Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam: Giải pháp nào hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại?

0
37
(Congthuong.vn)
(Congthuong.vn)

Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

Chia sẻ tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 21/12/2022, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Bởi tình hình các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng các biện pháp điều tra và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có số lượng ngày càng tăng lên. Các con số thống kê cũng cho thấy, vừa qua, cứ 5 năm 1 lần, số lượng các vụ việc tăng gấp đôi, từ 25 vụ đến 52 vụ rồi đến 109 vụ.

“Chúng tôi cũng xác định trong thời gian tới với xu hướng như thế này thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục có nguy cơ là đối tượng bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài” – ông Chu Thắng Trung nói.

Bên cạnh số lượng các vụ việc tăng lên thì cũng có những đặc điểm tương đối mới trong quá trình các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp phải các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.

Thứ nhất, bên cạnh những biện pháp truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ thì hiện nay cũng bắt đầu xuất hiện các vụ việc mà các thị trường nước ngoài, đặc biệt là một trong những thị trường xuất khẩu chính của chúng ta là Hoa Kỳ tiến hành là áp dụng biện pháp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đây cũng là một cách thức điều tra mới của cơ quan điều tra nước ngoài, là một cách thức để mở rộng các biện pháp phòng vệ thương mại, không chỉ áp dụng với những nước đối tượng ban đầu mà có thể mở rộng áp dụng đối với các nước khác nữa. Hiện nay, trong 16 vụ việc mà chúng ta đang phải xử lý trong 11 tháng đầu năm 2022 cũng có một số vụ việc liên quan đến việc điều tra lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tính chất thứ hai trong các xu hướng điều tra phòng vệ thương mại hiện nay đó là về thị trường tiến hành điều tra với hàng hóa của chúng ta. Từ trước đến nay, chúng ta đã nhiều đến những thị trường như Hoa Kỳ, hay ở một mức độ thấp hơn là Ấn Độ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ, EU… áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Nhưng hiện nay, có rất nhiều vụ việc mới mà liên quan đến những thị trường ở rất gần chúng ta và những thị trường mà chúng ta đã có hiệp định thương mại tự do, tức là những thị trường mang đến những cơ hội rất thuận lợi để phát triển hoạt động xuất khẩu.

Số liệu thống kê vừa rồi cũng đã nhắc đến một số quốc gia, ví dụ như một số nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines… hoặc là thậm chí một số quốc gia mà chúng ta vừa mới có hiệp định FTA như Mexico đã có những vụ việc điều tra phòng vệ ban đầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Đó là tính chất đặc điểm xu hướng thứ hai, tức là bây giờ, các biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ giới hạn ở một số ít thị trường nữa mà có thể là mở rộng ra ở các thị trường khác.

Đặc điểm thứ ba là khi tiếp cận với từng vụ việc, tôi cũng quan sát thấy là các tiêu chuẩn điều tra, các yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài đối với các doanh nghiệp cũng có xu hướng chặt chẽ hơn, khắt khe hơn, đòi hỏi một nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp để có thể đáp ứng được những yêu cầu của cơ quan điều tra nước ngoài, đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Đó là những xu hướng tương đối tiêu biểu trong thời gian qua đối với các vụ việc mà nước ngoài tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Vậy, tại sao chúng ta lại bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều như vậy? Bên cạnh những tiêu cực thì nó cũng là một dấu hiệu rất đáng mừng cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đang ngày càng có chỗ đứng vững chắc hơn tại các thị trường nước ngoài và có thể cạnh tranh tạo ra một sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa của nước nhập khẩu. Với sức ép cạnh tranh đó thì không có một giải pháp nào khác là ngành sản xuất trong nước của nước nhập khẩu sẽ phải tìm đến những công cụ phòng vệ thương mại. Đây là những công cụ được tổ chức thương mại thế giới và trong các cam kết quốc tế cho phép các nước áp dụng để nâng mức thuế nhập khẩu lên một mức độ nhất định mà không vi phạm các cam kết đã có.

“Bên cạnh đó, đây cũng là sự song hành giữa xu hướng hội nhập với xu hướng mở cửa kinh tế của nền kinh tế thế giới cũng như các nền kinh tế khu vực. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện và nó sẽ trở thành một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế. Quan trọng là chúng ta làm thế nào để xác định được những rủi ro đó và có những giải pháp để hạn chế những rủi ro đó” – ông Chu Thắng Trung nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, TS. Lương Đức Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhấn mạnh: “Khi xuất khẩu lớn và có sức cạnh tranh thì hàng hóa sẽ bị chú ý áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại”.

