Hội thảo trực tuyến “CLMVT- bình thường mới”

0
84
(https://www.dtn.go.th)
(https://www.dtn.go.th)

Ngày 07/8/2020, Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại Thái Lan đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “CLMVT – the New Normal” với sự tham gia của ngoại giao đoàn các nước ASEAN tại Thái Lan, diễn giả gồm đại diện UNESCAP, ADB, WB và một số doanh nghiệp tư nhân từ CLMVT (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, Thái Lan). Một số nội dung chính nổi bật, như sau:

  1. Về tình hình chung:

Dịch Covid-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2, gây ra nhiều cú sốc lớn cho nền kinh tế về nhiều khía cạnh. Về cung, gây sụt giảm nhân công lao động và thu nhập trong ngắn hạn, gây gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu. Về cầu, gây suy giảm nhu cầu trong nước cũng như nước ngoài, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nhanh hỏng, dệt may và các ngành phụ thuộc vào xuất khẩu như sản xuất và dịch vụ (đặc biệt là du lịch). Tình trạng bất định của nền kinh tế gây sụt giảm đầu tư và sáng tạo (1/3 các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc vào năm 2023; nguồn FDI nửa đầu 2020 vào Việt Nam giảm 4,9% so với 2019). 90% các nền kinh tế đều bị sụt giảm GDP, 75 triệu người dân có nguy cơ rơi vào tình trạng đói nghèo. Các biện pháp đóng cửa, hạn chế có thể gây sụt giảm thương mại toàn cầu từ 13-32% và giảm FDI từ 30-40%; tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thương mại giảm 14-47% và FDI giảm 30-45%. Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giảm 15,3% so với 2019, trở về năng suất của năm 2013. Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giảm 14% so với năm 2019, dự kiến mất 2 năm để khôi phục. Vận chuyển đường bộ tại các nước CLMVT sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn với tư cách là phương thức vận chuyển thay thế đường hàng không, tuy nhiên cần giải quyết các vướng mắc hiện nay ùn tắc tại cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Lào).

– Các nền kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sụt giảm GDP sâu nhất trong năm 2020, nhưng sẽ trở lại tăng trưởng dương trong năm 2021. Hầu hết các đồng tiền khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều suy yếu so với đồng USD trong Quý I, nhưng đã phần nào khôi phục trong 2 tháng qua. Hiện giá thực phẩm đã ổn định sau thời gian đầu tăng. Các chính phủ và khu vực tư nhân đều khuyến khích mua sắm hàng hóa và dịch vụ trong nước; tuy nhiên, các luồng FDI và du lịch vẫn còn rất ảm đạm. Các doanh nghiệp phải điều chỉnh chính sách việc làm theo hướng cắt giảm lượng, giờ làm, nhân công lao động (Indonesia, Việt Nam; đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sử dụng các sàn giao dịch điện tử) , một phần nhỏ doanh nghiệp (30% tại Việt Nam và 7% tại Indonesia) tìm kiếm sự trợ giúp của chính phủ do thiếu thông tin hoặc không đáp ứng tiêu chí để được hưởng các chính sách hỗ trợ). Một phần lớn lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ đã dừng làm việc kể từ khi bùng phát dịch Covid-19, đặc biệt lao động trong ngành du lịch có xu hướng chuyển sang ngành nông nghiệp; tỷ lệ lao động nữ mất việc làm tại các ngành kinh tế không chính thức ngày càng cao.

– Du lịch nội địa đang phục hồi tại nhiều nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nhưng không thể bù đắp được thiệt hại. Kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề do phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch; doanh thu ngành du lịch dự kiến giảm 59% trong năm 2020; kế hoạch travel bubbles có thể tiếp tục bị trì hoãn do làn sóng lây nhiễm mới. Tại Myanmar, Chính phủ dự báo du lịch nội địa sẽ khôi phục trong Quý III, trong khi khách du lịch từ châu Á-Thái Bình Dương sẽ khôi phục trong Quý IV và khách du lịch quốc tế khác trong Quý I/2021.

