Ngày 10/10/2021, Bloomberg đưa tin về việc hàng triệu công nhân rời bỏ vành đai công nghiệp phía Nam để về quê sau khi chính sách giãn cách được nới lỏng, gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn lao động để khởi động quá trình bình thường mới.
Là nước nhỏ, nhưng Việt Nam đã trở thành nguồn cung quan trọng hàng tiêu dùng cho Walmart, giày thể thao cho Adidas và điện thoại thông minh cho Samsung. Là nguồn cung lớn thứ hai sau Trung Quốc về sản phẩm may mặc và giày dép cho thị trường Mỹ.
Việt Nam đã ứng phó tốt với Covid-19 năm ngoái và bài báo cho rằng điều này đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh. Sự lan tràn của biến thể Delta đã khiến Việt Nam trải qua tình trạng tồi tệ mà nhiều nước khác đã trải qua năm ngoái với số ca nhiễm và tử vong tăng vọt. Chính sách chống dịch buộc các nhà máy phải đóng cửa hay sản xuất cầm chừng, nhiều tháng không có sản phẩm, công nhân phải nghỉ việc nhiều tháng không có thu nhập, cạn kiệt nguồn tiết kiệm và sống phụ thuộc vào các gói hỗ trợ lương thực của chính phủ. Đây là nguyên nhân chính khiến các lao động nhập cư lo sợ và quyết định trở về nhà bất chấp các hứa hẹn tăng lương và cung cấp bữa ăn miễn phí.
Nới lỏng giãn cách đã giúp tăng sản lượng ở một số nhà máy. Pouyuen Việt Nam, nhà sản xuất giày lớn nhất thế giới, đã khôi phục sản xuất từ 06/10/2021 nhưng chỉ với 30% công nhân trở lại, 40.000 công nhân không quay lại và công ty khó có thể trở lại mức toàn dụng công suất vào giữa tháng 11. Khu công nghiệp và chế xuất thành phố Hồ Chí Minh báo cáo có khoảng 57% công nhân đã quay lại nhà máy vào 06/10/2021, tăng lên so với mức 24% trước nới lỏng giãn cách, tuy là dấu hiệu khả quan nhưng chính quyền vẫn cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để người lao động có thể yên tâm quay lại nhà máy.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ)