Giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu qua Thương mại điện tử xuyên biên giới

0
85
9 tháng đầu năm 2023, giao dịch TMĐT xuyên biên giới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com đã tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: TTXVN)

Đại diện hai nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới là Alibaba.com và Amazon đã chia sẻ những thách thức chủ yếu đối với doanh nghiệp 2 nước và cách giảm thiểu.

9 tháng đầu năm 2023, giao dịch TMĐT xuyên biên giới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com đã tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: TTXVN)

Thống kê mới đây của nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com cho thấy, bất chấp những khó khăn của việc co hẹp nhu cầu, thắt hầu bao nhằm ứng phó lạm phát khiến các thị trường toàn cầu suy giảm nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2023, giao dịch TMĐT xuyên biên giới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam trên nền tảng Alibaba.com đã tăng trưởng 47% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bán hàng qua Amazon trong 12 tháng tính đến hết ngày 31/8/2023 tăng đến 50%. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam tham gia Amazon tăng tới 40%. Có thể thấy sự tăng trưởng về số lượng lẫn chất lượng nhà bán hàng và giá trị xuất khẩu từ Việt Nam trên Amazon.

Để hạn chế các rủi ro kinh doanh TMĐT xuyên biên giới, ông Gijae Seong cho rằng, các doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề vi phạm bản quyền. Ví dụ, các doanh nghiệp trẻ, mới khởi nghiệp bán áo thun, bình gữ nhiệt, ly uống nước có in hình ảnh của các nhân vật, phim ảnh nổi tiếng; mà quên mất rằng mình không có bản quyền sử dụng các hình ảnh này. Khi hệ thống của Amazon kiểm tra và phát hiện, ngay lập tức tài khoản của bạn sẽ bị ngừng bán, dù sản phẩm có doanh số bán thế nào và lượng tồn kho còn nhiều bao nhiêu.

“Vi phạm bản quyền là điều Amazon không bao giờ cho phép. Do đó, đây là một vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, để có thể phát triển trên Amazon, cần tôn trọng bản quyền hay bảo hộ thương hiệu”, ông Gijae Seong lưu ý.

Một lưu ý khác, theo ông Gijae Seong là về tính tuân thủ sản phẩm (product compliance) theo thị trường, nhất là các nước phát triển. Các sản phẩm liên quan đến trẻ em, thực phẩm, da, đều cần có chứng chỉ chứng nhận tùy từng thị trường.

Do đó, tốt nhất khi bắt đầu kinh doanh ngành hàng nào, doanh nghiệp cần tìm hiểu về ngành hàng đó tại các thị trường mục tiêu cần đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định gì. Doanh nghiệp có thể tham khảo thêm các hỗ trợ, tư vấn, tài liệu cho nhà bán hàng trên Amazon để có thể tìm hiểu các thông tin này. Khi có nền tảng về việc làm sao để có thể tuân thủ quy định sản phẩm, hay kinh doanh các sản phẩm không vi phạm bản quyền, khi đó doanh nghiệp sẽ hạn chế được các rủi ro.

Bà Summer Gao – Giám đốc dịch vụ chuỗi cung ứng khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com cũng chỉ ra những thách thức thường gặp đối với doanh nghiệp SME Việt Nam:

Thứ nhất, thiếu niềm tin lẫn nhau – điều này dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi chuyển đổi khách hàng mới cũng như phải cạnh tranh với các đối thủ khác trên sàn.

Thứ hai, thiếu hiệu quả trong giao thương. Thực tế cho thấy sự phức tạp của quy trình xử lý đơn hàng truyền thống có thể gây khó khăn cho việc theo dõi tiến độ của toàn bộ quy trình mua bán cũng như đảm bảo việc thu tiền kịp thời.

Thứ ba, thiếu số liệu hoạt động trực tuyến. Trong khi đó nếu không có dữ liệu giao dịch trực tuyến, các nhà bán hàng vừa và nhỏ Việt Nam sẽ không thể chứng minh được năng lực kinh doanh nhằm thu hút những người mua chất lượng.

Thứ tư, thiếu bảo mật thanh toán. Rủi ro trong giao dịch trực tuyến, chi phí vận chuyển đến thị trường mới cao, khó tìm được đối tác vận chuyển tin tưởng.

Tất cả những yếu tố trên tạo rào cản cho các doanh nghiệp SME Việt Nam trong giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới (B2B).

Vân Chi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here