1. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong kế hoạch 5 năm lần thứ 8
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình là 8% trong Kế hoạch 5 năm lần thứ tám. Đây được cho là mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh đại dịch. Bangladesh hy vọng có thể khống chế virus trong năm 2021 và phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Theo dự thảo của Kế hoạch 5 năm lần thứ tám, Bangladesh sẽ đạt 8,20% trong tài khóa hiện tại, 8,30% trong tài khóa tiếp theo và 8,51% trong năm cuối cùng của giai đoạn kế hoạch, tức là năm tài chính 2024-25. Dự thảo của Kế hoạch sẽ được đưa ra phê duyệt trước Ủy ban điều hành của Hội đồng Kinh tế Quốc gia (Ecnec) vào ngày 29/12.
Theo một quan chức của Bộ Kế hoạch, nếu việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 có thể được hoàn thành vào năm 2021, tâm lý người dân sẽ bớt e sợ, nhu cầu trong nước và toàn cầu đối với sản xuất hàng hóa sẽ tăng lên và hoạt động kinh doanh bị đình trệ sẽ được mở lại hoàn toàn, nền kinh tế sẽ phát triển nhanh chóng.
Trong bản cập nhật khu vực hai lần một năm, Ngân hàng Thế giới duy trì dự báo GDP của Bangladesh ở mức 1,6% cho năm tài chính hiện tại (2020-21) và 3,4% cho năm tài chính tiếp theo (2021-22), với giả định rằng tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ kéo dài. Quỹ Tiền tệ Quốc tế trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất được công bố vào tháng 10 đã dự đoán rằng tăng trưởng GDP của Bangladesh có thể ở mức 7,3% trong năm tài khóa 2024-25. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu của chính phủ là 8,51% cho năm kết thúc Kế hoạch 5 năm lần thứ tám.
Theo dữ liệu sơ bộ, tăng trưởng GDP giảm xuống 5,24% trong năm tài chính 2019-20, giảm so với mục tiêu 8,2%. Đây đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (2016-2020) đạt 7,13%, thấp hơn so với mục tiêu 7,4%. Thu nhập bình quân đầu người trung bình trong giai đoạn này là 1.939 USD, với mức 1.970 USD trong năm tài chính 2019-20.
Tuy nhiên, với việc khu vực tư nhân mở cửa, xuất khẩu tăng và dòng kiều hối chuyển biến mạnh mẽ, chính phủ hy vọng tác động tiêu cực của đại dịch sẽ giảm dần trong nửa sau của năm tài chính hiện tại. Sự phục hồi cũng sẽ được thúc đẩy bởi sự gia tăng trở lại của nhu cầu quốc tế và trong nước và tác động của các gói kích thích kinh tế. Huy động nội lực, khai thác tối đa tiềm năng nguồn nhân lực và tăng thu ngân sách cũng là những ưu tiên của Chính phủ để tiếp tục khôi phục kinh tế.
Ngoài ra, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ tám, chính phủ đặt ra mục tiêu tạo ra 11,3 triệu việc làm, trong đó 325.000 việc làm ở nước ngoài. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu tạo việc làm cho những người bị mất việc làm vì Covid-19. Tỷ lệ nghèo đói dự kiến giảm xuống còn 15,6% từ mức 20,5% hiện tại.
Kế hoạch nhằm đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững, bao gồm giáo dục chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu và đô thị hóa bền vững. Kế hoạch sẽ tiếp tục hướng đến đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Việc thực hiện kế hoạch đòi hỏi 64.959,8 tỷ Tk trong năm tài chính 2020-21. Trong đó, 12.301,2 tỷ Tk (18,9%) sẽ đến từ khu vực công và 52.656,6 tỷ Tk (81,1%) từ khu vực tư nhân. Trong số 64.959,8 tỷ Tk ước tính, 57.483,9 tỷ Tk (88,5%) dự kiến đến từ các nguồn trong nước và 7.475,9 tỷ Tk (11,5%) từ các nguồn nước ngoài.
Kế hoạch cũng nhấn mạnh đến việc tăng các nguồn thu trong nước. Tỷ lệ thuế trên GDP dự kiến sẽ tăng từ 8,90% hiện tại lên 12,30% vào cuối năm nay. Để đạt được tăng thu ngân sách và giảm sự phụ thuộc vào thuế quan thương mại, Kế hoạch khuyến nghị cải cách hơn nữa luật thu ngân sách và tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa và tăng cường quản lý thuế.
2. Bangladesh đặt mục tiêu xuất khẩu tăng 15% trong năm tài chính
Bangladesh hy vọng xuất khẩu đạt được mức tăng trưởng 15% trong trong năm tài chính này (FY 2020-21), trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ suy thoái do đại dịch gây ra và chính phủ đang tính một gói kích thích khác trong bối cảnh làn sóng Covid thứ hai đã xảy ra ở Châu Âu. Theo văn bản chính thức mà hãng tin UNB có, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu lần lượt là 10,8% và 11% trong lần lượt các năm tài chính 2021-22 và 2022-23.
Trong năm tài chính 2019-20, xuất khẩu của nước này đã tăng trưởng âm 17%, mặc dù lần đầu tiên kể từ năm 1971, chính phủ đã hạ mục tiêu so với năm tài chính trước đó. Tăng trưởng xuất khẩu trong năm tài chính 2018-19 là 10,5%, dự kiến năm tài chính 2019-20 tăng 12%, nhưng Covid và hậu quả của nó đã buộc chính phủ phải điều chỉnh xuống mức 10%.
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB), thu nhập xuất khẩu trong năm tài chính 2019-20 là 33,674 tỉ USD, trong năm tài chính trước đó là 40,535 tỉ USD. Như vậy, xuất khẩu trong năm tài chính vừa qua đã giảm 16,93%. Nếu so với kế hoạch đề ra là 45,5 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng âm 25,99%.
Theo dữ liệu chính thức, giá trị xuất khẩu bắt đầu chậm lại trong nửa đầu của năm tài khóa 2019-20 và đã giảm nghiêm trọng do đại dịch. Thực tế, trong thời gian từ tháng 7/2019 đến tháng 4/2020, xuất khẩu đã giảm 13,09% so với cùng kỳ của tài khóa trước. Trong thời gian đó, xuất khẩu vào Mỹ và EU chỉ tăng lần lượt là 3,4% và 6,3%.
Chính phủ Bangladesh đã công bố các gói kích thích trị giá tương đương 4,3% GDP của cả nước để cải thiện tình hình trong lĩnh vực xuất khẩu cũng như toàn bộ nền kinh tế. Mục đích là giảm thiểu tác động của Covid đối với kinh doanh, việc làm và năng lực sản xuất. Tổng cộng 18 ngành kinh tế, bao gồm các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu, công nghiệp vừa, nhỏ và tiểu thủ công, nông nghiệp, nghề cá, gia cầm và chăn nuôi, đã được hưởng các gói ưu đãi này.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều chiến lược khác nhau như đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, xem xét đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới và nâng cao năng suất của ngành xuất khẩu. Ngoài ra, việc thành lập các đặc khu kinh tế mà các nhà đầu tư vào các ngành công nghiệp tiềm năng được hưởng nhiều ưu đãi sẽ cải thiện hoạt động xuất khẩu.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)