Giao thương Việt Nam – Thụy Điển sẽ khởi sắc nhờ EVFTA

0
82

Ngày 26 và 28/4, tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo nhằm hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu từ Việt Nam sang Thụy Điển. Tìm hiểu sâu hơn về hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) và nắm được những yêu cầu khi xuất khẩu sang EU cũng như Thụy Điển. Nắm chắc và đầy đủ các quy định cũng như tiêu chuẩn của EU sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tương đối so với các nhà xuất khẩu đến từ những nước khác. Chuyên gia chính sách Thương mại từ Cục Thương mại Thụy Điển – Bà Nesli Almufti tin tưởng, EVFTA sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế ở cả châu Âu và Việt Nam.

Thời gian để Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực không còn dài, bà đánh giá như thế nào về tiềm năng thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Thụy Điển?

Tôi có thể khẳng định rằng, năm 2018, khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, tiềm năng hợp tác về thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ vô cùng lớn. Sẽ có đến 99% các dòng thuế được xóa bỏ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ thương mại, tự do giao thương giữa Việt Nam và EU.

Thụy Điển là một quốc gia nằm trong EU nên tôi tin tưởng rằng Hiệp định EVFTA sẽ góp phần đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước trong thời gian tới.

Thụy Điển cũng rất coi trọng vai trò về thương mại của Việt Nam trong khối ASEAN. Kể từ năm 2013, Việt Nam đã trở thành  đối tác thương mại lớn thứ 4 của EU trong 10 nước thành viên ASEAN.

Chuyến công tác Việt Nam lần này là nhằm để hỗ trợ tổ chức các buổi tọa đàm cùng với các cơ quan xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để hiểu rõ thêm về hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam và trao đổi chi tiết về các quy tắc, tiêu chuẩn có liên quan khi xuất khẩu sang Thụy Điển và EU.

 Theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường EU và Thụy Điển nên chú ý những gì?

Là một quốc gia trong EU nên mọi quy định chung của EU sẽ đều được áp dụng ở Thụy Điển. Nếu sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam tiếp cận được thị trường EU thì chắc chắn sẽ tiếp cận được thị trường Thụy Điển.

Điểm khác biệt giữa thị trường Thụy Điển và EU, theo tôi có thể là sự khác biệt về hành vi người tiêu dùng. Người tiêu dùng Thụy Điển đang ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng hàng hóa dù giá cả có thể đắt hơn. Điều mà thị trường Thụy Điển quan tâm nhất chính là nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, quy trình sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường hay không, có tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội hay không…

Một điểm nữa mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi tiếp cận thị trường Thụy Điển là Thụy Điển không sử dụng đồng tiền chung Euro mà sử dụng đồng tiền riêng (đồng Krona Thụy Điển).

Tôi muốn nhấn mạnh rằng EU sẽ không có những quy định chung cho tất cả các nhóm sản phẩm, hàng hóa khi xuất khẩu vào thị trường EU mà từng nhóm hàng sẽ có những yêu cầu và quy định riêng. Ví dụ, yêu cầu của mặt hàng giày dép sẽ khác với các sản phẩm may mặc hay nông sản, thiết bị điện tử… Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ những yêu cầu của từng mặt hàng cụ thể. Tất cả các thông tin cần thiết liên quan đến từng mặt hàng đều có thể tra cứu trên Internet.

Bộ phận hỗ trợ thương mại của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam cũng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thực thi, tuân thủ các yêu cầu khi xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm sang Thụy Điển và EU. Nếu như ngay ngày mai, một doanh nghiệp dệt may muốn đưa hàng sang Thụy Điển lần đầu tiên, họ chỉ cần email cho chúng tôi, giới thiệu hàng hóa và nhu cầu, chúng tôi sẽ hướng dẫn mọi thủ tục cần thiết để họ có thể xuất khẩu hàng sang Thụy Điển.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại  EU sẽ sử dụng nhiều hơn các chính sách phi thuế quan và các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ thị trường khi EVFTA có hiệu lực?

Tôi thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy e ngại khi tiếp cận thị trường EU vì đây là một thị trường khó tính và đòi hỏi rất cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ này. Nếu các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường EU thì hàng Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin tiếp cận các thị trường khác.

Nhiều người thường nhầm lẫn những rào cản về kỹ thuật mà EU đặt ra chỉ áp dụng đối với các nước xuất khẩu vào EU nhưng trên thực tế không phải như vậy. Các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (SBS), tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), quyền sở hữu trí tuệ… đối với hàng hóa, sản phẩm tiêu dùng, hàng công nghệ vào tại thị trường EU đều là những tiêu chuẩn quốc tế. EU không xây dựng cơ chế, hàng rào riêng cho từng nước mà đòi hỏi tất cả các đối tác, bạn hàng của EU đều phải tuân thủ và thực hiện.

Thị trường và người tiêu dùng EU rất khắt khe đối với chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, sự đồng đều sản phẩm về bao bì, nhãn mác… Những tiêu chuẩn này trong ngắn hạn có thể gây khó khăn đối với nhiều hàng hóa của Việt Nam nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây sẽ là cơ hội để hàng Việt Nam khẳng định uy tín và tăng sức cạnh tranh.

Vậy theo bà, doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để thích ứng tốt với những tiêu chuẩn này?

Nhiều quy định và hàng rào kỹ thuật không phải là do phía EU đưa ra mà do nhiều công ty, tập đoàn hay các tổ chức tư nhân tự đặt ra. Đơn cử như các tiêu chuẩn về Global Gap, tiêu chuẩn liên quan đến thương mại công bằng… Nếu doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn chung của EU đưa ra, đồng thời có được những chứng chỉ do các tổ chức hay doanh nghiệp châu Âu cấp thì chắc chắn hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp đó sẽ có chỗ đứng vững chắc tại thị trường EU.

Để có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động hơn trong việc tìm hiểu thị trường. Bên cạnh việc tìm hiểu về những rào cản, tiêu chuẩn kỹ thuật, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên quan tâm xem phía EU có những ưu đãi gì. Theo tôi được biết, tùy từng ngành hàng cụ thể sẽ lại có những ưu đãi nhất định về mặt thuế quan.

Vậy những nhóm ngành hàng nào sẽ thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp EU và Thụy Điển?

Hiện nay hàm lượng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chủ yếu tập trung vào lĩnh vực ưu tiên như dệt may, da giày, công nghệ thông tin – viễn thông. Với những lợi thế của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục tập trung ưu tiên cho những lĩnh vực này. Đồng thời, dựa trên việc phân tích những lợi thế cạnh tranh so  với các nước xuất khẩu khác, Việt Nam cũng cần xây dựng một chiến lược dài hạn cho các ngành, hàng xuất khẩu chủ chốt khi Hiệp định EVFTA bắt đầu đi vào triển khai.

Ngoài các mặt hàng như thủy hải sản, giày dép, quần áo… người tiêu dùng Thụy Điển hiện nay cũng đang có xu hướng chuộng các sản phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ tự nhiên. Đây có thể là cơ hội cho nông sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Thụy Điển.

Xin cảm ơn bà!

Chi Chi (thực hiện)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here