Kết nối và chia sẻ mô hình kinh tế xanh

0
56
Sau thu hoạch lúa, rơm được thu gom để làm thức ăn cho bò và làm đầu vào sản xuất nhiều sản phẩm khác
Sau thu hoạch lúa, rơm được thu gom để làm thức ăn cho bò và làm đầu vào sản xuất nhiều sản phẩm khác
Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam đã tổ chức các hoạt động gồm: diễn đàn góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo ban hành định mức chi phí tái chế của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thu thập góp ý vào Đề cương Nghị định về Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn và Đề cương báo cáo đánh giá tác động của chính sách.
ĐÓNG GÓP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH VÀ KINH TẾ TUẦN HOÀN
Một trong những hoạt động quan trọng nhất mà Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam đang triển khai là tích cực chuẩn bị đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Trong tháng 8/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành liên quan, các đối tác doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế là thành viên của Chương trình đối tác hành động Quốc gia về nhựa (NPAP), đã thảo luận về tiến trình hướng tới Thỏa thuận toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa.
Dự thảo thỏa thuận sẽ đệ trình lên Hội nghị toàn cầu về nhựa (INC-3) diễn ra tại Nairobi, Kenya, từ ngày 13 – 19/11/2023. Trước đó, kết quả quan trọng đạt được từ INC-2 tại Paris – Pháp (29/5/2023 – 2/6/2023) là sự đồng thuận của 170 quốc gia thành viên Liên hợp quốc về việc chuẩn bị cho Bản dự thảo số “0” (Zero Draft) của Thỏa thuận toàn cầu chấm dứt ô nhiễm nhựa.
“Thỏa thuận toàn cầu vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam có thể đẩy nhanh hoàn thiện các thể chế chính sách về môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải nói chung, bao gồm chất thải nhựa; nâng cao nhận thức tiến tới thay đổi những hành vi thường ngày trong sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tái sử dụng cũng như thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, tại hộ gia đình; trực tiếp thực hành những đổi mới, các giải pháp hữu ích thân thiện trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất”, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh.
Cùng với đối thoại chính sách, Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam cũng đang triển khai 4 hợp phần khác, gồm: (1) kiến thức và nghiên cứu điển hình; (2) Chia sẻ thông tin tài chính, phát triển mạng lưới vườn ươm doanh nghiệp điển hình, (3) diễn đàn doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn, (4) xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn.
Ở hợp phần 1, “Kiến thức và nghiên cứu điển hình”, đang và sẽ lựa chọn và chia sẻ những thực tiễn tốt nhất trong nước và quốc tế, các nghiên cứu điển hình, hướng dẫn kỹ thuật.
“Chia sẻ thông tin tài chính” là hợp phần 2, đối tượng tham gia gồm các doanh nghiệp, các đối tác phát triển và hệ sinh thái tài chính. Hợp phần này nhằm chia sẻ thông tin về các cơ chế khuyến khích, cơ hội cấp vốn, khả năng tiếp cận tài chính, các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, các chương trình và dự án sẽ góp phần tạo ra nguồn tài chính. Đồng thời, phát triển mạng lưới các vườn ươm doanh nghiệp, ngân hàng phát triển, các tổ chức tư vấn và dịch vụ hợp tác, thúc đẩy việc kết hợp những bên liên quan trong lĩnh vực tài chính với các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư.
Hợp phần 3 mang tên “Diễn đàn doanh nghiệp”, nhằm kết nối các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác, trao đổi nguyên liệu và tài nguyên, và xanh hóa chuỗi giá trị hàng hóa.
Cuối cùng là hợp phần 4 “Cơ sở dữ liệu”, sẽ tập hợp các sáng kiến, cam kết vì cộng đồng và chia sẻ các câu chuyện truyền cảm hứng từ quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn của tất cả các bên liên quan.
Rất nhiều những giải pháp hay, điển hình về mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang được tập hợp, giới thiệu trên hệ thống Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam. Trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình nông nghiệp tuần hoàn Nấm – Bò – Vịt – Lúa – Điện trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang của Công ty TNHH MTV HG FARM (HGF) là một ví dụ điển hình trong việc tối ưu hóa các dòng nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi ích về kinh tế.
