng khí thải. Xavier Chapard, chuyên gia kinh tế của Crédit Agricole CIB dự báo khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng mạnh trong Qúy 4 ở mức 0,4-0,5% nhờ vào hai đầu tàu là Đức và Pháp. Tuy nhiên Chuyên gia Nicola Nobile của Oxford Economics cho rằng tăng trưởng của khu vực đồng Euro năm 2018 sẽ ở mức 1,9% thay vì 2,0% như dự báo cho đến nay.

(Tin từ ĐSQVN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here