Hiệu ứng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tới các quốc gia thứ ba

0
430
Trong trường hợp các mâu thuẫn thương mại tiếp tục diễn ra, các quốc gia bên thứ ba luôn có các hành động tạo cân bằng chính trị và kinh tế giữa hai cường quốc lớn.

Trang nghiên cứu The Conversation của Australia vừa đăng bài phân tích các tác động kinh tế của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đối với các quốc gia bên thứ ba, do hai nhà nghiên cứu Hongzhi Gao, Ivy Guo, thuộc Trường đại học Wellington (New Zealand) và nhà kinh tế học Tarek Soliman thực hiện. 

Theo bài phân tích, căng thẳng ngày càng leo thang trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây lo ngại cho các chính trị gia, các doanh nghiệp và công chúng. Mâu thuẫn này thách thức phương pháp tiếp cận truyền thống của các tranh chấp thương mại quốc tế. Liên quan tới một trong những quốc gia tranh chấp, thông thường vụ việc sẽ được đưa lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để điều đình hoặc phân xử.

Trong trường hợp các mâu thuẫn thương mại tiếp tục diễn ra, các quốc gia bên thứ ba luôn có các hành động tạo cân bằng chính trị và kinh tế giữa hai cường quốc lớn.

Bốn yếu tố tác động

Các tổ chức quốc tế, bao gồm WTO và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã cảnh báo về hậu quả của cuộc xung đột, bao gồm chủ nghĩa kinh tế dân tộc, gây gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và làm suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Nó sẽ tạo ra các hiệu ứng đôminô đối với các quốc gia khác, như Australia và New Zealand.

Australia và New Zealand vẫn giữ mối quan hệ chính trị chặt chẽ với Mỹ, trong khi tiếp tục thúc đấy quan hệ kinh tế gắn bó với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của cả hai quốc gia, do vậy tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu của Australia và New Zealand.

Rất khó để đánh giá chính xác giá trị quy bằng tiền của ảnh hưởng do cuộc chiến thương mại gây ra. Tuy nhiên, vẫn cần một phân tích định tính để các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể có cái nhìn chính xác về những gì đang diễn ra.

Để đánh giá các tác động của cuộc chiến thương mại đối với xuất khẩu của các quốc gia bên thứ ba, tác giả đã sử dụng một khuôn khổ mới để phân tích dựa trên một số yếu tố cần xem xét như sau:

Yếu tố đầu tiên, là liệu nhu cầu đối với các sản phẩm từ một quốc gia tranh chấp có được chuyển hướng đến một quốc gia bên thứ ba hay không. Ví dụ, nhu cầu của Trung Quốc đối với sản phẩm đậu tương của Brazil đã tăng vọt trong một vài năm qua, khoảng 5,07 triệu tấn đậu tương của Brazil đã được nhập khẩu trong tháng 11/2018, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước đó. Theo dự đoán, các thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Mexico, Nhật Bản và Canada và các quốc gia khác có thể thu được khoảng 70 tỷ USD từ thương mại Mỹ – Trung bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.

Yếu tố thứ hai, là liệu nguồn cung từ quốc gia tranh chấp này sang quốc gia kia có được chuyển hướng sang quốc gia bên thứ ba hay không. Sản lượng đậu tương xuất khẩu từ Mỹ sang EU đã tăng 133% trong giai đoạn từ tháng Bảy tới trung tuần tháng 9/2018, so với cùng kỳ năm trước đó.

Người tiêu dùng EU và các doanh nghiệp sử dụng đậu tương, chẳng hạn như các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học, đã được hưởng lợi nhờ đậu tương hạ giá do nguồn cung bổ sung dồi dào từ Mỹ.

Yếu tố thứ ba, là liệu căng thẳng thương mại có làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu của một ngành công nghiệp (ví dụ như điện thoại thông minh). Điều này rất quan trọng với quốc gia bên thứ ba. Các khoản thuế do chính phủ Mỹ quy định đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được cho là gây ra sự bất ổn cho chuỗi cung ứng toàn cầu cả bên trong và ngoài Trung Quốc, địa điểm mà các công ty toàn cầu đã lựa chọn đầu tư trong suốt nhiều năm qua. Các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang bắt kịp Trung Quốc cả về chuyên môn và năng lực sản xuất. Các công ty thuộc các nền kinh tế công nghiệp mạnh như Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc đang xem xét cải thiện lợi thế cạnh tranh của họ.

Sự bất ổn về giá và cung ứng hàng hóa trung gian từ các quốc gia đang có tranh chấp vào chuỗi cung ứng của các quốc gia bên thứ ba là rất quan trọng để xác định hiệu ứng lan tỏa đối với quốc gia thứ ba.

Yếu tố cuối cùng, là liệu ngành công nghiệp tiềm năng của các quốc gia bên thứ ba có cách  phản ứng chủ động với các rủi ro đến từ cuộc chiến thương mại hay không. Phản ứng chủ động ở đây được hiểu là các công ty của ngành công nghiệp tiềm năng tại các quốc gia bên thứ ba đã bắt đầu điều chỉnh đầu tư chiến lược vào nghiên cứu và phát triển, tìm nguồn cung ứng, sản xuất trong hoặc ngoài Mỹ hay Trung Quốc.

Rủi ro và cơ hội

Cuộc chiến thương mại sẽ tạo ra rủi ro và cơ hội cho các quốc gia bên thứ ba như Australia và New Zealand. Lấp đầy các khoảng trống giữa cung và cầu do thuế quan bị đẩy lên mức cao, tại cả hai phía của cuộc chiến thương mại, là cơ hội cho các quốc gia bên thứ ba. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự linh hoạt trong sản xuất và khả năng xuất khẩu trong các công ty và ngành công nghiệp.

Trong trường hợp các mâu thuẫn thương mại tiếp tục diễn ra, các quốc gia bên thứ ba luôn có các hành động tạo cân bằng chính trị và kinh tế giữa hai cường quốc lớn. Rõ ràng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang khu vực Thái Bình Dương, trong bối cảnh lệnh cấm của Mỹ đối với tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc và việc Mỹ thuyết phục Australia và New Zealand hành động tương tự.

Kết thúc bài viết, tác giả cho biết các công ty như Air New Zealand và Sanford đã được thông báo về việc phải đối mặt với thách thức trong hoạt động quốc tế khi mối quan hệ chính trị của quốc gia chủ quản với Trung Quốc đang gặp những bất ổn.

D. Linh (theo The Conversation)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here