Kết nối thông tin, hỗ trợ kiều bào đầu tư về nước

0
89
(Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài)
(Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài)

17-18 tỷ USD là lượng kiều hối mà kiều bào chuyển về Việt Nam mỗi năm. Con số này đang tăng lên giữa lúc Covid-19 diễn biến phức tạp và nhu cầu vốn đầu tư của Việt Nam gia tăng.

Vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối và hỗ trợ kiều bào tìm kiếm dự án đầu tư tiềm năng, tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới thủ tục hành chính, quy định pháp luật… sẽ giúp gia tăng nguồn vốn này trong tương lai…

Xung quanh câu chuyện này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong vài năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam luôn ở mức cao. Ông đánh giá thế nào về tín hiệu này?

Theo thống kê của nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan quản lý Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam dao động từ 17-18 tỷ USD/năm. Với mức này, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới.

Ngoài ra, kiều hối hiện nay cũng tương đương với mức giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau 2 năm chống chịu với sự tàn phá của đại dịch Covid-19, nguồn vốn này đặc biệt có ý nghĩa cho sự phục hồi bởi đây là nguồn “tiền tươi, thóc thật”, có thể đưa ngay vào cuộc sống cũng như các hoạt động kinh tế khác như đầu tư, sản xuất, kinh doanh…

Tuy nhiên, kiều hối về Việt Nam rất phân tán, và khó đánh giá hiệu quả. Có những khoản kiều hối dùng để giúp đỡ, hỗ trợ gia đình nhưng cũng có những khoản kiều hối rất lớn dùng để đầu tư, mua bán bất động sản…

Hiện nay, với nguồn tiền nhàn rỗi khá lớn, người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu đầu tư về nước. Vì vậy, chúng ta cần có những chính sách và cách thức tăng cường thu hút nguồn kiều hối một cách hiệu quả để đưa nguồn vốn này đóng góp vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Theo đó, cần có hỗ trợ cho bà con kiều bào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh như hỗ trợ về pháp luật, tư vấn chính sách và đặc biệt là có cơ chế đảm bảo cho việc rút tiền một cách thuận lợi và hợp pháp của kiều bào…

Theo ông, đâu là những vướng mắc, trở ngại mà doanh nghiệp kiều bào đang phải đối mặt khi đầu tư về Việt Nam?

Những khó khăn và vướng mắc mà các doanh nghiệp kiều bào đang phải đối mặt là muôn hình muôn vẻ. Điều này có một phần là do nền hành chính của chúng ta chưa thực sự được toàn diện và đầy đủ. Hơn nữa, quy định pháp luật bao giờ cũng chậm hơn so với thực tế nên nhiều vấn đề “bị tắc” nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương hay bộ ngành nào quan tâm, những khó khăn, vướng mắc sẽ nhanh chóng được giải quyết, tháo gỡ.

Vì vậy, mới đây, Diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài (INVESFOV) đã chính thức được ra mắt dưới sự bảo trợ của Ủy ban Mặt trặn Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao).

Diễn đàn nhằm phục vụ cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài và trong nước hợp tác với người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đầu tư ở Việt Nam.

Theo đó, Diễn đàn hướng tới việc hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại hoặc tiếp nhận thông tin, hợp tác thực hiện dự án đã có; tạo lập môi trường trao đổi, cung cấp thông tin, tương tác, đàm phán, thỏa thuận hợp tác; tổ chức sự kiện; góp phần định hướng và xác định mô hình, dự án đầu tư; phát hiện và xử lý vướng mắc.

Việc kết nối và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc từ Diễn đàn nhằm từng bước hút vốn của bà con vào những dự án chính thống, dự án tốt và hiệu quả; đồng thời tránh làm nản lòng bà con kiều bào do thiếu thông tin về pháp luật.

Diễn đàn hỗ trợ đầu tư cho người Việt Nam ở nước ngoài (INVESFOV) mới ra mắt không lâu. Vậy thời gian tới, Diễn đàn này sẽ tập trung vào hoạt động nào để thúc đẩy hoạt động đầu tư của kiều bào về Việt Nam, thưa ông?

Trong quá trình xây dựng Diễn đàn, ngoài sự bảo trợ từ Bộ Ngoại giao, Mặt trận Tổ quốc, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng, thực thi pháp luật như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ… Vì vậy, chúng tôi tự tin có thể kết nối kiều bào tới những dự án tiềm năng cũng như những thông ti

n về chính sách pháp luật một cách chính thống nhất.

Kết nối thông tin, hỗ trợ kiều bào đầu tư về nước - Ảnh 1

Tuy nhiên, Diễn đàn mới chính thức ra mắt nên chúng tôi chủ trương không làm ồ ạt mà làm từng bước, vừa làm vừa điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đầu tư của kiều bào cũng như hệ thống pháp luật của Việt Nam. Trước mắt, trong năm 2022, chúng tôi sẽ khởi động những dự án có tiềm năng thành công để tạo bước đi thận trọng và vững chắc.

Theo hướng này, sau Tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ đưa thông tin dự án có nhu cầu gọi vốn lên website để bà con kiều bào có thể chủ động tìm hiểu thông tin. Hiện nay, rất nhiều địa phương có nhu cầu gọi vốn đầu tư nhất là khi kiều hối là nguồn “tiền tươi, thóc thật”, có thể đưa ngay vào nền kinh tế trong khi nguồn vốn FDI đăng ký cũng phải mất một khoảng thời gian nhất định để hoàn tất thủ tục mới có thể giải ngân được.

Giai đoạn này, chúng tôi sẽ thực hiện kết nối Diễn đàn với các Chương trình của cơ quan nhà nước, các địa phương, các dự án đầu tư trong nước để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, kiến tạo, thực hiện và hợp tác thực hiện, tham gia các dự án đầu tư, thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế và hoạt động đối mới sáng tạo tại Việt Nam.

Năm 2023, chúng tôi sẽ hoàn thiện Diễn đàn ở cấp độ cao, trở thành trung tâm thu thập và xử lý thông tin giúp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài hợp tác thành công. Hy vọng tình hình sẽ khởi sắc hơn.

Hiện nay có rất nhiều kênh kết nối đầu tư với kiều bào. Vậy, Diễn đàn sẽ kết nối kiều bào với các dự án, địa phương và bộ ngành như thế nào và sẽ hỗ trợ kiều bào tháo gỡ vướng mắc ra sao, thưa ông?

Chúng tôi có website, có phần mềm quản lý để liên kết giữa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với kiều bào. Nói nôm na, đó sẽ là những gian hàng để đón người mua là những kiều bào với người Việt trong nước. Đặc biệt, chúng tôi sẽ có cơ chế tập hợp nguồn vốn nhỏ lẻ của kiều bào để đầu tư vào các dự án hay loại hình trái phiếu hợp lý…

Ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với các cơ quan như luật sư, tư vấn tài chính… để tư vấn, kết nối, hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, khiếu nại… cho kiều bào khi đầu tư về Việt Nam.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh, dù có rất nhiều kênh kết nối hay hỗ trợ kiều bào đầu tư về Việt Nam nhưng kênh hỗ trợ của chúng tôi là một kênh chính thống với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cũng như các hội người Việt Nam ở nước ngoài… Đây là mạng lưới thông tin đa dạng, rất hữu ích cho việc xác lập các cơ hội kết nối đầu tư, kinh doanh. Vấn đề hiện nay là tận dụng như thế nào để có thể hiện thực hóa cơ hội đầu tư và kinh doanh trong tương lai.

(Anh Nhi/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here