Giải pháp tăng cường nguồn vốn qua thị trường trái phiếu xanh-bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới và vận dụng tại Việt Nam

0
50
(Shutterstock)

Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế – xã hội, chủ trương tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển thị trường vốn xanh để tài trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường đã được Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành ưu tiên thực hiện. Theo đó, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, phát triển thị trường vốn xanh, các sản phẩm tài chính xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển thị trường trái phiếu xanh.

Để triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xanh, các Bộ, ngành đã ban hành kế hoạch hành động để thực hiện trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Theo đó, đối với lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, bao gồm các mục tiêu và nhiệm vụ, như: Hoàn thiện các chính sách tài chính liên quan tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh; xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh; rà soát, hoàn thiện chính sách tín dụng và hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ cho phát triển xanh.

Để phục vụ mục tiêu huy động vốn cho phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững, thị trường tài chính cũng phải cải cách đảm bảo được cả 2 mục tiêu: một là, vừa huy động được các nguồn lực bền vững cho đầu tư phát triển và cho các mục tiêu tăng trưởng bền vững; hai là, thị trường tài chính được vận hành bền vững, phát triển các sản phẩm tài chính, công cụ tài chính xanh, thân thiện với môi trường. Trong các cấu phần của thị trường tài chính, trái phiếu xanh hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của các đối tượng tham gia thị trường (nhà đầu tư, tổ chức phát hành,…), tạo tiềm năng cho việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam. Trong đó, sự phối hợp tham gia giữa khu vực công với tư nhân, trong nước và ngoài nước, sự liên kết giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng với doanh nghiệp và nhà cung cấp giải pháp công nghệ là rất cần thiết để huy động tối đa mọi nguồn lực cho sự phát triển của một nền kinh tế “sạch” và bền vững.

1. Bài học quốc tế từ tăng cường vốn thông qua thị trường trái phiếu xanh

a) Bài học từ Hàn Quốc

Hàn Quốc luôn hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển công nghiệp xanh là mũi nhọn động lực thúc đẩy lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển, trong đó có nông nghiệp, nông thôn xanh xanh: Hàn Quốc coi vấn đề môi trường sinh thái là trọng tâm hướng tới ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng xanh và đối phó với biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là tầm nhìn quốc gia toàn diện, bao gồm cải cách năng lượng và cũng như tạo công ăn việc làm, hồi sinh môi trường, tăng cường năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và thay đổi trong cách sống của người dân. Tăng trưởng xanh là tăng trưởng bền vững làm giảm khí nhà kính và ô nhiễm không khí, là động cơ thúc đẩy kinh tế xanh. Chiến lược tăng trưởng xanh là một lựa chọn đúng đắn cho tương lai của Hàn Quốc và các quốc gia khác. Hàn Quốc sẽ tích cực tham gia các cuộc đàm phán sau năm 2012 và thực hiện vai trò lãnh đạo xanh. Hàn Quốc sẽ theo đuổi những nỗ lực ngoại giao tích cực trong lĩnh vực môi trường, thường xuyên tổ chức diễn đàn quốc tế về kinh tế xanh, nền công nghiệp xanh tại Hàn Quốc. Đồng thời thực hiện hỗ trợ phát triển chính thức ODA cho các nước đang phát triển và các nước nghèo. Chính phủ Hàn Quốc đã sớm ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy kinh tế xanh bền vững: năm 2008, chiến lược “các-bon thấp, tăng trưởng xanh”; năm 2009, “Luật cơ bản về tăng trưởng xanh” xây dựng “Kế hoạch 5 năm cho tăng trưởng xanh”.

Bên cạnh đó, còn có thể kể đến rất nhiều chính sách phát triển bền vững khác, như: Chiến lược Phát triển Công nghiệp năng lượng xanh (2008), Quy hoạch Tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu (2008), Dự án Tăng trưởng Xanh Mới (2009), Chiến lược Xúc tiến Tăng trưởng mới (2009), Các biện pháp toàn diện về Công nghệ xanh R & D (năm 2009). Việc làm mới được tạo ra bởi năng lượng tái tạo và các chương trình cải thiện môi trường. Chỉ riêng ngành công nghiệp tái tạo dự kiến sẽ tạo ra 950.000 việc làm mới trong năm 2030. Xây dựng nền giáo dục đào tạo đội ngũ chuyên gia cao cấp “xanh” thông qua chuyển đổi ngành công nghiệp hiện có vào ngành công nghiệp và giáo dục xanh. Chính phủ ưu tiên và tạo điều kiện về vốn, tài nguyên, chính sách thuế xanh, phát hành trái phiếu xanh cho ngành công nghiệp xanh nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển công nghiệp bền vững. Điều đó cho thấy một cơ chế chính sách đầy đủ và đồng bộ của Chính phủ Hàn Quốc trong phát triển kinh tế xanh, ngành công nghiệp xanh, dịch vụ công nghiệp tái tạo gắn với các ngành, lĩnh vực then chốt, tạo đà cho Hàn Quốc phát triển cao và bền vững như hiện nay.

