Hậu Giang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại

0
100
Hậu Giang: Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại

Ngày 7/11, Sở Công Thương Hậu Giang tổ chức Hội nghị chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn.

Hậu Giang: Hội nghị Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại

Hội nghị tập trung vào thực trạng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; góc nhìn từ doanh nghiệp kinh doanh trên không gian số và vấn đề thực thi pháp luật trong thương mại điện tử; kỹ năng xúc tiến thương mại trên nền tảng thương mại điện tử…

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện chuyển đổi số và tham gia kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử trở thành vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh. Để triển khai, doanh nghiệp cần tìm hiểu, lựa chọn những nền tảng phù hợp với nguồn lực sẵn có; xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn cụ thể để quảng bá, tăng cường nhận diện thương hiệu.

Đồng thời, cần xây dựng chiến dịch quảng cáo đích danh để đưa sản phảm và dịch vụ của doanh nghiệp đến đúng đối tượng khách hàng; xây dựng nhân vật truyền cảm hứng thương hiệu, sản phẩm; cải thiện chất lượng hàng hóa và khắc phục các vấn đề rủi ro trong vận chuyển, bảo quản.

Theo Thạc sĩ Hoàng Vĩnh Phúc, Trưởng Bộ môn Thương mại điện tử, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, kỹ năng xúc tiến thương mại trên nền tảng số là một yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử. Doanh nghiệp cần chú trọng phát triển các kỹ năng sử dụng công cụ quảng cáo trực tuyến; kỹ năng chăm sóc khách hàng và xây dựng thương hiệu trên môi trường số; phân tích dữ liệu và đo lường hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại; các kỹ năng đổi mới sáng tạo, xây dựng cộng đồng…

“Các cơ quan chức năng cần triển khai đào tạo, tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công cụ quảng cáo trực tuyến, xây dựng thương hiệu và chăm sóc khách hàng trên môi trường số; tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử bằng cách hoàn thiện pháp luật, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn chặn các hành vi gian lận, vi phạm bản quyền trên thị trường thương mại điện tử”, ông Phúc đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Thậm, Phó giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang nhận định, hoạt động thương mại điện tử đang dần phổ biến rộng rãi đến từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, tạo điều kiện tiếp cận thị trường rộng rãi cho doanh nghiệp. Do đó, ngành chuyên môn cần tuyên truyền sâu rộng và doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động thương mại.

Hội nghị lần này cần làm rõ thêm thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của doanh nghiệp và cán bộ, công chức ở góc độ quản lý ngành công thương; tiếp cận chuyển đổi số trên góc độ quy mô doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần có phương án tiếp cận thị trường dựa vào chuyển đổi số để mở rộng thị trường, phát triển nhanh hơn.

Tỉnh Hậu Giang hiện có 112 sản phẩm OCOP và trên 1.910 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn. Tổng doanh thu đạt được trên hai sàn thương mại điện tử là khoảng 5 tỷ đồng. Tỉnh cũng xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc với trên 1 triệu tem truy xuất đã được sử dụng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao vị thế thương hiệu, xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Ngoài ra, tỉnh đã ra mắt nhiều khu chợ 4.0 thanh toán không dụng tiền mặt tại thành phố Vị Thanh, Ngã Bảy và các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ… để góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trong hoạt động thương mại; mang đến môi trường số hóa tài chính hiện đại, an toàn, tiện lợi và phù hợp với người dân trong giao dịch thanh toán.

Hồng Thái

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here