Hội nghị Cấp cao Mê Công – Lan Thương 2018

1087

Tờ Khmer Times ngày 18/12 đăng bài viết của học giả Chheang Vannarith, Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia (CICP) về Hội nghị cấp cao Mê Công – Lan Thương vào đầu năm 2018 (Campuchia sẽ là chủ nhà):

Cũng giống như Cộng đồng ASEAN, Hợp tác Mê Công – Lan Thương cũng tập trung vào ba trụ cột chính gồm chính trị, an ninh, kinh tế và các vấn đề văn hóa, xã hội. Năm lĩnh vực hợp tác gồm kết nối, thúc đẩy năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế, quản lý nguồn nước và nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo. Cơ chế hợp tác Mê Công – Lan Thương tuân thủ theo tinh thần “mở” và “bao trùm”, bổ sung cho các cơ chế hợp tác tiểu khu vực hiện hành như Tiểu vùng Mê Công, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và Ủy hội sông Mê Công quốc tế; đồng thời cũng góp phần vào việc thực hiện sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Các quốc gia Mê Công chia sẻ một tầm nhìn, đó là xây dựng một cộng đồng tương lai hòa bình và thịnh vượng chung.

/Tuy nhiên, vẫn còn có sự thiếu hiểu biết giữa các chủ thể khu vực về những điều cần làm để thực hiện tầm nhìn này. Vì vậy, việc xây dựng một lộ trình rõ ràng để cụ thể hóa các dự án hợp tác Mê Công – Lan Thương là một bước đi quan trọng tiếp theo. Việc xây dựng năng lực thể chế, tiếp tục các cải cách và phát triển nguồn nhân lực là các động lực chính. Chủ đề sẽ được bàn thảo đến tại hội nghị tới sẽ liên quan đến những thành tựu và thách thức của việc thực hiện hợp tác Mê Công – Lan Thương, tính bổ sung giữa hợp tác Mê Công – Lan Thương với các cơ chế hợp tác khác của khu vực và vai trò của Ban thư ký quốc gia về hợp tác Mê Công – Lan Thương.

Bốn vấn đề nên được xem xét trong hợp tác Mê Công – Lan Thương: (i) Các nước thành viên Mê Công – Lan Thương cần bổ sung thêm lĩnh vực quản lý tốt vào trọng tâm điều phối chính sách và xây dựng thể chế; (ii) Hợp tác hướng đến người dân và lấy người dân làm trung tâm cần phải được thúc đẩy hơn nữa, điều đó sẽ giúp thu hẹp sự bất bình đẳng về phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo hòa bình và phát triển bền vững lâu dài; (iii) Khái niệm kết nối cần được mở rộng hơn bao gồm cả lĩnh vực an ninh, chẳng hạn an ninh nguồn nước, năng lượng, lượng thực, biến đổi khí hậu; (iv) Cần có chiến lược kết nối hợp tác Mê Công – Lan Thương với các sáng kiến hợp tác khu vực khác. Ví dụ, liên quan đến quản lý nguồn nước bền vững, hợp tác Mê Công – Lan Thương cần phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Công quốc tế để đề ra tiêu chuẩn, nguyên tắc chung về quản lý nguồn nước hợp nhất. Liên quan đến cơ sở hạ tầng, cần phối hợp với hợp tác GMS, Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN và sáng kiến Vành đai, Con đường.

(ĐSQVN tại Campuchia, Theo Khmer Times ngày 18/12/2017)