Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ với TG&VN về những thách thức của doanh nghiệp khi kinh doanh trong môi trường đa văn hóa.
Thưa ông, đâu là những nét mới của Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 10/11 tới?
Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư năm 2024 là hoạt động thường niên do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) tổ chức, nhằm góp phần hiện thực hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Diễn đàn là nơi các doanh nghiệp thảo luận, tranh biện, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau để phát huy tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đa văn hóa đến kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, phát triển bền vững. Đây cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả trong môi trường đa văn hóa; tôn vinh các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam; lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Diễn đàn gồm hai hoạt động chính: Hội thảo với chủ đề “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”, tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về môi trường đa văn hóa trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu (khái niệm, nhận diện các yếu tố của môi trường đa văn hóa, đặc điểm môi trường đa văn hóa: sự tương đồng, khác biệt, giao thoa…); tác động của môi trường đa văn hóa đến phát triển kinh doanh (tác động tích cực, thuận lợi/cơ hội cũng như tiêu cực, khó khăn, thách thức/nguy cơ); rào cản của môi trường đa văn hóa đến hoạt động kinh doanh và phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay; giải pháp khắc phục, phát huy tác động tích cực của môi trường đa văn hóa; các kiến nghị với Chính phủ, cơ quan, ban ngành…
Bên cạnh đó là Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2024, dành cho các doanh nghiệp đáp ứng xuất sắc tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn.
Vì sao Hiệp hội lại lựa chọn chủ đề của Diễn đàn năm nay là “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”?
Hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu khách quan trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngay từ những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã hướng đến xây dựng nền kinh tế mở theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, trong suốt những năm qua, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam rất nhiều và doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ đầu tư ra nước ngoài cũng gia tăng. Rõ ràng, đây là môi trường kinh doanh đa văn hóa. Vậy phải xử lý môi trường đa văn hóa như thế nào để các doanh nghiệp có thể kinh doanh, phát triển bền vững? Đó là mục tiêu mà Diễn đàn năm nay hướng tới.
Theo ông, thách thức nào là lớn nhất đối với doanh nghiệp khi kinh doanh trong môi trường đa văn hóa?
Chính là sự khác biệt về văn hóa. Từ việc không hiểu nhau, khác biệt về văn hóa dẫn đến việc các doanh nghiệp chưa thể làm ăn, hợp tác, chưa thể đến được với nhau. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh thất bại vì không tìm hiểu kỹ văn hóa của nhau. Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần này cùng thảo luận, tháo gỡ, khắc phục rào cản để giúp các doanh nghiệp thu hẹp khác biệt văn hóa, từ đó kết nối với nhau tốt hơn.
Sau nhiều năm liên tục tổ chức Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp”, tinh thần văn hóa doanh nghiệp đã được lan tỏa và phát huy tính hiệu quả như thế nào, thưa ông?
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 10/11 là Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, chính thức phát động Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ngày 7/11/2016 với năm nội dung quan trọng: Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Cạnh tranh lành mạnh; Trách nhiệm với xã hội và môi trường; Xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.
Đến năm 2018, Thủ tướng đã ký quyết định thành lập Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (BTC 248) gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện các hội, hiệp hội xã hội – nghề nghiệp… để lan tỏa tinh thần xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đến năm 2021, Thủ tướng chỉ đạo và cho phép ban hành Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam. Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2024), bao gồm năm tiêu chí bắt buộc (năm không): Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và các loại bảo hiểm theo quy định; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm các quy định pháp luật khác.
Ngay sau khi có Bộ tiêu chí, Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức các buổi làm việc với lãnh đạo các địa phương, các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp của tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp để tuyên truyền, giới thiệu về Bộ tiêu chí, từ đó động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Hiện nay, lãnh đạo của 63 tỉnh, thành đều đã ký kết với BTC 248 để triển khai Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam với năm nội hàm. Đây có thể coi là những thành công bước đầu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đã phối hợp với các bên tổ chức các Diễn đàn thường niên “Văn hóa doanh nghiệp” với nhiều chủ đề khác nhau để các đơn vị, doanh nghiệp có thể giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chí trở thành doanh nghiệp văn hóa của quốc gia.
Rất may mắn, cuộc vận động và Bộ tiêu chí đều được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, nhiều đơn vị nhận thức rõ việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là thiết thực, nhu cầu tự thân. Việc xét duyệt theo bộ tiêu chí cũng được Ban tổ chức thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm túc, không nhận tài trợ từ doanh nghiệp.
Qua các năm tổ chức Diễn đàn, hiện có gần 60 doanh nghiệp đạt chuẩn, có hình ảnh của cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh…
Ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp chủ yếu vẫn tập trung ở những “sếu đầu đàn” với quy mô và tiềm lực lớn trong khi hơn 90% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Làm sao để tinh thần và ý thức xây dựng văn hóa doanh nghiệp tăng lên trong cộng đồng này?
Chúng ta cần tôn vinh những doanh nghiệp chuẩn mực, quy mô lớn vì chính họ là những người chơi dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn những doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Dù sau ba năm, Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam được ban hành, chỉ có 50 doanh nghiệp đạt chuẩn, phần lớn vẫn là các doanh nghiệp thuộc top đầu nhưng Ban tổ chức thống nhất sẽ không hạ tiêu chí bởi đã là Bộ tiêu chí thì phải chuẩn mực và đạt ở mức cao. Doanh nghiệp nào chưa đạt đủ tiêu chí thì phải tiếp tục đối chiếu, xem xét để phấn đấu. Tuy nhiên, Ban tổ chức sẽ có cách khen thưởng, động viên riêng với những doanh nghiệp nhỏ và vừa có những nỗ lực, ý thức trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nhỏ là không có khả năng làm văn hóa mà là do họ chưa thực sự quan tâm, tưởng phải mất nhiều chi phí. Họ không biết rằng, xây dựng văn hóa doanh nghiệp không đâu xa mà có thể được lồng ghép ngay trong những hoạt động quản trị hằng ngày của doanh nghiệp./.
HỒNG CHÂU
Theo BTC 248, Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất dự kiến được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp) vào trung tuần tháng 9/2024, hướng tới việc kết nối doanh nhân, doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài với doanh nhân, doanh nghiệp trong nước, nhằm xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Đại sứ Nguyễn Thị Bích Huệ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Italy cho biết, hướng tới là sự kiện thường niên, Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài có thể sẽ cộng hưởng với các sự kiện, hoạt động văn hóa, kinh tế của người Việt Nam tại nước ngoài hoặc các hoạt động về văn hóa, kinh tế của Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài; nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với quốc gia nơi dự kiến tổ chức sự kiện.
Mỗi năm, sự kiện sẽ có một chủ đề, ưu tiên chủ đề theo đặc thù địa bàn, khu vực, đặc trưng văn hóa doanh nghiệp và các hoạt động của người Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm thiết thực, phù hợp.