Hiệp định thương mại Mỹ-Anh hậu Brexit: Không phải chuyện dễ dàng

0
49

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng dù kết quả Brexit như thế nào, Mỹ cũng sẵn sàng đợi sẵn ở cửa, bút trong tay, ký hiệp định thương mại tự do với nước Anh sớm nhất có thể.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngay sau khi có nguồn tin trong Chính quyền Mỹ ngày 13/8 cho biết, London và Washington đang thảo luận về một hiệp định thương mại từng phần mà có thể có hiệu lực kể từ ngày 1/11 tới, một ngày sau khi nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit, Tạp chí Chính trị Thế giới (World Politics Review) đã đặt ra câu hỏi rằng liệu tân Thủ tướng Anh Boris Johnson có nên vội vã đàm phán thương mại với Mỹ hay không?

Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Anh, bà Liz Truss, và Ngoại trưởng Anh, ông Dominic Raab, tuần qua đã tới Washington nhằm thúc đẩy việc đàm phán hiệp định thương mại giữa hai nước có thể bắt đầu càng sớm càng tốt, trong bối cảnh thời hạn Brexit cuối tháng Mười đang đến gần.

Sau ngày 31/10, nước Anh sẽ chia tay EU với một thỏa thuận mới hoặc rời khỏi khối này “không thỏa thuận”.

Không loại trừ khả năng Thủ tướng Johnson cho rằng đàm phán với Washington sẽ giúp ông có được lợi thế khi đàm phán với Brussels, cũng như có thể giúp ông đạt được thỏa thuận Brexit theo hướng mà ông mong muốn.

Mà kể cả không được như vậy, thì việc đạt được một thỏa thuận thương mại với đối tác lớn như Mỹ cũng sẽ giúp ngăn chặn việc một số thành viên Đảng Bảo thủ cùng với các nhóm khác bỏ phiếu chống lại việc nước Anh rời EU mà không có thỏa thuận.

Trong cuộc họp báo sau khi gặp Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố rằng dù kết quả Brexit như thế nào, Mỹ cũng sẵn sàng đợi sẵn ở cửa, bút trong tay, ký hiệp định thương mại tự do với nước Anh sớm nhất có thể.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đã gặp người đồng cấp của Anh, bà Truss, để xúc tiến đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước. Trước đó, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton đã gửi bức thư được 44 nghị sĩ Cộng hòa Mỹ cùng ký tới Thủ tướng Anh, hứa hẹn sẽ ủng hộ hiệp định tự do thương mại hai nước được ký sớm nhất có thể.

Thế nhưng, việc nhanh chóng đạt được thỏa thuận thương mại với Chính quyền Tổng thống Trump có lẽ trước tiên cần giải đáp được một số câu hỏi sau:

Đầu tiên là câu hỏi liệu khi nào nước Anh có thể chính thức thương thảo hiệp định thương mại với Mỹ một cách hợp pháp mà không cần tới EU.

Trước khi từ nhiệm hồi tháng trước, Bộ trưởng Thương mại Anh, ông Liam Fox, đã nói rõ nước Anh không thể thương thảo hiệp định thương mại với Mỹ một cách hợp pháp khi vẫn còn là thành viên EU. Nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận, thì việc thương thảo với Washington có thể được tiến hành vào bất kỳ lúc nào.

Thế nhưng, vì cái giá của việc không đạt được thỏa thuận là rất lớn cho nên rất có thể thời hạn thương thảo Brexit lại tiếp tục được lùi nữa và như vậy việc đàm phán hiệp định thương mại với bên thứ ba cũng sẽ phải lùi theo.

Thậm chí kể cả khi các bên đạt được thỏa thuận Brexit, thì việc ấn định thời gian khi nào có thể đàm phán các hiệp định thương mại cũng còn phụ thuộc vào những điều khoản thỏa thuận Brexit cụ thể.

Thứ hai, ảnh hưởng của Brexit sẽ khiến việc ký kết hiệp định thương mại Mỹ – Anh khó hơn là các bên trong cuộc nghĩ.