  1. Về các chiến lược kinh tế ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai:

2.1. Đại diện UNESCAP cho rằng các chiến lược kinh tế của các nước trong tương lai sẽ thay đổi từ việc tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển sang đưa sản xuất về nước nhà nhằm giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng. UNESCAP, ADB và WB nhấn mạnh tầm quan trọng của tính kết nối (tăng cường số hóa các dịch vụ và cơ sở hạ tầng thông minh), thúc đẩy hợp tác khu vực, thiết lập các mối đối tác mới và tăng cường lòng tin. Về tăng cường tính kết nối (connectivity): cần thiết cung cấp các giải pháp không kết nối và các sàn điện tử nhằm duy trì hoạt động thương mại và kinh doanh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Trong khủng hoảng, thương mại điện tử và số hóa dịch vụ nổi lên như là một trụ cột chính. Kinh nghiệm tại Trung Quốc cho thấy các SMEs ứng dụng liên kết số có thể vượt qua khủng hoảng tốt hơn. Số hóa dịch vụ còn có thể giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và giúp duy trì việc làm trong và sau khủng hoảng. Đại diện Ủy ban Thương mại Thái Lan cho rằng, thực chất dịch Covid-19 gây gián đoạn các phương thức thương mại truyền thống, nhưng là cơ hội cho thương mại điện tử lên ngôi. Do vậy cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào logistics và chuỗi cung ứng. Việc phát triển kinh tế chú trọng ứng dụng công nghệ số sẽ giúp tăng cường tính kết nối khu vực thời kỳ hậu Covid-19. UNESCAP cho rằng điều này tương đối phức tạp do cần ban hành nhiều quy định mới về số hóa các dịch vụ, thông tin và trên thực tế, nhiều quốc gia “ngại” vấn đề này.

– Về thúc đẩy hợp tác khu vực: cần xây dựng tính đoàn kết khu vực, hỗ trợ và khuyến khích đa dạng hóa đối tác thương mại và đầu tư, tìm kiếm các đối tác mới, có thể hợp tác theo những nhóm nhỏ cùng chung lợi ích và hợp tác trong lĩnh vực mới, sau đó tiến tới thu hút các nước khác; cách làm không nhất thiết theo cách top – down, mà có thể bắt đầu từ cấp kỹ thuật, sau đó phát triển lên các cấp cao hơn với những vấn đề lớn hơn; thực hiện nghiêm túc các cam kết trong hợp tác khu vực về tạo thuận lợi vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và thông tin giữa các doanh nghiệp và các nhà cung cấp trong khu vực. UNESCAP nhấn mạnh RCEP cần sớm được ký kết.

– Về tăng cường lòng tin, đại diện UNESCAP và ADB nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch; cho rằng để phục hồi kinh tế bền vững, thông tin cần được chia sẻ một cách thích hợp và nhanh chóng, không những giữa các quốc gia mà còn cần chia sẻ giữa các ngành, lĩnh vực trong mỗi quốc gia. Các thông điệp mà chính phủ công bố cho doanh nghiệp cần rõ ràng để doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ. Nhiều trường hợp cho thấy các doanh nghiệp không biết phải làm thế nào do thiếu thông tin, chứ không phải do quy định trong các hiệp định phức tạp.

2.2. Một số khuyến nghị khác của WB như: tăng cường tổ chức và hỗ trợ chi phí các chương trình đào tạo cho lao động ngành du lịch; hỗ trợ các SMEs trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ để chuyển hướng sang ứng dụng các kênh phân phối điện tử, tăng cường khả năng của SMEs trong việc tiếp cận các thị trường và Chuỗi giá trị toàn cầu, và tiếp cận các dịch vụ điện tử của Chính phủ. Các chính phủ có thể lên kế hoạch phục hồi kinh tế bằng việc tạo môi trường thuận lợi cho tái cơ cấu nợ và doanh nghiệp thông qua tăng cường cung cấp các giải pháp về phá sản, các khung pháp lý cho tái cơ cấu nợ doanh nghiệp và nợ cá nhân và các biện pháp giải quyết, hòa giải ngoài tòa.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here