Hội thảo quốc tế Phổ biến thông tin thị trường Trung Đông, châu Phi

0
83
Toàn cảnh Hội thảo

Ngày 20/12/2018, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo quốc tế Phổ biến thông tin thị trường Trung Đông, châu Phi tại Tp.Hồ Chí Minh.

Khu vực Trung Đông – châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Dự báo đến năm 2020, châu Phi sẽ nhập khẩu khoảng 1.200 tỷ USD hàng hóa các loại, khu vực Trung Đông nhập khẩu khoảng 1.500 tỷ USD.

Chính vì vậy, trong bối cảnh các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến độ bão hòa thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng như Trung Đông – châu Phi là hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Riêng với thị trường châu Phi, bà Nguyễn Minh Phương, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết: Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 2,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 6,7 tỷ USD; trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn như Nam Phi, Ai Cập, Angieri, Ghana, Bờ Biển Ngà và nhập khẩu lớn từ Bờ Biển Ngà, Nigeria, Tanzania, Ghana. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường châu Phi gồm gạo, điện thoại các loại và linh kiện, hàng thủy sản, máy vi tính, hàng điện tử, cà phê, sản phẩm dệt may, giày dép, hạt tiêu, máy móc thiết bị và sản phẩm từ thép. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ châu Phi các sản phẩm như hạt điều, bông, gỗ và sản phẩm từ gỗ, đá quý, kim loại quý, đồng, quặng và khoáng sản khác, thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm hóa chất, sắt thép các loại.

Theo bà Nguyễn Minh Phương, nhu cầu và cơ hội trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi có nhiều thuận lợi vì châu Phi giàu tài nguyên khoáng sản, nguồn nguyên liệu đồi dào, nguồn lao động giá rẻ, Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị với các nước châu Phi, nhiều chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi; đồng thời có nhiều chuyên gia của Việt Nam tại châu Phi.

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương hiện đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại với các quốc gia châu Phi, có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường tại khu vực này.

Đối với thị trường Trung Đông, bà Phạm Hoài Linh, đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương nhấn mạnh: Khu vực Trung Đông có 15 quốc gia, phần lớn dân số theo hồi giáo, GDP năm 2017 đạt 3.438 tỷ USD. Trung Đông là thị trường giàu tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt (chiếm 3/4 trữ lượng dầu mỏ thế giới), giàu tiềm năng về tài chính, nguồn vốn, khả năng thanh toán cao, giàu tiềm năng về khoa công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao và có nhu cầu nhập khẩu cao về lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản, hàng tiêu dùng và vật liệu xây dựng. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước Trung Đông trong năm 2017 đạt 11,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 8,45 tỷ USD, chiếm 0,83 tổng kim ngạch nhập khẩu của các nước Trung Đông.

Theo bà Phạm Hoài Linh, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp nên hầu hết các quốc gia Trung Đông có nhu cầu cao trong nhập khẩu các loại lương thực, nông sản, thực phẩm. Trong khu vực Trung Đông, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ kì, Israel là những thị trường trọng điểm, trong khi đó, Iraq, Cô Oét là những thị trường tiềm năng.

Để tiếp cận và mở rộng thị trường tại khu vực Trung Đông, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như khảo sát thị trường, tham dự hội chợ, triển lãm chuyên ngành. Cùng đó, xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường phù hợp, sản xuất sản phẩm xuất khẩu có chất lượng, quy cách, mẫu mã phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng và tập quán tiêu dùng của các nước.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm, mở văn phòng đại diện, chi nhánh tại thị trường; giữ liên hệ với hệ thống Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại khu vực để được tư vấn thông tin và giới thiệu đối tác tin cậy.

Lưu ý những vấn đề khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang các quốc gia Hồi giáo, bà Trần Thị Minh Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và Tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ khuyến cáo, khi xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nghiên cứu Hồi giáo, văn hóa Hồi giáo, đặc biệt là văn hóa kinh doanh và những quy định về tiêu chuẩn Halal, tuân thủ quy định về Halal trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hồi giáo. Đồng thời, tiếp cận, mở rộng hợp tác quốc tế để có sự công nhận của các tổ chức Halal quốc tế và của nước nhập khẩu.

Nguồn: Nguyễn Xuân Dự, báo thông tấn xã Việt Nam.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here