Về sản xuất xi măng, hiện nay chúng ta đang là một cường quốc sản xuất xi măng trên thế giới. Sản lượng xi măng của chúng ta đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Xuất khẩu xi măng của chúng ta có sự tăng trưởng ngày càng cao. Nếu năm 2021, Việt Nam nằm trong Top 2 về xuất khẩu xi măng trên thế giới và chúng ta đã xuất khẩu sản phẩm đi rất nhiều thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Nam Mỹ, Úc… Trong đó Philippines và Trung Quốc, Bangladesh là ba thị trường Việt Nam xuất khẩu xi măng nhiều nhất. Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu vào Philippines lớn nhất so với tổng lượng hàng nhập khẩu của Philippines, chiếm khoảng 92% tổng lượng nhập vào Philippines.

Có lẽ chính vì vậy cho nên năm 2021 các nhà sản xuất xi măng của Philippines đã kiện Việt Nam bán phá giá gây ảnh hưởng thiệt hại đến sản xuất trong nước của họ.

“Nếu như Philippines áp dụng thuế chống bán phá giá thì có khả năng có những doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế lên đến 23%, tức là thiệt hại rất lớn cho công tác xuất khẩu” – ông Long nhấn mạnh và cho biết, mặc dù là lần đầu tiên nhưng chúng tôi đã bàn bạc với nhau và cũng đã tập hợp lực lượng để có thể đối phó lại với việc kiện bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất xi măng của Philippines.

Tăng cường cảnh báo sớm cho doanh nghiệp

Để phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại đang tiếp tục duy trì hệ thống cảnh báo sớm.

Hệ thống này được hình thành theo đề án 316 của Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2020. Cơ chế hoạt động của hệ thống cảnh báo sớm là Cục sẽ theo dõi thường xuyên những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường để nếu như tốc độ tăng trưởng của mặt hàng đó quá nhanh hoặc là chiếm một thị phần tương đối ở các nước nhập khẩu và mặt hàng đó là đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại ở một nước khác rồi thì Cục sẽ cảnh báo các hiệp hội để cùng doanh nghiệp lưu ý theo dõi.

Thông qua đó thì doanh nghiệp có thể xác định được là mặt hàng doanh nghiệp xuất khẩu có phải là đối tượng rủi ro hay không. Sau đó thì doanh nghiệp cũng có thể đề ra những chiến lược cụ thể ngoài việc chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị tâm thế để mà trong trường hợp mà nếu như điều không may xảy ra đã bị điều tra thì chúng ta đã có những sự chuẩn bị trước. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải cân nhắc để có một chiến lược đa dạng hóa thị trường hơn, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu có rủi ro như vậy.

Thứ hai là Cục cũng có đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do được phê duyệt vào năm 2021. Hiện tại, Cục Phòng vệ thương mại đang phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng để có những hoạt động cung cấp thông tin, những hoạt động trao đổi chia sẻ thông tin về công tác phòng vệ thương mại, về các nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại một cách cơ bản nhất cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi cũng không kỳ vọng ngay một lúc các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cũng như hiệp hội có thể nắm được hết một cách chi tiết nhất những nội dung gọi là ngóc ngách của pháp luật phòng vệ thương mại nhưng chúng ta nắm được những nguyên tắc cơ bản để từ đó nếu như có một vụ việc nào đó xảy ra thì doanh nghiệp cũng đã biết phương án việc chúng ta cần phải làm” – ông Trung chia sẻ.

Bộ Công Thương còn có hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, hệ thống các kênh thông tin khác kể cả thậm chí chúng tôi cũng có những kết nối thông tin riêng với các cơ quan điều tra. Khi có những thông tin về các vụ việc xảy ra thì ngay lập tức Cục cũng sẽ liên lạc với hiệp hội, liên lạc với các doanh nghiệp có thể liên quan để trao đổi cụ thể, có những hướng dẫn những tư vấn cụ thể hơn.

Thời gian tới, Cục phòng vệ thương mại sẽ tiến hành những công tác này dưới sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Bộ Công Thương, của Chính phủ để chúng ta có thể tận dụng được tốt nhất những cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế đem lại, đồng thời cũng ngăn ngừa phòng tránh được những rủi ro, để làm sao chúng ta có được hiệu quả tốt nhất từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

(Lan Phương/congthuong.vn)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here