Hoa Vi và Địa chính trị 5G trong quan hệ Mỹ-Trung

0
112
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Công nghệ là sức mạnh, quốc gia nào kiểm soát hệ thống cơ sở hạ tầng số toàn cầu sẽ kiểm soát thế giới. Chính vì vậy, Mỹ vô cùng lo ngại về sự trỗi dậy của của Trung Quốc với tư cách là siêu cường công nghệ. Hoa Vi, tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển 5G, mạng lưới di động thế hệ mới, có khả năng trở thành hệ thần kinh trung ương của nền kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, xét từ góc độ nào thì Mỹ hiện cũng đang thua trong cuộc chiến chống lại Hoa Vi hay theo cách gọi của Tổng thống Trump “cuộc đua 5G”. Hoa Vi tiếp tục lớn mạnh, 5G tại Trung Quốc tiếp tục phát triển nhanh và đa số đồng minh của Mỹ đã phớt lờ những áp lực của Mỹ cấm hợp tác với Hoa Vi phát triển mạng lưới quốc gia 5G vì lý do an ninh. Dù vậy, Mỹ vẫn đang tiếp tục gia tăng sức ép với các đồng minh, yêu cầu bất cứ nhà sản xuất chip điện tử nào sử dụng công nghệ của Mỹ (hầu như tất cả các nhà sản xuất sử dụng công nghệ Mỹ) sẽ phải xin phép Washington trước khi có thể bán các linh kiện cho Hoa Vi.

Chiến lược này của Mỹ có vấn đề là nó đang cố chiến thắng “chiến tranh lạnh công nghệ” ngày nay với vũ khí của ngày hôm qua. Trên thực tế, Mỹ đang bằng mọi cách xây một bức tường không thể vượt qua xung quanh Hoa Vi, một ý tưởng điên rồ trong một thế giới kết nối rất cao trong đó công nghệ và tài năng có thể di chuyển tự do. Hơn nữa, điều này càng khích lệ Trung Quốc trở nên tự chủ về công nghệ. Nếu Mỹ muốn thắng trong cuộc đua 5G nói riêng và cuộc đua giành vị trí số 1 về công nghệ số nói chung, nước Mỹ cần thay đổi cách tiếp cận. Điều may mắn là chính ngành công nghệ của nước Mỹ phát triển mạnh mẽ được là nhờ dựa trên những nguyên tắc như sự cởi mở, công nghệ phần mềm và sự cân bằng lành mạnh giữa cạnh tranh và hợp tác.

Các mạng lưới di động từ lâu chủ yếu dựa vào phần cứng chuyên dụng, nay đang ngày càng phụ thuộc vào công nghệ  phần mềm. Ngày 8/4, một công ty khổng lồ trực tuyến Nhật Bản khai trương mạng di động đầu tiên trên thế giới hoàn toàn “ảo hóa” (virtualised), xây dựng trên nền tảng phần cứng ứng dụng chung và nhiều công nghệ phần mềm. Các nhà mạng khác sẽ theo sau ngay lập tức và những mạng di động như vậy sẽ giúp giải tỏa đáng kể lo ngại của Mỹ về việc sử dụng các thiết bị công nghệ của Hoa Vi sẽ giúp Trung Quc ăn cắp dữ liệu của các nền kinh tế cạnh tranh. Các mạng “ảo hóa” này không dựa vào một nhà cung cấp mà có thể được xây dựng từ các cấu phần khác nhau, tạo điều kiện cho việc lựa chọn và loại trừ trong trường hợp cần thiết các sản phẩm “made in China”. Các mạng này cũng sẽ tạo cơ hội mới cho các công ty công nghệ Mỹ hiện đang giữ vai trò khiêm tốn trong các mạng lưới di động hiện nay. Hơn nữa, các mạng kiểu này sẽ ít tốn kém hơn để phát triển, đưa vào hoạt động và duy trì vì phần lớn được kiểm soát bằng công nghệ phần mềm. Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng các mạng ảo này sẽ không giải quyết được mọi vấn đề an ninh và tiêu chuẩn nền tảng của nó cũng chưa chín muồi. Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là bước đầu cho tất cả các mạng 5G và cần nhiều năm nữa mới có thể hoàn  thiện.

Chính quyền Trump và các nước khác cần nỗ lực để đẩy nhanh việc phát triển các mạng di động ảo hóa tương tự bằng cách tài trợ việc nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép các mạng di động ảo hóa được phát triển. Thay vì theo đuổi một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ với kết quả không rõ ràng, Mỹ nên hỗ trợ tạo dựng và phát triển công nghệ mạng di động ảo hóa mà các công ty công nghệ Mỹ am hiểu và đang giữ ưu thế, đồng thời cho phép Trung Quốc tham gia với điều kiện phải tôn trọng luật lệ. Xét cho cùng, các tiêu chuẩn mở thay vì các biện pháp trừng phạt là vũ khí tốt nhất để Mỹ đối phó với tập đoàn viễn thông khổng lồ Hoa Vi của Trung Quốc.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Sỹ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here