Khơi dòng tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao

0
196
Doanh nghiệp quan ngại về điều kiện tiếp cận các dòng vốn tín dụng phát triển nông nghiệp CNC.
Doanh nghiệp quan ngại về điều kiện tiếp cận các dòng vốn tín dụng phát triển nông nghiệp CNC.

Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đứng thứ nhất, gạo, cà phê, sắn đứng thứ hai, cao su đứng thứ tư, thủy hải sản đứng thứ 5, chè đứng thứ 7 thế giới và rất nhiều mặt hàng khác nữa. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ cao (CNC) mà kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2017 đat 1,5 tỷ USD và dự kiến cả năm hơn 3 tỷ USD, tức lần đầu tiên đã vượt cả xuất khẩu gạo, cũng như dầu mỏ và kéo dài thêm danh mục xuất khẩu nông sản chủ lực có triển vọng của nước ta.

Chính sách tín dụng ưu đãi nông nghiệp CNC phát triển

Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 7/3/2017 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Chính phủ giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là các ngân hàng thương mại dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường).

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 5/2017 đạt 1.148.070 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2016 (cao hơn mức tăng trưởng tín dụng 7,06% chung của nền kinh tế), chiếm tỷ trọng khoảng 19% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; Riêng tổng dư nợ cho vay nông nghiệp CNC và nông nghiệp sạch đạt gần 32.339 tỷ đồng, với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp), trong đó cho vay nông nghiệp công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu…

Đến nay, ngoài việc tuân thủ Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ ngày 1/8/2015, với nhiều điểm đột phá về chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết và sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, cả nước đã có 8 ngân hàng thương mại cam kết dành số tiền hơn 100 nghìn tỷ đồng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5-1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch vay ưu đãi, với lãi suất giảm từ 0,5 – 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Vẫn còn những quan ngại từ doanh nghiệp

Tuy nhiên, các khoản vay phát triển nông nghiệp CNC hiện không có sự hỗ trợ của Nhà nước, nên nhiều doanh nghiệp đang quan ngại về điều kiện tiếp cận các dòng vốn tín dụng trên, nhất là về lãi suất, tài sản thế chấp và thời hạn vay

Ưu đãi về lãi suất mới chỉ dừng ở cam kết thấp hơn 0,5-1,5% so với mức lãi suất cho vay thông thường hiện hành, còn mức cụ thể khó ổn định trước và vẫn bị thả  nổi bất định theo sóng gió thị trường, khiến người vay chịu nhiều rủi ro cho sự gia tăng lãi suất vay trong tương lai.

Điều kiện thế chấp cũng đang gây khó cho người vay, khi mà các hệ thống  cơ sở vật chất-kỹ thuật (nhà kính, hệ thống tưới tiêu và các tài sản khác) mà DN đầu tư lại chưa được coi là tài sản đủ tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng…

Hơn nữa, giữa ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn còn khó tìm tiếng nói chung do việc đánh giá, xếp loại các dự án nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch hiện chủ yếu mới có các tiêu chí định tính, thiếu định lượng cụ thể, hoặc còn cứng nhắc, như dự án nông nghiệp CNC phải nằm trong khu hoặc vùng đã được quy hoạch; tích hợp được từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng…

Đặc biệt, đang có nghịch lý là người vay nếu không được vay sẽ khó có đủ năng lực tài chính để hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi liên kết, từ đó mới có sản phẩm tốt để ký hợp đồng ổn định đầu ra; trong khi ngân hàng chỉ cho vay khi đã có chuỗi liên kết, đã có đầu ra ổn định. Bài toán “con gà hay quả trứng có trước” đang khiến cả hai bên người vay và người cho vay lúng túng và giữ thế giằng co khó gỡ, nếu thiếu những hỗ trợ cần thiết của nhà nước.

Tình trạng thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, cũng như để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp CNC cũng làm tăng độ khó cho nhà đầu tư và các bên liên quan trong phát triển nông nghiệp CNC.

Theo báo cáo “Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016” của Ngân hàng Thế giới (WB) dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới, môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước. Trong khu vực Đông Nam Á, xếp hạng của Việt Nam chỉ trên Lào, Campuchia và Myanmar. Việt Nam có điểm số thấp về quản lý giống cây trồng, máy móc nông nghiệp và vận tải.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC không thể thiếu vốn đầu tư đa dạng từ nhiều nguồn, từ phía nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, từ nguồn tín dụng ngân hàng (NH) cả trung và dài hạn.

Đặc thù của các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC là quy mô lớn, cần nhiều vốn, thời gian thực hiện kéo dài, thời gian thu hồi vốn lâu, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận không cao và có nhiều rủi ro. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cũng hạn chế về năng lực thế chấp hoặc chứng minh tính khả thi, thu nhập ổn định của dự án cần vay vốn.

Hơn nữa, cơ cấu vốn huy động của các ngân hàng có tỷ trọng vốn trung và dài hạn thường thấp; đồng thời, các ngân hàng còn bị ràng buộc về tỷ lệ dùng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn và các nguyên tắc an toàn tín dụng khác, nên họ không có nhiều khả năng giành vốn cho vay trung và dài hạn. Nếu không có cơ chế hỗ trợ đặc biệt nhằm tháo gỡ những khó khăn về vốn thì rất ít doanh nghiệp có khả năng đầu tư được, cho dù họ muốn và mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, trên hành trình nông nghiệp Việt Nam lột xác từ tiểu nông thành nông nghiệp CNC một cách hiệu quả và bền vững, cần đồng bộ các giải pháp hỗ trợ về mặt bằng và quy hoạch đất đai, đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt, cần sớm nhận diện và tháo gỡ khó khă, khơi thông nguồn tín dụng ngân hàng trong khi vẫn bảo đảm quản lý nợ xấu và giữ an toàn hệ thống trong bối cảnh tăng cường cạnh tranh và hội nhập.

 TS.Nguyễn Minh Phong

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here