Những người ủng hộ Brexit như Thủ tướng Johnson cho rằng việc có thể đàm phán các hiệp định thương mại của Anh một cách độc lập là một trong những lợi ích chính khi rời EU. Một lợi ích nữa là quyền tự chủ đưa ra các tiêu chuẩn và quy định một cách độc lập và không phải phụ thuộc vào EU.

Tuy nhiên, rời EU cũng có nghĩa là rời bỏ liên minh thuế quan, điều mà ông Johnson và một số người rất mong muốn, cũng sẽ tạo ra nhiều vấn đề làm phức tạp hóa quá trình Anh đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ.

Những vấn đề đó là làm sao để tránh việc phải dựng lại biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, bởi điều đó sẽ ảnh hưởng tới các điều khoản trong Thỏa thuận “Thứ Sáu tốt lành”. Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, đã nói rằng Hạ viện Mỹ sẽ bác bỏ bất kỳ hiệp định thương mại nào với Anh mà khiến thỏa thuận này bị ảnh hưởng.

Thứ ba, các nhà đàm phán phía Anh phải đạt được thỏa thuận với EU về việc công nhận các hệ thống quy định của nhau, sau khi Anh không còn là thành viên của EU. Nếu không, xuất nhập khẩu ở khu vực này sẽ bị đình trệ và chi phí giao dịch sẽ cao lên rất nhiều trong thời kỳ hậu Brexit.

Tuy nhiên, nếu Anh và EU công nhận quy định, tiêu chuẩn của nhau, thì điều này lại tạo ra những thách thức khác khi Anh đàm phán với Mỹ, bởi từ lâu Mỹ đã không ủng hộ các quy định của châu Âu, trong đó có một số quy định mà phía Mỹ nhìn nhận như những rào cản đối với nông sản xuất khẩu của Mỹ, chẳng hạn như việc châu Âu cấm thịt bò có hoóc-môn tăng trưởng và hạn chế nhập ngô và đậu tương có sử dụng công nghệ biến đổi gien.

Trên thực tế, một trong những rào cản chính khiến đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU bế tắc chính là việc có đưa sản phẩm nông nghiệp lên bàn đàm phán hay không.

Viễn cảnh Anh bị buộc phải đáp ứng một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm còn gây tranh cãi của Mỹ như làm sạch gà bằng chất chlorine để diệt mầm bệnh là vấn đề hoàn toàn không được ủng hộ ở Anh. Nếu nhất trí với điều đó thì các sản phẩm nông sản của Anh lại khó xuất được sang các nước EU, nơi mà chất tẩy rửa chlorine đã bị cấm từ cách đây 20 năm.

Hiện hệ thống quy chuẩn của Anh tương thích với EU bởi Anh là thành viên của thị trường chung châu Âu. Với gần nửa tổng số hàng xuất khẩu của Anh hiện xuất sang các nước châu Âu, thì liệu Anh có muốn thay đổi các tiêu chuẩn và quy định của mình để đổi lấy thị trường Mỹ, mà theo số liệu năm 2018 chỉ nhập có 13% hàng xuất khẩu của Anh?

Cuối cùng là câu hỏi liệu quan hệ thân tình giữa ông Trump và ông Johnson có giúp các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước diễn ra một cách suôn sẻ hay không?

Giới phân tích cũng lưu ý rằng ông Trump là người “thích” sử dụng biện pháp đánh thuế. Dường như ông sẵn sàng sử dụng các biện pháp này khi nào không đạt được điều mình muốn và ông cũng không e ngại khi đe dọa áp thuế, thậm chí kể cả khi đã ký thỏa thuận.

Chính điều đó khiến ông trở thành một đối tác đàm phán rất khó đoán định, một đối tác chính trị mà các nhân vật đồng cấp luôn thấy khó lường trước.

Trung Quốc, Nhật Bản và cả EU đều đang đàm phán hiệp định thương mại với Chính quyền của ông Trump ở những giai đoạn khác nhau, nhưng hầu như tất cả các nước này đều muốn tránh bị áp thêm thuế./.

Nguồn: TTXVN tại Washington

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here