Hiểu tiêu chuẩn Halal thế nào cho đúng và đầy đủ?

0
77

Halal không gói gọn trong những quy định nghiêm ngặt của một ngành công nghiệp đang lên mà còn là nền tảng đạo đức và bản sắc văn hoá của cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Các nhãn hiệu Halal. Ngày nay, Halal là một chuẩn mực toàn diện, bao trùm nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ thực phẩm đến tài chính, thời trang và cả đạo đức kinh doanh. Ngành công nghiệp Halal ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD, trải rộng trên khắp thế giới.

“Halal” là một thuật ngữ Arab có nghĩa “được phép” hoặc “hợp pháp”, đối lập với “Haram” mang nghĩa “không được phép” hoặc “cấm đoán”.

Ngày nay, Halal là một chuẩn mực toàn diện, bao trùm nhiều khía cạnh của cuộc sống, từ thực phẩm đến tài chính, thời trang và cả đạo đức kinh doanh. Ngành công nghiệp Halal ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD, trải rộng trên khắp thế giới.

Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của dân số Hồi giáo, cùng với việc nâng cao nhận thức và tuân thủ các nguyên tắc thực hành Halal, đã thúc đẩy sự mở rộng của thị trường này.

Tiêu chuẩn cao nhất, áp dụng nghiêm ngặt

Trong ngành chế biến thực phẩm và dịch vụ ăn uống, Halal được xem là tiêu chuẩn cao nhất và được áp dụng hết sức nghiêm ngặt. Tiêu chuẩn này là thước đo cho tính phù hợp của nguyên liệu và quy trình chế biến thực phẩm so với luật Hồi giáo. Halal cấm tiêu thụ các thực phẩm như thịt lợn, thịt chó, máu, động vật chết, đồ uống có cồn,…

Tiêu chuẩn Halal đòi hỏi tính minh bạch trong toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người tiêu dùng. Thực phẩm đạt chứng nhận Halal nổi tiếng với các tiêu chuẩn cao về vệ sinh và an toàn sức khỏe. Các quy định nghiêm ngặt của Halal luôn ưu tiên sự tinh khiết và chất lượng của thực phẩm, yêu cầu mức độ vệ sinh và an toàn cao, đảm bảo không có chất phụ gia hay chất bảo quản gây hại sức khỏe.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ thực phẩm Halal còn là hành động mang tính đạo đức dựa trên các nguyên tắc về lòng từ bi. Động vật được giết mổ một cách nhân đạo, không được phép gây đau đớn hay sợ hãi; đồng thời phải được thực hiện dưới danh nghĩa của Allah, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn đối với một sinh mạng đã hy sinh cho cuộc sống con người.

Chính vì vậy, tiêu chuẩn Halal thể hiện sự tuân thủ cao nhất luật Hồi giáo của các nhà sản xuất và chế biến thực phẩm; phản ánh tính nghiêm ngặt trong vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm, cũng như trách nhiệm xã hội từ các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Hiện nay, thực phẩm Halal dần trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, thực phẩm Halal không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo mà còn được người tiêu dùng không theo đạo Hồi lựa chọn, mở ra cơ hội giao lưu giữa các dân tộc và tôn giáo khác nhau.

Đặc biệt, Halal không dừng lại ở những quy chuẩn ăn uống mà nhiều sản phẩm khác như mỹ phẩm, dược phẩm, thậm chí cả quần áo cũng cần phải tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt này. Điều này đòi hỏi mọi nguyên liệu phục vụ thị trường Halal phải được lấy từ các nguồn hợp pháp theo quy định của đạo Hồi, không gây hại đến môi trường và cộng đồng.

Còn trong kinh doanh, tiêu chuẩn Halal được áp dụng để đảm bảo rằng mọi giao dịch đều minh bạch, không có sự gian lận hay bóc lột. Ngành tài chính Halal, hay còn gọi là tài chính Hồi giáo, cấm các hình thức vay mượn với lãi suất, điều chỉnh theo nguyên tắc công bằng và không chấp nhận rủi ro không được phân chia.

Một khía cạnh khác của văn hóa Halal là thời trang. Không còn chỉ là tiêu chuẩn của tôn giáo, thời trang Halal dần trở thành xu hướng toàn cầu, với sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại. Các thương hiệu lớn ngày càng chú trọng đến việc phát triển các dòng may mặc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Hồi giáo mà vẫn giữ được tính thẩm mỹ và phong cách của thế giới hội nhập. Đặc biệt, thời trang Halal còn thể hiện sự tôn trọng đối với môi trường và con người khi các nhà thiết kế chú trọng hơn đến việc sử dụng chất liệu bền vững, không gây hại cho động vật và môi trường.

