Hội nghị “Xúc tiến hợp tác thương mại biên giới giữa 4 tỉnh Việt Nam – 4 tỉnh Bắc Lào”

0
86
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Ngày 28/6/2019, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông-pha-bang đã phối hợp với chính quyền tỉnh Xiêng-khoảng, Lào tổ chức Hội nghị: “Xúc tiến hợp tác thương mại biên giới giữa 4 tỉnh Việt Nam – 4 tỉnh Bắc Lào” tại thị xã Phôn-sa-vẳn, tỉnh Xiêng-khoảng, Lào. Tham dự Hội nghị, về phía Lào có đồng chí Bua-sỏn Sỷ-nuôn-thong, Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng-khoảng, đồng chí Khăm-phoi Văn-na-sản, Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Phông-sa-lỳ, đồng chí Pheng Căn-nha-phim, Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hủa-phăn, đại diện diện lãnh đạo một số Sở, ngành liên quan và đại diện một số doanh nghiệp. Phía Việt Nam có đồng chí Vũ Đăng Mạnh, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Luông-pha-bang, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa và một số doanh nghiệp.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Bua-sỏn Sỷ-nuôn-thong, Phó Bí thư, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Xiêng-khoảng đánh giá việc tổ chức hội nghị xúc tiến hợp tác thương mại biên giới giữa 4 tỉnh Bắc Lào với 4 tỉnh Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục vun đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết đặc biệt truyền thống của hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước. Đồng thời, góp phần tăng cường phát triển hơn nữa kim ngạch trao đổi thương mại biên giới giữa các địa phương hai bên. Đồng chí Bua-sỏn đề nghị mỗi tỉnh của Lào – Việt Nam kể cả các công ty Xuất nhập khẩu của Lào – Việt Nam tập trung đánh giá nguyên nhân các vấn đề khó khăn trong trao đổi tình hình thương mại biên giới của từng tỉnh để tìm phương hướng khắc phục kịp thời có hiệu quả để tăng kim ngạch trao đổi thương mại biên giới trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Lãnh sự Vũ Đăng Mạnh nêu rõ, Việt Nam và Lào có chung đường biên giới dài hơn 2.337 km đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành của 2 nước với 33 cửa khẩu (trong đó khu vực Bắc Lào có biên giới với 4 tỉnh của Việt nam và có 03 cửa khẩu quốc tế, 04 cửa khẩu chính, 05 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở). Đây là những địa bàn có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ thông thương, giao lưu của Việt Nam, Lào với nhiều quốc gia trong khu vực. Kim ngạch thương mại hai nước năm 2018 đạt 1 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017, nhưng tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa 4 tỉnh Việt Nam với 4 tỉnh Bắc Lào chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ khoảng 80 triệu USD. Hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước chưa thực sự ổn định và bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương. Hoạt động tại một số khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu biên giới chưa hiệu quả. Vì vậy, đồng chí Tổng Lãnh sự đã đề nghị hội nghị tập trung vào phân tích, đánh giá thực trạng thương mại biên giới giữa hai bên, nguyên nhân các vấn đề tồn đọng, kiến nghị đề xuất các biện pháp khắc phục để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới đúng với tiềm năng của địa phương. Đồng chí Tổng Lãnh sự đã giới thiệu một số nội dung trọng tâm liên quan tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới trong một số văn bản quan trọng được Chính phủ hai nước ký liên quan đến hợp tác, trao đổi thương mại và thương mại biên giới, trong đó nhấn mạnh đến một số nội dung thiết thực liên quan đến thương mại biên giới giữa các địa phương hai bên.

Theo đánh giá của 4 tỉnh Bắc Lào, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 4 tỉnh với Việt Nam năm 2018 đạt 82,13 triệu USD. Cụ thể: Giá trị xuất nhập khẩu của tỉnh Hủa-phăn năm 2018 đạt 10,33 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt giá trị 5,25 triệu USD (đạt 26,82% so với kế hoạch đề ra là 19,5 triệu USD) và nhập khẩu đạt trị giá 5,10 triệu USD (đạt 31,77% so với kế hoạch đề ra là 16,5 triệu USD). Giá trị xuất nhập khẩu của tỉnh Luông-pha-bang với Việt Nam năm 2018 là 17,3 triệu USD tăng 22,7% so với năm 2017. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 8 triệu USD tăng 60% so với năm 2017 và nhập khẩu đạt 9,3 triệu USD tăng 2,2% so với năm 2017. 6 tháng đầu năm 2019 đạt 9,8 triệu USD tăng 13,29% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Phông-sa-lỳ với Việt Nam năm 2018 đạt 15,88 triệu USD tăng 22,4% so với năm 2017. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Xiêng-khoảng đạt 38,62 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 12,99 triệu USD và nhập khẩu đạt 25,62 triệu USD. Hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, đồ điện… hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, khoáng sản, sản phẩm gỗ, lâm sản và vật nuôi.

