Tin Kinh tế Mỹ

0
53
(minh hoạ)
(Internet)

1. Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho rằng các công ty Mỹ sẽ thúc đẩy Thỏa thuận thuế toàn cầu.

Ngày 13/7/2021, Bloomberg cho biết, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết các công ty Mỹ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các nhà lập pháp ủng hộ cuộc đại tu thuế doanh nghiệp toàn cầu và giúp vượt qua sự phản đối của Đảng Cộng hòa, các phản đối vốn có thể làm chậm hoặc ngừng hẳn việc phê chuẩn một thỏa thuận đã được Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua vào cuối tuần qua.

Tại cuộc họp G20 của các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ở Venice, các quốc gia đã thông qua một thỏa thuận sơ bộ về việc sửa đổi cách thức và mức độ các quốc gia này đánh thuế đối với các công ty đa quốc gia. Thỏa thuận cũng được 132 quốc gia ủng hộ trong các cuộc đàm phán do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chủ trì. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải đối mặt với những thách thức ở Washington, nơi chính quyền Biden đang hy vọng Quốc hội thông qua một số đạo luật để Mỹ có thể đáp ứng hoàn toàn với thỏa thuận.

Bà Yellen cho biết bà hy vọng nội dung về thuế tối thiểu sẽ được đưa vào dự luật ngân sách khẩn cấp trình Quốc hội vào cuối năm nay mà không cần sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa. Trong một phỏng vấn, bà nhấn mạnh rằng nhiều nhà lãnh đạo công ty đa quốc gia đã ủng hộ thỏa thuận này vì nó đảm bảo cho họ sự chắc chắn hơn về các qui định và thuế suất. Hiện chưa rõ liệu có cần 2/3 phiếu thông qua của Thượng viện cho kế hoạch phân chia thuế lợi tức của các công ty lớn nhất hay không, nên việc thông qua nội dung này sẽ khó khăn hơn nhiều.

Bà Yellen hy vọng rằng đảng Cộng hòa sẽ tham gia nếu cần thiết. Thỏa thuận đặt ra mức thuế tối thiểu ít nhất là 15% để ngăn các công ty chuyển đến các thiên đường thuế thấp và thiết lập một hệ thống chia sẻ một số thuế lợi tức đối với các công ty quốc tế lớn nhất căn cứ vào nơi công ty hoạt động, mà không căn cứ vào địa điểm đặt trụ sở chính. Bà Yellen đã nhiều lần nhấn mạnh thỏa thuận này sẽ giúp các quốc gia thu được nhiều tiền thuế hơn từ các công ty lớn và chính quyền Biden đang trông chờ việc cải tổ thuế toàn cầu này sẽ hỗ trợ cho chương trình nghị sự kinh tế kéo dài 10 năm, trị giá 4 nghìn tỷ USD ở Mỹ. Các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ hoàn tất thỏa thuận này vào tháng 10 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome. Để kịp đáp ứng thời hạn trên thì phải giải quyết một số trở ngại quan trọng và bà Yellen đang tìm cách giải quyết trong chuyến công tác của mình. Ngày 12/7/2021, bà đã gặp Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe; Ireland là một trong 3 quốc gia châu Âu từ chối ký thỏa thuận thuế toàn cầu. Mặc dù không có bất kỳ kết quả công khai nào, nhưng bà Yellen cho biết các cuộc họp của bà với các đối tác châu Âu đã diễn ra hiệu quả và tốt đẹp.

2. Lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 tăng cao hơn dự kiến, chỉ số giá tăng 5,4%.

Ngày 13/7/2021, CNBC cho biết, Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết, trong tháng 6 lạm phát tại Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 13 năm qua trong bối cảnh giá ô tô đã qua sử dụng, giá thực phẩm và năng lượng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên mức 5,4% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2008 ngay trước thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tài chính. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát đã dự đoán mức tăng này là 5%.

Không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số CPI cốt lõi đã tăng lên mức 4,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/1991 và cao hơn nhiều so với con số ước tính là 3,8%. Sau khi số liệu mới được công bố, thị trường chứng khoán đã sụt giảm, lãi suất trái phiếu chính phủ diễn biến khó lường. Theo Sarah House, chuyên gia kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư và công ty Wells Fargo, điều này thực sự cho thấy áp lực lạm phát vẫn gay gắt hơn mức đánh giá và sẽ còn duy trì thời gian dài. Một báo cáo khác của Cục Thống kê, Bộ Lao động cho thấy rằng mức tăng giá tiêu dùng hàng tháng đã chuyển thành mức lương thực tế âm cho người lao động. Thu nhập trung bình theo giờ thực tế đã giảm 0,5% trong tháng, trong khi mức tăng 0,3% thu nhập bình quân theo giờ vẫn thấp hơn mức tăng CPI. Lạm phát tăng cao do một số yếu tố như chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn, nhu cầu cao bất thường khi dịch Covid-19 giảm bớt và việc so sánh các chỉ số với thời điểm nền kinh tế trong những tháng đầu của cuộc khủng hoảng.

Các nhà hoạch định chính sách tại Cục Dự trữ Liên bang và Nhà Trắng kỳ vọng áp lực hiện tại sẽ bắt đầu giảm bớt, mặc dù các quan chức ngân hàng trung ương thừa nhận rằng lạm phát đang mạnh hơn và có thể kéo dài lâu hơn dự kiến. Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể sẽ phải trả lời các vấn đề về lạm phát tại các phiên họp của Hạ viện và Thượng viện vào giữa tuần này. Ông Powell đã kiên định cho rằng áp lực lạm phát chỉ là nhất thời, mặc dù trong một báo cáo của Fed ngày 09/7/2021 đã chỉ ra rằng  rủi ro đang gia tăng.

Phần lớn áp lực về giá đến từ các lĩnh vực đặc biệt chịu ảnh hưởng của việc đóng cửa như giá ô tô đã qua sử dụng, giá vé máy bay và chi phí vận tải… Trong tháng 5, giá xe ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng 10,5%, chiếm hơn 1/3 tổng mức tăng CPI. Trong 12 tháng qua, giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng tăng hơn 45,2%. Giá lương thực và năng lượng cũng tăng lần lượt là 0,8% và 1,5%. Chỉ số giá xăng dầu đã tăng 2,5% trong tháng 6 và tăng 45,1% trong vòng 12 tháng qua. Giá thực phẩm đã tăng 2,4% trong năm qua. Giá bất động sản leo thang càng củng cố thêm dự báo về lạm phát sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian nữa. Theo khảo sát của Ngân hàng trung ương New York được công bố ngày 12/7/2021, người tiêu dùng cho rằng giá cả tăng 4,8% trong 12 tháng tới, mặc dù một khảo sát của Bank of America công bố ngày 13/7/2021 cho biết các nhà đầu tư chuyên nghiệp có khuynh hướng tin rằng lạm phát sẽ chỉ là tạm thời.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here