… Toàn cầu hóa thị trường Halal

Từ lâu, Halal đã vượt xa khỏi tiêu chuẩn của thực phẩm, trở thành một biểu tượng cho văn hóa và lối sống của cộng đồng Hồi giáo.

Trong văn hóa Hồi giáo, Halal không chỉ mang tính chất nghi lễ tôn giáo mà còn gắn liền với các giá trị đạo đức như lòng trung thực, minh bạch và từ bi. Điều này phản ánh triết lý của đạo Hồi trong việc bảo vệ sự sống và duy trì trật tự tự nhiên.

Việc tuân thủ các nguyên tắc Halal thể hiện mối quan hệ không thể tách rời giữa tín ngưỡng tôn giáo và các giá trị đạo đức trong đời sống của người Hồi giáo. Cụ thể, chế độ ăn uống tuân theo nguyên tắc Halal ảnh hưởng sâu rộng đến lối sống và tương tác xã hội, là cầu nối hài hòa giữa tín ngưỡng với thực tiễn hàng ngày.

Nguyên tắc này được đề cập trong kinh Qur’an: “Ai có quyền cấm đoán vẻ đẹp và sự tốt lành mà Thượng đế đã ban cho các tạo vật của Ngài trong số những thứ cần để duy trì sự sống?”. Câu răn nhấn mạnh, chỉ có Allah mới có thẩm quyền chỉ định những gì được phép (Halal) và những gì bị cấm (Haram), con người không có quyền quyết định điều gì là hợp pháp hay bất hợp pháp. Đồng thời, câu răn cũng khẳng định con người phải chấp nhận sự khôn ngoan của đấng Allah trong việc xác định những gì được tiêu thụ, bởi lẽ “những người có đức tin, hãy tránh phủ nhận phước lành hợp pháp mà Allah đã ban cho” (trích kinh Qur’an). Chế độ ăn uống theo nguyên tắc Halal là cách người Hồi giáo tuân thủ ý chí của Allah, cũng như khẳng định lòng sùng kính và trung thành đối với các luật Hồi giáo.

Vì vậy, Halal chính là biểu tượng của một lối sống đạo đức và tu dưỡng tinh thần, giúp củng cố niềm tin và gắn kết cộng đồng Hồi giáo toàn cầu.

Đặc biệt, việc các sản phẩm Halal ngày càng phổ biến trên toàn cầu đã góp phần thay đổi cách nhìn nhận của bạn bè quốc tế về văn hóa Hồi giáo, thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia, cộng đồng tôn giáo khác nhau.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa thị trường Halal cũng đem đến nhiều thách thức và tranh cãi, buộc các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải tìm lối đi riêng nếu muốn bước chân vào ngành công nghiệp này. Từ các quy tắc nghiêm ngặt để đạt được chứng nhận Halal đến những quan điểm văn hóa khác nhau, yêu cầu doanh nghiệp phải nhạy bén, điều chỉnh nguyên liệu và thông điệp thương hiệu nhằm thực sự phù hợp với giá trị Hồi giáo.

Mặc dù đối mặt với những thách thức về tiêu chuẩn hóa và văn hoá bản địa, nỗ lực từ các tổ chức như Hội đồng Halal thế giới (WHC) và Tổ chức hợp tác Hồi giáo (OIC) đang tạo điều kiện thuận lợi cho con đường toàn cầu hóa của thị trường Halal. Sự hợp tác giữa các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các trở ngại và định hình một tương lai bền vững, toàn diện cho ngành công nghiệp đặc biệt này.

Tựu trung, tiêu chuẩn Halal là biểu tượng cho một lối sống, một nền văn hóa tôn trọng đạo đức, tâm linh và sự bền vững. Đặc biệt, trong thế giới hiện đại, khi những giá trị truyền thống và nhu cầu tiêu dùng được đề cao, tiêu chuẩn Halal lại càng khẳng định được vị thế, đưa các giá trị Hồi giáo len lỏi sâu vào đời sống của những cộng đồng văn hoá khác nhau.

Ngọc Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Halal Standards in the Age of Globalization: The Current Situation in Muslim Minority Countries and the Responsibilities of Muslim Majority Countries” của Đại học quốc tế Kyushu, Nhật Bản.
  2. A Study Of Halal Food From Islamic Principles To Contemporary Food Culture” của Tạp chí Migration Letters.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here