Kịch bản đen cho cuộc chiến tranh thương mại toàn diện

0
94

Theo tờ báo Les Echos, Ngày 3/7, Chủ tịch Hội đồng Phân tích Kinh tế Pháp (CAE), ông Philippe Martin đã gửi Thủ tướng Pháp một báo cáo đặc biệt với tiêu đề « Đánh giá về cơn bão thương mại thế giới : chiến lược nào cho châu Âu ?», dự báo sự sụp đổ của thương mại thế giới và sự thụt lùi tăng trưởng kinh tế của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc trong trường hợp xảy ra chiến tranh thương mại toàn diện. Báo cáo cũng đề nghị EU tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại nhằm thắt chặt các hiệp định tự do thương mại đầy tham vọng.

Theo CAE, điều tồi tệ nhất chắc chắn sẽ không xảy ra. Nhưng tốt hơn hết là phải chuẩn bị tinh thần cho điều này. Giữa lúc căng thẳng thương mại cao độ giữa Mỹ, EU và Trung Quốc, không thể xem nhẹ nguy cơ leo thang của cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu. Báo cáo của CAE đưa ra nhiều kịch bản khác nhau. Kịch bản tồi tệ nhất dựa trên giả thiết tăng thuế hải quan đối với các sản phẩm chế tạo mà hiện được Mỹ và EU áp dụng bình quân ở mức 3% lên 60%. Giữa các nước EU, thuế hải quan vẫn là 0%. Theo ông Sébastien Jean, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng và thông tin quốc tế của Pháp (CEPII), trong trường hợp «chiến tranh toàn diện», GDP của Mỹ, Trung Quốc và EU có thể sẽ giảm từ 3 đến 4 điểm. Đối với các nước khác, nơi tự do thương mại phát triển mạnh hơn, như Ai-len, Canada, Thụy Sỹ, Mexico và Hàn Quốc, tỷ lệ sụt giảm GDP sẽ còn cao hơn, mất tới 10 điểm. Riêng Pháp, trao đổi thương mại sẽ sụt giảm khoảng 42% và GDP giảm 3,3%, tức GDP bình quân đầu người giảm bớt 1.250 euro.

Trong trường hợp chiến tranh thương mại có giới hạn khi mà EU tăng cường các hiệp định tự do thương mại song phương cũng như đa phương, những thiệt hại sẽ bớt cao hơn.

Trong một kịch bản đỡ tồi tệ hơn và giới hạn hơn khi mà thuế suất hải quan áp dụng ở mức 25% giữa Mỹ và Trung Quốc đối với toàn bộ sản phẩm chế tạo, thương mại song phương giữa hai nước này sẽ giảm gần 60%. Trong trường hợp này, xuất khẩu của Trung Quốc sang EU sẽ tăng 10% và xuất khẩu của EU sang Mỹ cũng tăng 7%.

Trước sự đe dọa của Mỹ chống lại chủ nghĩa đa phương, báo cáo của CAE đưa ra kết luận, theo đó chiến lược của châu Âu trước tiên phải bảo vệ chủ nghĩa đa phương bằng những biện pháp trả đũa thích hợp cũng như bằng việc đề nghị đàm phán đối với những vấn đề chính đáng. Đặc biệt cần cải cách các quy tắc, luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO liên quan tới cơ quan giải quyết các tranh chấp, tới các doanh nghiệp Nhà nước và liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ. EU cần tiếp tục đàm phán các hiệp định tự do thương mại. Những hiệp định này có thể được coi như các hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp có xung đột thương mại. Nhưng cũng cần phải vượt lên trên những lợi ích kinh tế đơn thuần và tìm lại ý nghĩa chính trị của sự hội nhập thương mại. EU còn cần triển khai cuộc chiến chống sự gian lận thuế trong các hiệp định thương mại tương lai và không quên thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.

EU có quyền lực đàm phán đặc biệt cao, nhất là nhờ quy mô thị trường to lớn của mình, do vậy có thể thành lập một câu lạc bộ các nước để thực thi chiến lược «lách» các quyết định của Tổng thống Mỹ. Bằng cách này, cộng đồng quốc tế có thể sẽ tránh được điều tồi tệ nhất.

(Nguồn: ĐSQ VN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here