Kinh tế Bangladesh

0
82
(Internet)
(Internet)

1. Anh và EU gia hạn cho Bangladesh hưởng GSP sau ra khỏi LDC

Ngày 16/2/2021, Thư ký Bộ Thương mại (Thứ trưởng) Md Jafar Uddin cho biết, tại cuộc họp đầu tiên của Đối thoại Thương mại và Đầu tư Anh-Bangladesh, Anh tái khẳng định cam kết tiếp tục cho Bangladesh hưởng Hệ thống Ưu đãi Phổ cập (GSP) ngay cả sau khi nước này thoát khỏi nhóm nước kém phát triển (LDC).

Vương quốc Anh, cũng như Liên minh Châu Âu, sẽ tiếp tục cho Bangladesh hưởng GSP theo chương trình Mọi thứ trừ vũ khí (EBA). EU cho Bangladesh hưởng ưu đãi trên cơ sở GSP đến năm 2027 để nước này có thể chuẩn bị đối mặt với những thách thức kinh tế mới sau khi ra khỏi LDC vào năm 2024.

Vương quốc Anh là điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba của Bangladesh, với hàng hóa trị giá gần 4 tỷ USD mỗi năm. Khi rời EU, Vương quốc Anh đã bắt đầu đàm phán với các đối tác thương mại của mình trên toàn thế giới, bao gồm cả Bangladesh.

Thư ký bộ Thương mại Jafar cho biết Vương quốc Anh quan tâm đầu tư vào giáo dục đại học ở Bangladesh. Tuy nhiên, Cao ủy Anh tại Bangladesh Robert Chatterton Dickson không đi vào chi tiết về quan tâm này tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Jafar đề nghị chính phủ Anh tuyển dụng thêm nhiều bác sĩ, y tá, kỹ sư và giáo viên vì nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực này đang cao ở Anh.

2. Hàng may mặc của Bangladesh giảm giá mạnh so với Việt Nam

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Đối thoại Chính sách (CPD), hàng may mặc của Bangladesh đã giảm giá mạnh hơn so với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

Giá 100 kg áo phông T-shirt bằng sợi bông sản xuất tại Bangladesh giảm 1% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 1.091,5 euro vào năm 2020. Tuy nhiên, sản phẩm cùng loại được sản xuất tại Việt Nam đã tăng giá 3%, đạt 2.157,9 euro vào năm ngoái. Tương tự, giá mỗi 100 kg áo pullover sợi bông của phụ nữ hoặc trẻ em sản xuất tại Bangladesh giảm 7% so với cùng kỳ năm trước xuống 1.329,5 euro vào năm 2020 trong khi giá của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 2.157,8 euro. Giá của mỗi 100 kg áo pullover bằng sợi nhân tạo của Bangladesh dành cho phụ nữ và trẻ em giảm 6% xuống còn 1.319,4 euro so với 1.409,6 euro vào năm 2019 tại các thị trường EU. Tuy nhiên, sản phẩm cùng loại của Việt Nam chỉ giảm giá 3% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 1.906,2 euro vào năm 2020.

Tại thị trường Mỹ, giá một tá (dozen) áo T-shirt của Bangladesh làm từ bông giảm 20% xuống còn 17,99 USD vào năm 2020 từ 22,43 USD vào năm 2019 trong khi giá của sản phẩm cùng loại sản xuất tại Việt Nam giảm 17% xuống còn 31,9 USD vào năm 2020 từ 38,2 USD vào năm 2019. Giá một tá áo len và áo pullover do Bangladesh sản xuất đã giảm 2% xuống còn 39,31 USD vào năm 2020 so với 40,23 USD vào năm 2019. Tuy nhiên, giá cùng loại sản phẩm của Việt Nam vẫn ổn định ở mức 47,1 USD vào năm 2019 và 46,9 USD vào năm 2020. Giá một tá quần được sản xuất tại Bangladesh dành cho phụ nữ và trẻ em gái làm từ sợi bông giảm 12% xuống còn 64,17 USD vào năm 2020 từ 72,88 USD vào năm 2019 trong khi sản phẩm cùn loại của Việt Nam chỉ giảm 6%, từ 90,5 USD vào năm 2019 xuống 84,6 USD vào năm 2020.