Theo báo cáo của các tỉnh Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hủa-phăn năm 2018 là 9,10 triệu USD tăng 2,3% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 8,47 triệu USD và nhập khẩu đạt 623,46 nghìn USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Nghệ An với các tỉnh Bắc Lào năm 2018 đạt 27,5 triệu USD tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó nhập khẩu đạt 1,9 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Điện Biên với 02 tỉnh Bắc Lào là Phông-sa-lỳ và Luông-pha-bang năm 2018 đạt tổng cộng 32,5 triệu USD, trong đó với tỉnh Phông-sa-lỳ là 15,2 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 10,2 triệu USD và nhập khẩu là 5 triệu USD. Điện Biên với tỉnh Luông-pha-bang đạt 17,3 triệu USD, trong đó xuất khẩu 9,3 triệu USD và nhập khẩu là 8 triệu USD.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp hai bên cũng trao đổi về những khó khăn, bất cập trong trao đổi thương mại biên giới giữa các địa phương và doanh nghiệp hai bên. Theo đó, cũng đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm từng bước giải quyết, khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay như: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, đặc biệt là tuyến đường giao thông ra các cửa khẩu, đường giao thông đến các xã biên giới, cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu; Có chính sách đặc thù đối với hoạt động kinh tế cửa khẩu tại các khu vực biên giới Việt Nam – Lào còn nhiều khó khăn. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào; Chính quyền hai nước cần phối hợp thống nhất tạo điều kiện cho cư dân Việt Nam sang Lào thăm thân và trao đổi hàng hóa bằng phương tiện xe máy; Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu hai nước cần chú trọng tạo điều kiện thuận lợi về dịch vụ giấy tờ nhanh chóng hơn, giảm thủ tục kiểm tra để giảm giá thành thương mại và tạo thuận lợi. Có chính sách đặc biệt cho đơn vị kinh doanh tham gia hội chợ trưng bày hàng hóa vào các ngày đặc biệt giữa các địa phương của hai bên; Các cơ quan ban ngành hai nước, các địa phương cần tăng cường hoạt động ngoại giao, đàm phán tháo gỡ những khó khăn để đẩy mạnh quan hệ kinh tế hai bên và tiếp tục tăng cường hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại…

Phát biểu tổng kết Hội nghị, đồng chí Tổng Lãnh sự Vũ Đăng Mạnh đề nghị: (1) Các địa phương hai bên cần tập trung nghiên cứu sâu sắc hơn nữa các văn bản hướng dẫn hai bên đã ký và vận dụng linh hoạt pháp luật của mỗi bên phù hợp với tình hình thực tế, từ đó đề nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc phát triển thương mại biên giới; (2) Việc nâng cấp các cửa khẩu, mở lối mở cần tuân thủ đúng quy trình đã được quy định trong hướng dẫn quản lý biên giới và cửa khẩu được Chính phủ 2 nước ký năm 2016, đồng thời cần nêu rõ được lưu lượng người, hàng hóa, phương tiện qua lại ngày càng tăng để cho các cơ quan chức năng có cơ sở xem xét qui định, tránh gây lãng phí kinh phí của nhà nước, khi cửa khẩu được nâng cấp nhưng hoạt động không có hiệu quả; (3) Các địa phương cần có chính sách, chế độ ưu đãi với người dân biên giới để khuyến khích người dân tăng cường mở rộng sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng, lượng hàng hóa nhiều, đồng thời có chính sách ưu đãi với các doanh nghiệp tham gia sản xuất và mua bán hàng hóa tại các địa phương hai bên liên quan; (4) Các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc đầu tư làm đường, trạm cho tương xứng giữa các địa phương hai bên, tìm nguồn kinh phí bằng cách xã hội hóa, không nên chỉ chờ kinh phí Trung ương cấp.

Đồng chí Vũ Đăng Mạnh cũng bày tỏ cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Xiêng-khoảng và đoàn đại biểu của các tỉnh Việt Nam – các tỉnh khu vực Bắc Lào đã tới tham dự và có những đóng góp thiết thực, cụ thể, góp phần tạo nên sự thành công của hội nghị; Tin tưởng sau hội nghị, bằng sự nỗ lực hợp tác của hai bên, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo tỉnh hai bên, trao đổi thương mại biên giới giữa hai bên sẽ được phát triển hơn nữa để tương xứng với tiềm năng của khu vực. Đồng chí Tổng Lãnh sự khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng Lãnh sự quán là công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, trong đó có việc kết nối hợp tác thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào nói chung và giữa các địa phương Việt Nam và Lào nói riêng, Tổng Lãnh sự quán cam kết sẽ là địa điểm kết nối hữu hiệu cho hợp tác kinh tế thương mại giữa các tỉnh Việt Nam – khu vực Bắc Lào. Các tỉnh hai bên có thể liên hệ, thông báo với Tổng Lãnh sự quán khi cần và Tổng Lãnh sự quán sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp cho hai bên kết nối hợp tác phát triển thương mại biên giới góp phần phát triển kinh tế – xã hội, củng cố mối quan hệ truyền thống tốt đẹp Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam./.

(TLSQVN tại Luông-pha-bang)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here