Kinh tế hậu COVID-19: Nhiệm vụ ưu tiên và định hướng hợp tác châu Á để kiến tạo tương lai

0
49
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Quốc tế lần thứ 26 về “Tương lai châu Á” mới đây Lãnh đạo các quốc gia đều nhấn mạnh, “châu Á thực sự là khu vực đóng vai trò nổi bật, mở đường cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững và toàn diện trong kỷ nguyên hậu COVID-19.”

Năm thử thách lớn nhất trong lịch sử hiện đại

Trang mạng Fresh News Asia dẫn lời ông Hun Sen nhận định, 2020 là năm thử thách lớn nhất trong lịch sử hiện đại vì đại dịch COVID-19 lan rộng, gây ra cuộc khủng hoảng y tế công trầm trọng và làm gián đoạn phát triển kinh tế-xã hội của cả thế giới.

Kinh tế toàn cầu ghi nhận tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi những năm 1997-1998, khiến các hoạt động kinh tế, thương mại, chuỗi cung ứng, kết nối bất ngờ bị gián đoạn. Nhu cầu của thế giới sụt giảm mạnh cùng lúc với việc các nước áp dụng các biện pháp hành chính như hạn chế đi lại và phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh trong năm 2020, mặc dù kinh tế thế giới tăng trưởng âm, nhưng một số nước châu Á vẫn duy trì tăng trưởng dương. Hơn thế nữa, hiện tại một số nước châu Á đang đóng vai trò “đầu tàu” trong việc thúc đẩy hồi phục kinh tế khu vực và thế giới nhờ kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đặc biệt còn hỗ trợ tiến trình khôi phục kinh tế-xã hội tại các quốc gia khác thông qua các sáng kiến hợp tác và trợ giúp một cách đa dạng.

Tại Hội nghị trực tuyến với chủ đề: “Định hướng kỷ nguyên hậu COVID-19: Vai trò của châu Á trong sự hồi phục của thế giới”, ông Hun Sen nhận định mặc dù kinh tế toàn cầu dự kiến phục hồi trong năm 2021, song thế giới vẫn đang phải đương đầu với nhiều bất ổn. Nguy cơ từ làn sóng COVID-19 mới bùng phát và những biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, đe dọa làm gián đoạn sự năng động của các nền kinh tế.

Thêm vào đó, việc tiêm phòng COVID-19 để có thể đạt miễn dịch cộng đồng cần có thêm thời gian, trong bối cảnh việc tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19 có khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển. Chỉ một số ít quốc gia có thể phục hồi kinh tế, trong khi các nước khác tiếp tục đối mặt với cả thách thức về y tế và kinh tế.

Bên cạnh đại dịch COVID-19, thế giới còn phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng và nguy cơ khác. Leo thang căng thẳng địa chính-trị trong một số khu vực và cuộc chiến thương mại, công nghệ giữa các cường quốc tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển của thế giới cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Trong khi đó, các nhân tố khác gây rủi ro đối với hòa bình, ổn định và an ninh đang hiện hữu và gây thêm áp lực lên châu Á, trong đó phải kể đến xu hướng đa cực, cạnh tranh nhau vì lợi ích, thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Tất cả những yếu tố này đang tác động và làm gián đoạn lộ trình phát triển bền vững.

Trong hai thập niên trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, sự tăng trưởng và phát triển nhanh của các nước châu Á đã đưa khu vực trở thành động lực trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của thế giới, giúp khu vực giảm nghèo và tăng thu nhập của người dân. Hiện tại, Trung Quốc và Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, trong khi ASEAN và Ấn Độ lần lượt là nền kinh tế lớn thứ 5 và thứ 6 thế giới.