Theo nghiên cứu của CPD, hoạt động xuất khẩu của Bangladesh được thúc đẩy do cả yếu tố lượng và giá và việc điều hành tỷ giá hối đoái đang nổi lên như một yếu tố quan trọng, thúc đẩy khả năng cạnh tranh xuất khẩu. CPD cũng cho biết mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 21% đặt ra cho năm tài chính 2021 so với năm tài khóa 2020 sẽ không đạt được. Sẽ mất một thời gian để đạt được mức xuất khẩu của thời kỳ trước Covid là 40,5 tỷ USD.

Hàng dệt kim đã hoạt động tốt hơn trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 1 năm tài chính 2020-21 (+3,8%) so với hàng dệt thoi (-10,9%). Đay và hàng sản xuất từ đay (+27,1%) và hàng dệt gia dụng (+44,3%) đã có mức tăng trưởng mạnh.

Nhu cầu toàn cầu về hàng may mặc bằng sợi nhân tạo và các sản phẩm da tổng hợp đang tăng với tốc độ nhanh. Trong nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Bangladesh trong năm tài chính 20-21, CPD cho biết cần phải xem xét chế độ khuyến khích các sản phẩm xuất khẩu mới và động lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới.

Cán cân thương mại tiếp tục yếu trong năm FY2020 với xuất khẩu giảm nhanh hơn (-16,9%) so với giảm nhập khẩu (-8,6%). Tuy nhiên, kịch bản đã đảo ngược trong năm tài chính 2021, khi trong nửa đầu năm tài chính, nhập khẩu giảm với tốc độ nhanh hơn (-6,8%) so với xuất khẩu (-1,1%), dẫn đến một số cải thiện trong cán cân thương mại. Nhờ dòng kiều hối tiếp tục tăng mạnh, cán cân thanh toán vào cuối 6 tháng đầu năm tài chính FY2021 vào tháng 12/2020 cho thấy sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, bức tranh tổng thể ẩn chứa một loạt các ẩn số, với mức thu nhập xuất khẩu giữ nguyên, hoạt động kinh tế tiếp tục chậm chạp. Rubana Huq, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh (BGMEA), gần đây cho biết “để tính mức tăng trưởng, chúng ta cần tính toán tăng trưởng của năm 2021 so sánh với số liệu xuất khẩu của năm 2019 vì khó so sánh với xuất khẩu của năm 2020 vì đó là năm bất thường”.

Khó có thể dự báo tương lai xuất khẩu của Bangladesh trong bối cảnh tình hình biến động hiện nay, mọi thứ có thể vẫn còn nhiều thách thức ít nhất là cho đến quý 3 năm dương lịch 2021 này. Bà Huq cho rằng: “Không chỉ thị trường xuất khẩu và nhu cầu sẽ quyết định hoạt động xuất khẩu, mà tình hình tài chính đáng lo ngại của các nhà máy cần được xem xét để đánh giá xem các doanh nghiệp cụ thể có thể chịu được cú sốc kéo dài bao lâu”.

Bà Huq cũng cho biết ngành hàng may mặc đã có sự sụt giảm liên tiếp về xuất khẩu và tháng 12 giảm 9,64%, kết thúc hoạt động xuất khẩu năm 2020 với mức giảm chưa từng có là 16,94%.

Tháng 12/20, xuất khẩu hàng dệt thoi có kết quả hoạt động tồi tệ nhất kể từ tháng 6 năm 2020, khi giảm 18,07%. Xuất khẩu hàng dệt kim tương đối ổn định với mức tăng trưởng là -0,45% trong tháng 12, nhờ nhu cầu về đồ mặc ở nhà.

Theo bà, khi những bất ổn và căng thẳng do làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn còn kéo dài, cùng với việc quản lý tương đối kém và thiếu vắc-xin, tác động lên nền kinh tế toàn cầu, xu hướng giảm xuất khẩu có thể sẽ tiếp tục cho đến tháng 4 năm nay.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here