Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”

0
145

Ngày 15 tháng 5 năm 2019 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”. Hội nghị được tổ chức để thảo luận về các rủi ro đối với nền kinh tế vĩ mô, trao đổi về các biện pháp phát triển ổn định trong bối cảnh tình hình trong và ngoài nước bất định, sự xuất hiện của các làn sóng, xu hướng mới và khả năng ứng phó với các cú sốc bên ngoài. Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội; PGS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia; các chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực và Trần Đình Thiên, cùng hơn 300 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.

Phát biểu dẫn đề, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là vấn đề rất nóng vì ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam và ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, là mối quan tâm hàng đầu của xã hội và nhân dân. Kinh tế Việt Nam có các nét khởi sắc nhưng ta vẫn thấy các yếu tố không bền vững. Thứ nhất, chúng ta hiện có hơn 700 nghìn doanh nghiệp, là một số lượng không nhỏ nếu so sánh với khu vực ASEAN nhưng trong đó, 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, số lượng người lao động là dưới 20 người. Nếu kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI năm 2010 là 50-50% nhưng đến năm 2019, thì xuất khẩu của khối FDI đã tăng lên 71%. Điều này cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp FDI rất nhanh, vượt xa khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Rủi ro là xu hướng xuất khẩu chủ yếu đến từ doanh nghiệp có vốn FDI. Thứ hai, ta còn giữ độc lập, tự chủ kinh tế, sự chủ động như giai đoạn đầu của hội nhập hay không? “Định nghĩa tự chủ kinh tế đã thay đổi, ta tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chứ không phải cái gì ta cũng phải làm từ đầu đến cuối, thành lập một thương hiệu mới để cạnh tranh” – ông nói. Bắt đầu từ con số 0, trừ các doanh nghiệp start-up, xây dựng một thương hiệu mới là rất khó mà cần phải tiếp cận, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ ba, khái niệm CMCN 4.0 đã được đề cập tại Việt Nam từ năm 2016. Nền tảng công nghệ đã có, nhưng ta sử dụng như thế nào là vấn đề quan trọng hơn. Ví dụ, tại Đức 70% đường truyền internet là được sử dụng cho các nhà máy, cho các dây chuyền sản xuất. Tại Việt Nam chúng ta đã đạt được mức đó chưa, ông Kiên đặt câu hỏi.

CMCN 4.0 và tác động tới nền kinh tế

Theo TS. Hà Huy Tuấn, trong các ngành kinh tế, CMCN 4.0 hiện đang tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống hàng ngày. Sự nổi lên của các hãng taxi công nghệ như Uber hay Grab thách thức các doanh nghiệp truyền thống là một ví dụ. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn, mặc dù chưa có nhiều quốc gia trên thế giới công nhận bitcoin, tuy nhiên có xu hướng các nhà đầu tư coi đây là một nơi để trú ẩn và các giao dịch vẫn diễn ra hàng phút, hàng giờ, bất chấp các quy định của pháp luật. Tất nhiên, CMCN 4.0 không chỉ là bitcoin hay taxi công nghệ mà là kết nối vạn vật, chia sẻ thông tin, là công cụ hỗ trợ để phát triển kinh tế trí thức và là xu hướng tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, và theo khảo sát mới nhất thì 60% doanh nghiệp Việt Nam vẫn đứng ngoài, chưa tận hưởng được các lợi thế mà cuộc CMCN 4.0 mang lại.

Ông cho rằng, có bốn lĩnh vực sẽ phải đối phó với các rủi ro, thách thức mà CMCN 4.0 mang lại. Nếu biết tận dụng và có những biện pháp đúng đắn thì rủi ro, thách thức sẽ trở thành các cơ hội. Bốn lĩnh vực đó là:

(i) Tài chính công, do chưa có khuôn khổ pháp lý đối với các mô hình và sản phẩm tài chính mới. Ví dụ, áp dụng cách tính thuế như thế nào đối với Grab, Uber cho bình đẳng đối với taxi truyền thống. Có những lĩnh vực cũng là thành phần của nền kinh tế, nhưng ta chưa khoanh vùng, chưa gộp lại được. Ví dụ kinh tế ngầm, nền kinh tế không thống kê được do các rào cản truyền thống thì CMCN 4.0 mang lại cho chúng ta các công nghệ để quản lý, thống kê nền kinh tế đó.

(ii) Thị trường tài chính, do CMCN 4.0 thay đổi hoàn toàn thị trường tài chính, đặt ra các thách thức đối với các mô hình truyền thống. Đồng tiền ảo tạo ra các tác động không nhỏ tới an ninh tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô; các dịch vụ tài chính trực tuyến trở nên thông dụng hơn; các thách thức về bảo mật, bảo đảm an ninh thông tin và đồng tiền ảo còn có thể trở thành công cụ để rửa tiền. Ngoài ra, hiệu quả huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong bối cảnh có quá nhiều kênh để huy động vốn, tạo ra sự phân tán của nguồn vốn, gây khó khăn cho hoạch định chính sách.

(iii) Tài chính doanh nghiệp và hộ gia đình. CMCN 4.0 đang khiến các công ty truyền thống phải giảm và mất thị phần, ví dụ điển hình là các công ty taxi truyền thống chịu sự cạnh tranh rất lớn của Grab và Uber. Các doanh nghiệp có khả năng thích nghi nhanh, có ý tưởng sáng tạo, tận dụng được công nghệ mới sẽ nổi lên, phát triển mạnh mẽ trong khi các công ty “lạc hậu” sẽ dần dần biến mất.

Trên cơ sở đó, ông Hà Huy Tuấn đưa ra một số khuyến nghị đối với các cơ quản lý nhà nước và đối với doanh nghiệp, các hộ gia đình. Đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, cần ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo và thay đổi mô hình sản xuất; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học ứng dụng; đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động để thích ứng nhanh, nắm bắt các xu hướng của CMCN 4.0. Trong khi đó, đối với các cơ quan nhà nước, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý các sản phẩm tài chính mới; tăng cường kết nối thông tin và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý và giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chiến lược, chính sách ứng dụng CMCN 4.0 vào quản lý nhà nước; đồng thời cần tăng cường khả năng thích nghi đối với các cú sốc của thị trường và nền kinh tế.

Ổn định kinh tế vĩ mô và gia tăng cạnh tranh của nền kinh tế

Giới thiệu về khả năng chống chịu của nền kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước thực tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế quy mô còn nhỏ, nhưng có độ mở lớn nên dễ bị tổn thương trước các biến động, cú sốc từ bên ngoài. Ông chỉ ra ba rủi ro chính từ bên ngoài là:

(i) Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ – Trung; Mỹ – EU…) diễn ra phức tạp và khó lường. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung xảy ra từ năm 2018, tưởng chừng có lối thoát thông qua đàm phán thì lại bùng nổ mạnh mẽ hơn trong các ngày gần đây, cho thấy sự khó lường trong cuộc chơi của các “ông lớn”.

(ii) Sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, đặc biệt của các nước lớn. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 đạt tốc độ 3,2% nhưng đến năm 2019 chỉ còn 2,8%, do hiệu ứng chính sách kích thích kinh tế giảm dần và các vấn đề nội tại của mỗi quốc gia, khu vực.

(iii) Rủi ro địa chính trị diễn biến khó lường. Giá dầu biến động, căng thẳng Mỹ – Iran, các biện pháp cấm vận Venezuela, tình hình địa chính trị tại Trung Đông, Châu Phi vẫn tiềm tàng rất nhiều rủi ro, tác động mạnh đến thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hoá.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam còn tiềm tàng nhiều rủi ro, như nợ công, nợ nước ngoài còn ở mức cao; dự trữ ngoại hối gia tăng nhưng còn khá mỏng; độ mở thương mại và đầu tư lớn, xuất khẩu phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, và trong đó tập trung vào một số doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, v.v.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng, để gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam, gia tăng sự cạnh tranh của doanh nghiệp, Nhà nước cần tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường sự hiệu quả của thị trường, trong khi doanh nghiệp cần tăng cường quản trị hiệu quả và không ngừng đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, Chính phủ cần theo dõi sát sao các tác động của kinh tế thế giới, như căng thẳng thương mại và có những kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời. Đồng thời cần chủ động đa dạng hoá quan hệ thương mại, không chỉ tập trung vào một vài thị trường chủ chốt. Đồng thời, thúc đẩy tăng năng suất lao động, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, nghiên cứu để tăng sự hiệu quả của thị trường. Về CMCN 4.0, theo ông Cấn Văn Lực, trọng tâm của các cơ quan quản lý nhà nước phải là tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp tận dụng các lợi thế mà cuộc cách mạng này mang lại.

Cộng đồng doanh nghiệp thì cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là nâng cao trình độ quản trị, chất lượng sản phẩm và nâng cao đạo đức kinh doanh. Chú trọng tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định thương mại tự do, để có lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển các mặt hàng có lợi thế. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu và sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính, xây dựng các phương án dự phòng và kịch bản ứng phó khi cú sốc xảy ra.

Tại Hội nghị, các diễn giả cũng giới thiệu, trao đổi về các kinh nghiệm tốt cho các doanh nghiệp, ví dụ xu hướng chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số, kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp và đạo đức doanh nghiệp cũng như vấn đề cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Phát biểu kết luận Hội nghị, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, bất ổn và bất định là hai rủi ro lớn nhất đối với kinh tế vĩ mô nói chung và đối với doanh nghiệp nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Thay đổi công nghệ là một xu hướng của thời đại và ta phải có đủ năng lực để sử dụng công nghệ. Nếu không ứng dụng, thích nghi được với công nghệ thì cơ hội sẽ trở thành rủi ro. Đồng thời, mối quan ngại lớn nhất hiện nay là phản ứng dây chuyền, ví dụ rủi ro trong lĩnh vực tài chính có thể lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác, ảnh hưởng trực tiếp và một cách toàn diện đến nền kinh tế. Ông cho rằng, thông qua Hội nghị, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đã có bức tranh toàn cảnh hơn về nền kinh tế và các thách thức hiện nay, từ đó rút ra cho mình những giải pháp để tận dụng cơ hội mà cuộc CMCN 4.0 mang lại./.

(Khánh Linh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here