Hậu Covid-19, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất

0
70
Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020. (Ảnh: Xuân Khoa)

Doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020. (Ảnh: Xuân Khoa)

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid-19 diễn ra sáng 11/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhận định, kinh tế số là xu hướng phát triển tất yếu. Nhiều dự báo cho rằng, 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số và chỉ từ 2-3 năm tới, sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá rất sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin, xu thế toàn cầu hoá, tương quan sức mạnh và quan hệ giữa các quốc gia.

Năm ngoái, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo, đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới. Ở khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP, song được dự báo sẽ đóng góp thêm 1 nghìn tỷ USD cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.

Covid-19 ảnh hưởng rất nặng tới nền kinh tế, nhưng đại dịch cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp thức tỉnh, định vị lại bản thân, thích ứng, xác định chuyển đổi số là một trong những chiến lược để bứt phá.

Trong 6 tháng qua, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển biến lớn trong việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động khối cơ quan Chính phủ, đặc biệt là khối y tế, giáo dục. Đã có gần 1.000 cá nhân đến từ hàng chục công ty công nghệ, cùng nhau xây dựng hơn 20 ứng dụng nhằm phục vụ người dân, xã hội, phục vụ các cơ quan chức năng.

Từ khía cạnh quản lý nhà nước, Việt Nam đã xác định tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Với tầm nhìn này, chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Tháng 5 năm nay, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng phê duyệt. Tháng 6, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 cũng đã được ban hành, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn.

“Là một chiến lược quốc gia và trước đòi hỏi cấp bách của tình hình, chuyển đổi số nên là sự lựa chọn của nhiều doanh nghiệp. Việt Nam đang có lợi thế về chuyển đổi số rất lớn. Dân số gần 100 triệu là một thị trường rất lớn. Hơn 70% người dân sử dụng internet, thiết bị thông minh cộng với cộng đồng doanh nghiệp, công nghệ năng động và sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ là những yếu tố hết sức thuận lợi, tạo tiền đề cho đất nước, các doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi số trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Theo ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times, kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên thế giới. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn và rộng khắp.

Đến năm 2025, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm, thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới, sáng tạo.

Doanh nghiệp là lực lượng xung kích và nòng cốt của nền kinh tế, không thể khác, chuyển đổi số là điều kiện sống còn và cấp thiết nhất trong bối cảnh hiện nay.

Ông Chử Văn Lâm nhấn mạnh, Covid-19 chính là nguyên nhân đưa cả thế giới vào cuộc khủng hoảng, nhưng cũng chính là mệnh lệnh khiến cả thế giới phải thay đổi. Ý thức rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số.

Đặc biệt, năm 2020 Việt Nam giữ vai trò chủ tịch Asean và tuần lễ cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra tại thủ đô Hà Nội, là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện tinh thần xung kích, sáng tạo, đổi mới và hội nhập vì một Việt Nam thịnh vượng và ASEAN phát triển bền vững.

Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thương mại điện tử tăng nhanh từ 2015-2019 với mức tăng trưởng trung bình 30%.

Hiện tại, hành vi tiêu dùng mua sắm trực tuyến phát triển rất tốt. Do Covid-19 mà những mặt hàng trước kia người tiêu dùng không dám mua thì nay đã mạnh dạn xuống tiền mua trực tuyến. Những tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp thương mại điện tử là tiết kiệm được chi phí do có thể làm việc ở nhà, lạc quan về nhân sự/duy trì doanh nghiệp sau dịch. Doanh thu giảm nhưng kế hoạch sẽ phục hồi nhanh chóng.

Ông Đặng Hoàng Hải nhận thấy, Chính phủ dự đoán tăng trưởng thấp hơn dự báo nhiều, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử rất lạc quan, giá trị mua hàng thương mại điện tử rất cao và việc cắt giảm nhân sự rất hạn chế.

Còn theo ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch ASEAN BAC, liên kết hữu cơ giữa ngành sản xuất công nghiệp với chuyển đổi số vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. ASEAN phát triển bền vững thì phải tận dụng chuyển đổi số, gắn kết doanh nghiệp, đặc biệt trong công nghiệp sản xuất.

Việt Nam cần phải tận dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp Việt phải tiên phong nắm lấy công nghệ tiên tiến để tạo ra giá trị. Chính những doanh nghiệp đi đầu này về sau sẽ chia sẻ lại những doanh nghiệp chậm hơn.

Để thành công, ông Đoàn Duy Khương cho hay, các nhà máy, doanh nghiệp phải tận dụng những giải pháp công nghệ, sáng kiến mới giải quyết vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách cần phải có tầm nhìn để quy tụ các doanh nghiệp, hợp tác với các hãng công nghệ lớn nhất để làm động lực tăng trưởng.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here