Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) cơ hội và thách thức

0
132

Ngày 21 tháng 3 năm 2018, tại phiên họp bất thường lần thứ 10 của Đại hội đồng Liên minh châu Phi (AU) tổ chức tại thủ đô Kigali, Rwanda, 44/55 thành viên đã ký Thoả thuận thiết lập Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA). Với AfCFTA, châu Phi sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số lượng các nước tham gia cũng như dân số với 1,2 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng cộng hơn 2 nghìn tỷ USD, kể từ sau khi thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Thỏa thuận cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90% hàng hoá, trong đó 10% “mặt hàng nhạy cảm” sẽ được loại trừ dần sau này. Thỏa thuận cũng sẽ tự do hóa thương mại dịch vụ và có thể trong tương lai sẽ bao gồm cả  tự do đi lại của thể nhân và hình thành một đơn vị tiền tệ chung. AfCFTA sẽ được từng nước ký kết phê chuẩn và Chủ tịch Ủy ban AU, Mahamat, nói mục tiêu là đưa AfCFTA có hiệu lực vào cuối năm 2018. Hiện còn chưa rõ cần 15 hay 22 nước phê chuẩn để AfCFTA có hiệu lực.

Được đàm phán từ năm 2015, AU hy vọng việc thành lập một thị trường chung cho hàng hóa dịch vụ sẽ thúc đẩy thương mại giữa các nước trong châu lục và giải quyết được vấn đề thất nghiệp. Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Phát triển Liên Hợp quốc (UNCTAD), thương mại nội khối châu Phi còn tương đối hạn chế, chỉ chiếm 10,2% trong tổng thương mại của châu lục. Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên Hợp quốc (UNECA) dự báo việc thực hiện AfCFTA sẽ tăng thương mại nội khối lên 52% vào năm 2022 so với năm 2010. UNECA cho biết từ năm 2010-2015, nhiên liệu chiếm hơn một nửa lượng xuất khẩu của Châu Phi sang các nước không nằm trong châu lục, trong khi các mặt hàng chế tạo chỉ chiếm 18% lượng xuất khẩu của các nước này sang phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, việc hình thành AfCFTA cũng gặp nhiều trở ngại khi có hơn 10 quốc gia đã từ chối ký Thỏa thuận , trong đó có Nigeria – nền kinh tế lớn nhất Châu Phi với lý do để “có thời gian tham khảo rộng lớn hơn”, do vấp phải sự phản đối của Hiệp hội doanh nghiệp và lao động (NLC) nước này.

Các chuyên gia kinh tế hoan nghênh tiềm năng thúc đẩy kinh tế châu Phi của AfCFTA nhưng cũng chỉ ra việc mất việc làm và tác động tiêu cực về phát triển năng lực công nghiệp nội địa một số nước kém phát triển hơn.

Một nghiên cứu của UNCTAD thừa nhận việc loại bỏ hoàn toàn thuế quan giữa các nước châu Phi sẽ làm mất đi hàng năm 4,1 tỉ USD từ các nước giao thương, nhưng sẽ tạo ra thu nhập phúc lợi tổng thể hàng năm là 16,1 tỉ USD về lâu dài. Có nhiều người lo ngại rằng lợi ích của khu vực mậu dịch tự do không được phân bổ đồng đều. Các nước phát triển nhất của châu Phi có lợi thế hơn với năng lực công nghiệp phát triển mạnh của họ. Việc cho phép họ bán hàng hóa và dịch vụ sang các nước kém phát triển hơn tại lục địa sẽ tác động tiêu cực đến phát triển công nghiệp các nước đó. Điều đó đòi hỏi phải có sự hỗ trợ công nhân và doanh nghiệp khi cạnh tranh gia tăng. Chính phủ cần phải phát triển một lực lượng lao động có tay nghề thích ứng với đòi hỏi của toàn cầu hóa và đồng thời xây dựng các chính sách xã hội hỗ trợ người thất nghiệp do cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Thỏa thuận được ký tại Rwanda bao gồm một khung pháp lý tạo tiền đề cho việc thành lập khu vực mậu dịch tự do tuy  nhiên các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục phải nghiên cứu, phát triển nội luật và nền kinh tế của mình để phù hợp với các quy định tại thỏa thuận. Dự kiến giai đoạn hai các quốc gia sẽ thảo luận về các chính sách đầu tư, chính sách cạnh tranh và sở hữu trí tuệ, bên cạnh đó là nghiên cứu và đưa ra một danh sách 10% các mặt hàng đặc biệt vẫn phải nộp thuế như đã thống nhất tại Thỏa thuận.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa hoan nghênh việc AU thông qua AfCFTA coi đây là sự kiện lịch sử, một sự khởi đầu mới của lục địa sẽ đưa các nước và các doanh nghiệp châu Phi lên tầm cao tăng trưởng mới. Tổng thống cam kết Nam Phi sẽ trở thành bên ký kết thỏa thuận khi các thủ tục luật pháp và các văn kiện liên quan đến AfCFTA  được xem xét và thông qua bởi các bên liên quan và quốc hội Nam Phi.

Tại diễn đàn doanh nghiệp bên lề Hội nghị cấp cao AU, Tổng thống Ramaphosa còn đưa ra ý tưởng về đồng tiền chung châu Phi. Ông cho rằng châu Phi đang trong giai đoạn phát triển tuyệt vời và để thúc đẩy những phát triển này, sự ra đời của một đồng tiền chung là điều tất yếu. Nhiều doanh nghiệp ủng hộ ý tưởng trên và cho rằng nên đưa ra một đồng tiền điện tử, tương tự bitcoin vì việc đưa vào sử dụng một đồng tiền số sẽ dễ hơn nhiều so với tiền giấy.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here