Kinh nghiệm chuyển đổi năng lượng của Indonesia

0
57
(Nguồn: ember-climate.org)

Theo Viện nghiên cứu Lowy (Australia), cơ chế tài chính, có tên gọi là Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), của Indonesia đã được ký kết.

(Nguồn: ember-climate.org)

Động thái này nhằm hướng tới tham vọng nâng cao mục tiêu về khí hậu, thông qua việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng từ truyền thống sang tái tạo. Cho đến nay, JETP đã làm nổi bật một số động lực và giúp tăng sự hiểu biết sâu hơn về những biện pháp thực sự cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của Indonesia.

Chương trình của JETP hứa hẹn thúc đẩy sự hợp tác mở rộng của các quốc gia Nam Toàn cầu và Bắc Toàn cầu nhằm nâng cao tham vọng của cả hai bên. Các quốc gia đang phát triển cam kết đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, trong khi các nước phát triển, do Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu, sẽ hình thành  “Nhóm đối tác quốc tế” và cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính. Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ), một liên minh toàn cầu của các ngân hàng, là một phần của thỏa thuận, cam kết tạo lập các quỹ thương mại để hỗ trợ các lĩnh vực đầu tư của JETP.

Dấu mốc quan trọng đầu tiên của JETP Indonesia là dự thảo Chính sách và Kế hoạch Đầu tư Toàn diện JETP (CIPP) được đưa ra để lấy ý kiến từ ngày 01/11. Kế hoạch đệ trình dự thảo lấy ý kiến lần này thực chất đã bị trì hoãn so với mục tiêu ban đầu vào tháng 8/2023.

Sự chậm trễ là do Indonesia đã có kế hoạch xây dựng các nhà máy điện than công nghiệp có công suất đạt khoảng 20GW trong thập kỷ tới – các nhà máy này không nằm trong hệ thống lưới điện tiêu dùng và sẽ sản xuất điện dành riêng cho một số nhà máy hoặc ngành công nghiệp cụ thể. Do đó, dự thảo CIPP chỉ đề cập đến các nhà máy nằm trong mạng lưới điện, được sử dụng cho mục đích tiêu dùng thông thường. Các thảo luận và phân tích riêng về các nhà máy phát điện độc lập với mạng lưới điện sẽ được thực hiện trong vài tháng tới.

Indonesia trước đây đã tuyên bố ngành công nghiệp hạ nguồn là ưu tiên quốc gia, nhằm giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực khai thác và tiến tới xây dựng thành công một chuỗi cung ứng các bộ phận tích hợp cho xe điện. Hầu hết trong số đó sẽ vẫn được cung cấp năng lượng từ các nhà máy điện than. Và Indonesia không phải là quốc gia duy nhất phải đối mặt với vấn đề khó giải quyết. Bất chấp cam kết là sẽ không cấp phép cho các mỏ than mới, Ấn Độ ước tính có khoảng 65,3 GW công suất trên lưới điện đang được phát triển bởi điện than, trong khi Trung Quốc có 243 GW công suất điện than đã được cấp phép và đang xây dựng. Ở cấp độ toàn cầu, 51% kế hoạch mở rộng các mỏ dầu khí mới đến năm 2050 thuộc về Mỹ, Canada, Australia, Na Uy và Vương quốc Anh.

Những con số trên chứng tỏ rằng các cam kết không mở rộng nhiên liệu hóa thạch mới cùng với những cảnh báo liên quan dường như không có tác dụng đối với các lợi ích chiến lược quốc gia và các giấy phép khai thác đã được cấp trước đó.

Xu hướng toàn cầu đáng lo ngại như vậy đòi hỏi các chính phủ phải có phản ứng mang tính phối hợp và hợp tác quốc tế để giải quyết vấn đề. Điều này nên được bắt đầu bằng việc thừa nhận bản chất thực dụng của các nền kinh tế mới nổi, tập trung vào công nghiệp hóa. Bản chất thực dụng này phù hợp với các báo cáo trước đây do Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện, đã chỉ ra rằng sản xuất là một trong những lĩnh vực cơ bản giúp kéo các nền kinh tế mới nổi thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Hơn nữa, điều này tạo cơ hội để thế giới đặt ra câu hỏi về một số giả định đã có từ trước. Sản xuất có còn là chìa khóa để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình? Liệu có thể xây dựng khung pháp lý để đàm phán lại một cách an toàn và đền bù công bằng cho các giấy phép sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện có không? Hỗ trợ tài chính toàn cầu có thể tập trung vào việc phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn thiết yếu được cung cấp năng lượng tái tạo?

Việc tăng cường chuẩn bị kỹ càng hơn cho Kế hoạch Đầu tư JETP đã khiến Indonesia chú ý nhiều hơn đến việc tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi năng lượng. Không giống như giấy phép của nhà sản xuất điện độc lập trong mạng lưới điện, giấy phép cho các nhà máy điện độc lập ngoài mạng lưới điện có thể được cấp bởi nhiều cơ quan khác nhau, từ cấp trung ương cho đến cấp địa phương, tùy thuộc vào phạm vi và mức độ cấp phép. Do đó, sự phân chia dữ liệu là một thách thức hiện hữu đối với các quan chức Indonesia, dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp các số liệu rõ ràng và chuẩn xác. Với việc tập hợp lại các đầu mối được coi là yếu tố chính trong JETP của Indonesia, nhận thức cũng như tiến trình liên kết và chia sẻ dữ liệu về các nhà máy điện đang được phát triển hiện bắt đầu phổ biến hơn.

Mặc dù đã có giải pháp cho các nhà máy điện than công nghiệp nằm ngoài lưới điện, nhưng nguồn tài chính dành cho các nhà máy này lại rất khó kiểm kê. Chính phủ Indonesia đã đề xuất mua lại một số nhà máy điện than công nghiệp và kết nối chúng vào lưới điện. Từ đó, giúp các nhà máy này có thể khử carbon cùng với sự mở rộng năng lượng tái tạo của lưới điện. Tăng cường độ phủ lưới điện sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu này.

Năng lượng địa nhiệt và thủy điện đều là nguồn năng lượng hứa hẹn cho các nhà máy luyện kim cần năng lượng không liên tục, trong khi các giải pháp lưu trữ vẫn là một lựa chọn tối ưu để kết hợp với năng lượng tái tạo không liên tục. Tuy nhiên, về mặt tài chính, đầu tư của khu vực tư nhân vào năng lượng tái tạo đang tụt hậu nghiêm trọng và không có khoản đầu tư đáng kể nào trong việc nâng cấp lưới điện suốt nhiều thập kỷ qua.

JETP của Indonesia hiện đang thu hút GFANZ và các ngân hàng tham gia thảo luận về các lĩnh vực đầu tư trước đây từng bị bỏ qua. Năm 2022, hầu hết các bài phát biểu của chính phủ Indonesia không đề cập đến bất kỳ nhà máy điện than độc lập nào và cũng không có cuộc thảo luận nào về việc cho phép đầu tư của khu vực tư nhân vào lưới điện thuộc sở hữu nhà nước. Ngoài ra, rất ít nhà lãnh đạo, cũng như giới chức nghiêm túc xem xét việc nên sớm dừng sử dụng than trong lĩnh vực năng lượng. Nhưng sang đến năm 2023, vấn đề này đã trở thành chủ đề chính trong nhiều hội thảo và các biện pháp giải quyết chúng đã được thảo luận sôi nổi.

JETP đã tạo ra động lực chính trị quan trọng và sự tập hợp nguồn lực quốc gia xung quanh việc nâng cao tham vọng về khí hậu của Indonesia. Quá trình này đang diễn ra và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Đối mặt với thách thức ngày càng tăng, sẽ cần phải tập hợp nhiều nguồn lực hơn để tìm kiếm và hỗ trợ các giải pháp phù hợp.

Văn Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here