Khu vực kinh tế tư nhân: Vẫn chờ cơ chế để phát triển

0
156
(Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hoàng Vũ (tại Cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, Hà Nội)/congthuong.vn)
(Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hoàng Vũ (tại Cụm công nghiệp Bắc Từ Liêm, Hà Nội)/congthuong.vn)

Khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng như một “tấm đệm giảm sốc” cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh có những biến động khó lường. Tuy nhiên, dường như khu vực này vẫn đang phải chờ cơ chế để phát triển.

“Tấm đệm giảm sốc” cho nền kinh tế

Trong Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2021 vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố gồm các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần An Tiến Industries; Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh; Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển thương mại Viễn Đông; Công ty Cổ phần Cán thép Thái Trung; Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai; Công ty Cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội; Công ty Sản xuất và công nghệ nhựa Pha Lê; Công ty Cổ phần KoSy; Công ty Cổ phần CDC Hà Nội; Công ty Cổ phần Tập đoàn Austdoor. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân vẫn chiếm trọn Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021. So với Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020, chỉ có 2 doanh nghiệp giữ được vị trí trong Top 10 là Công ty Cổ phần An Tiến Industries và Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân vẫn chiếm trọn Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2021. So với Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2020, chỉ có 2 doanh nghiệp giữ được vị trí trong Top 10 là Công ty Cổ phần An Tiến Industries và Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh.

Theo Vietnam Report, trong giai đoạn 2016-2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam (FAST500) đạt 28,2%. Xét theo khu vực kinh tế, giai đoạn này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, thể hiện rõ vai trò tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế nước nhà, với mức CAGR trung bình lớn nhất, 29,2%.

Số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực này cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong FAST500 với tỷ lệ 83,2%. Với một khu vực kinh tế đang tạo ra khoảng 42% GDP, đóng góp 30% vào Ngân sách Nhà nước và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước, tốc độ tăng trưởng ổn định và sự góp mặt ngày càng nhiều trong Bảng xếp hạng FAST500 cũng là một minh chứng rõ ràng cho thấy tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế này trong cơ cấu kinh tế Việt Nam, khẳng định vai trò là “lực kéo” giúp thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực chung tay cùng các bộ, ngành và Chính phủ chống dịch Covid-19 hiệu quả trong năm vừa qua, khu vực kinh tế tư nhân một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng như một “tấm đệm giảm sốc” cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh có những biến động khó lường.

Vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc chưa được khơi thông

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt; chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – cho hay, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp. Tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân có một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân. Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế; môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch; tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.

Theo ông Phan Đức Hiếu, doanh nghiệp vẫn có nhiều phản ánh, kiến nghị về khó khăn trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, nhiều quy định không hợp lý, không tương thích, tạo ra chi phí tuân thủ cao, can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ của doanh nghiệp, chưa có cơ chế kiểm soát được chất lượng của các quy định mới ban hành hoặc sửa đổi…

Bên cạnh đó, vẫn còn quan điểm cho rằng chưa có sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực; giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, hạn chế hoặc khó tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Trong khi không thể trông vào ngân sách Nhà nước, câu hỏi được đặt ra, vậy làm thế nào để khơi thông được điểm nghẽ, giải phóng nguồn lực… để khu vực kinh tế tư nhân lớn lên. Nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn đầu tư thay vì mua vàng, USD…

Theo các chuyên gia, việc này liên quan tới nguồn lực, tiếp cận công nghệ, mặt bằng…. Phải làm thế nào cho thể chế thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư? Trong công tác quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân, cần phải thay đổi từ tư duy. Phải thay đổi theo hướng kiến tạo chứ không xem xét ở khía cạnh quản lý chặt chẽ.

Để tiếp tục phát huy vai trò lực đẩy của nền kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 của khu vực kinh tế năng động này, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển.

Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp căn bản như: cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước, khắc phục điểm nghẽn hạ tầng, chủ động thu hút các dự án đầu tư nước ngoài trong xu hướng điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu.

(Nguyễn Hạnh/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here