Chiếm gần 60% dân số thế giới và đóng góp khoảng 30% vào GDP toàn cầu, châu Á là trung tâm kinh tế, trung tâm kết nối quan trọng, có tiềm năng lớn trong việc khôi phục và có thể đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu. Trong tình hình này, dựa vào sự năng động và tiềm năng sẵn có, châu Á sẽ trở thành “đầu tàu” của kinh tế thế giới, thúc đẩy sự phục hồi của thế giới từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Dựa vào đánh giá trên, Thủ tướng Campuchia chia sẻ quan điểm về các nhiệm vụ ưu tiên và định hướng hợp tác trong khu vực như sau:

Thứ nhất, việc kiểm soát và quản lý tác động do đại dịch COVID-19 gây ra là nhiệm vụ quan trọng nhất để các nước có thể bắt đầu quá trình phục hồi. Cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch đòi hỏi sự đoàn kết và tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau lên kế hoạch và áp dụng theo cơ chế đa phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia. Với tinh thần này, châu Á cần ưu tiên cho việc tiếp cận vắc-xin và thuốc chữa bệnh, coi đây là hàng hóa công mà tất cả các nước sẽ được nhận vì lý do nhân đạo, đặc biệt là các nước đang gặp khó khăn trong việc chống dịch.

Thứ hai, châu Á cần đóng vai trò dẫn dắt trong việc mở cửa thị trường cho buôn bán trang thiết bị y tế và lương thực-thực phẩm, bằng cách giảm hoặc miễn thuế, điều chỉnh các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ liên quan đến y tế, bỏ các giới hạn về xuất khẩu lương thực ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, các nước cần khuyến khích chuyển đổi số, coi đây là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực.

Thứ ba, châu Á cần tăng cường cơ chế khu vực trong việc phối hợp các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô để đảm bảo ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô, đồng thời tiếp tục thúc đẩy đa dạng hóa lĩnh vực tài chính, cải cách và sự năng động của khu vực tư nhân nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân vào các nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Thứ tư, tăng cường các nguyên tắc về toàn cầu hóa, đa phương hóa và tự do hóa thương mại-đầu tư là cần thiết để thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng hơn của châu Á và tăng cường chuỗi cung ứng, công nghiệp, dữ liệu, nguồn nhân lực và tạo thuận lợi cho thương mại.

Việt Nam đề xuất 5 phương trâm, 6 nội dung hợp tác

Tại Diễn đàn năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu bật thông điệp: đoàn kết, sẻ chia và duy trì ổn định sẽ là giải pháp thiết thực, bền vững để vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay. “Trong những lúc khó khăn, chúng ta càng phải đoàn kết hơn, hợp tác bình đẳng, gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức. Hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi phải có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và đặc biệt”, Thủ tướng kêu gọi.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 5 phương châm và 6 nội dung hợp tác để các nước chia sẻ và cùng “chung tay xây dựng châu Á hòa bình, hợp tác, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong kỷ nguyên hậu COVID-19”.

Cụ thể, Thủ tướng đề xuất các hợp tác của châu Á trước hết xoay quanh việc phát triển nội lực mạnh mẽ cũng như khả năng thích ứng, tự lực tự cường và củng cố hợp tác quốc tế.

Các hợp tác này cũng phải lấy con người làm trung tâm, lấy những giá trị văn hóa cốt lõi tốt đẹp làm nền tảng, coi khó khăn và thách thức là động lực vươn lên.

Những phương châm này là nền tảng cho 6 nội dung hợp tác. Thứ nhất là phát triển hạ tầng chiến lược, chất lượng cao để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tạo đột phá về dài hạn.

Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế bình đẳng, hiệu quả nhằm bảo đảm dòng chảy thương mại, đầu tư và hoạt động của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ; đưa công nghệ số, chuyển đổi số thành động lực giúp châu Á chuyển mình trong giai đoạn hậu COVID-19.

Thứ tư, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững, hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu phục hồi sau đại dịch.

Thứ năm, tăng cường phối hợp xử lý đại dịch COVID-19 và nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, an sinh xã hội, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế tương lai.

Và thứ sáu, việc bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển là điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng sau đại dịch.
Trang Nhung

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here