Với chuỗi sản phẩm bò của HG FARM, không chỉ tạo ra sản phẩm bò thịt để thương mại, mà còn tạo ra các sản phẩm: phân bò tươi, trùn quế, phân đệm lót. Song song với đó, nước tiểu bò sẽ chuyển hóa phôi thải khi trồng nấm bào ngư thành phân đệm lót. Những phần sinh khối mà bò ăn không hết thì sẽ được sử dụng làm phân ủ compost.
Ở HG Farm, phân bò sẽ dùng để nuôi trùn quế và sau đó sử dụng trùn quế để nuôi gia cầm cũng như phân trùn sẽ bón cho cây trồng. HGF sẽ kết hợp phân bò tươi cùng men tiêu hóa được lên men từ nấm bào ngư không đẹp để tạo thành thức ăn gia cầm. Song song đó, phân bò cùng nước tiểu bò thấm trên đệm lót sinh học cấu thành chủ yếu từ phôi nấm bào ngư sẽ được dùng để nuôi trùn quế.
NHIỀU GIẢI PHÁP HAY, SÁNG TẠO
Mô hình lúa-vịt đã tối ưu hóa dòng nguyên liệu trong chuỗi nuôi lúa thuận thiên: ruộng lúa được thiên địch là vịt bảo vệ cũng như nguồn nước ngọt là nước mưa được tận dụng tối đa mà không cần sử dụng máy bơm nước từ sông/rạch vào. Vịt của HGF sẽ trưởng thành cùng thức ăn lên men từ phân bò tươi, với giá thành chỉ bằng một phần ba thức ăn công nghiệp và phân vịt cùng giá thể đệm lót sẽ bón cho ruộng lúa “thuận thiên”. Sau khi thu hoạch lúa thì rơm và cám sẽ quay lại làm thức ăn cho bò sinh sản cũng như làm giá thể nấm bào ngư. Tương tự, bò sẽ tiêu thụ phần sinh khối khi trồng rau-củ-quả nhiệt đới.
Trong trang trại HGF có trồng nấm, sản phẩm nấm không đạt yêu cầu của thị trường thì được HGF chuyển hóa thành men sinh học để giúp kích thích hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch của bò và vịt. Do đó, HGF vừa không tốn chi phí để mua thuốc thú y, ngoài vaccine, vừa tiết kiệm chi phí cơ hội trong chăn nuôi. Ngoài ra, việc chuyển hóa phân bò thành thức ăn gia cầm đã tiết kiệm đáng kể nguồn thức ăn công nghiệp cho HGF. Không có bất cứ nguyên liệu hữu cơ nào bị bỏ quên trong trang trại HGF, nhờ ưu tiên chuyển hóa thành thức ăn chăn nuôi sau đó mới làm phân bón để tối ưu hóa,
Ngày càng nhiều đối tác tham gia Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam, từ các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Các đối tác này đang thúc đẩy hình thành các Khu công nghiệp sinh thái đem lại các lợi ích đáng kể về kinh tế, xã hội và môi trường, đa dạng và đạt được tổng lợi ích lớn hơn lợi ích của từng doanh nghiệp, kể cả việc tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thí điểm chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ với nguồn vốn hỗ trợ từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Theo đó, 56 doanh nghiệp đã áp dụng hơn 676 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), tiết kiệm hơn 3 triệu USD/năm nhờ giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và nguyên vật liệu, tiết kiệm 22.000 MWh điện năng và hơn 600.000 m3 nước sạch.
THÚC ĐẨY CÁC KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI
Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2023, với sự hỗ trợ từ SECO, UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ 3 khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh (Khu công nghiệp Hiệp Phước), Hải Phòng (Khu công nghiệp Đình Vũ) và Đồng Nai (Khu công nghiệp Amata) chuyển đổi theo hướng khu công nghiệp sinh thái, phù hợp với khuôn khổ quốc tế về khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ra, dự án tiếp tục hỗ trợ phát triển các đề xuất kinh doanh từ các cơ hội cộng sinh đã được xác định tại các khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) và Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ).
Tại các khu công nghiệp sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng chung và cung cấp dịch vụ tối ưu hóa sử dụng các nguồn tài nguyên, như mạng lưới thu hồi hơi nước, hệ thống đồng phát từ nhiên liệu sinh khối và/hoặc khí sinh học… Xử lý chất thải bằng cách khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tích hợp thiết kế tuần hoàn và sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các cơ sở sản xuất…
(Chương Phượng/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here