b) Bài học từ Đài Loan

Chính phủ Đài Loan ưu tiên quĩ đất và các nguồn lực cho tăng trưởng xanh và khởi đầu là nông nghiệp, dịch vụ phục vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn. Từ khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhiều sản phẩm của Đài Loan bị cạnh tranh bởi thị trường xuất khẩu truyền thống như Nhật. Nông dân bắt đầu việc mở rộng sang một lĩnh vực tạo thu nhập mới bằng việc chuyển đất sản xuất của họ sang du lịch và nông trại giải trí. Du lịch giải trí tại nông thôn đã trở thành một hình thức quản lý nông nghiệp mới ở Đài Loan, giúp nông dân bứt phá qua những khó khăn do quy mô sản xuất nhỏ. Hai mục tiêu chính cho loại hình này là phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho cộng đồng và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Hơn 100 tỷ Đài tệ và 20.000 công việc mới được tạo ra hàng năm. Khoảng 2.000 ha đất đã chính thức chuyển qua nông trại và hơn 180 nông trại phục vụ cho giải trí đã được thành lập. Năm 1998 với mục tiêu là duy trì văn hóa nông thôn, kết hợp giữa nguồn tài nguyên nông nghiệp và du lịch nghỉ dưỡng, giáo dục đào tạo, Hiệp hội Du lịch giải trí nông nghiệp Đài Loan đã trở thành cầu nối giữa nhà nông dân sản xuất, nhà kinh doanh du lịch, Chính phủ, các ngân hàng. Chính phủ đã ưu tiên quĩ đất, nguồn vốn đầu tư, phát hành trái phiếu xanh, liên kết chuỗi giá trị sản xuất đến tiêu dùng, phát trển nông nghiệp, nông thôn xanh giúp Đài Loan phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Huy động nguồn lực tài chính và các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, con người và công nghệ phù hợp, hiệu quả là những vấn đề quan trọng, quyết định cho phát triển nông nghiệp, nông thôn xanh.

c) Bài học từ Ba Lan, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia

Chính phủ các nước Balan, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia đều có cơ chế chính sách phát hành và lưu thông trái phiếu xanh phổ biến, đa dạng và thường xuyên: Trái phiếu xanh có thể được phát hành bởi chính phủ, các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế, các công ty, các quỹ phát hành chứng chỉ xanh theo đó, các khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu này sẽ được cam kết đầu tư cho các chương trình xanh, như: tăng cường sự thích nghi và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các dự án năng lượng sạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, giao thông công cộng và nước sạch, các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ trong đó có dịch vụ du lịch xanh và sạch một cách bền vững. Theo số liệu của Tổ chức Climate Bonds Initiative có trụ sở tại London, trong năm 2017, lượng trái phiếu “xanh” trị giá 155,5 tỷ USD được bán ra trên toàn cầu sử dụng cho các dự án thân thiện với môi trường tăng 78% so với năm 2016 vượt so với dự kiến ban đầu là 130 tỷ USD. Các nước hiện nay phát hành trái phiếu xanh như Balan, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia. Trong năm 2017, có 10 nước mới tham gia vào thị trường trái phiếu xanh, gồm: Argentina, Chile, Fiji, Lithuania, Malaysia, Nigeria, Singapore, Slovenia, Thụy Sỹ và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

2. Giải pháp tăng cường huy động vốn qua thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam

Một là, tăng cường liên kết phát huy nguồn lực nội vùng, ngoài vùng tạo uy tín, tín nhiệm đạt các tiêu chí phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế. Để phát triển bền vững, cần thiết phải sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, con người, khí hậu) phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái. Liên kết nội vùng với các vùng miền trong cả nước đóng một vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của chuyển đổi. Liên kết vùng về kinh tế, tạo ra chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị cung – cầu nhằm tiết kiệm nguồn lực, bảo vệ môi trường xanh. Liên kết nội và ngoài vùng về xã hội nhằm đảm bảo sự phù hợp với xu hướng chung, dựa trên đặc thù và đa dạng về văn hóa và tập quán của cộng đồng. Hiện vấn đề liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế, trong đó, công tác tổ chức quy hoạch chung còn yếu kém, chưa tạo sự gắn kết thống nhất, đồng bộ kéo theo sự phát triển cũng manh mún, không đồng đều. Ngay cả các doanh nghiệp rất khó phát triển khi thiếu sự kết nối.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, truyền thông, quảng bá chính sách tài chính xanh, xúc tiến, giới thiệu về mô hình phát triển nông nghiệp xanh và bền vững trên phương tiện truyền thông đại chúng đến các thị trường khách hàng trọng điểm trong và ngoài nước. Tăng cường tập huấn, hội thảo và chia sẻ thông tin trong và ngoài nước việc xây dựng các mô hình phát triển công nghiệp xanh và bền vững cùng phát triển nông nghiệp, nông thôn xanh; từng bước thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và giao thông, như: sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, tái tạo, ít phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Ba là, qui hoạch phát triển các ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp như sản phẩm hóa chất, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thủy sản. Khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được như năng lượng gió, mặt trời và sinh khối. Chính phủ cần có cơ chế, chính sách tác động điều chỉnh tăng nguồn vốn đầu tư bằng việc phát hành trái phiếu xanh cho phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn xanh. Thực hiện miễn giảm thuế và các loại phí nhằm cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này. Những năm gần đây, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của cả vùng, ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội và sự phát triển bền vững của cộng đồng dân cư trong vùng. Ứng phó với những thách thức đa chiều, phức tạp của biến đổi khí hậu, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường là 2 vấn đề đang được chính quyền các tỉnh, thành phố quan tâm. Đây là ưu tiên hàng đầu trong chọn lựa các giải pháp phù hợp phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vùng trọng điểm cho chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn xanh.

Bốn là, thực hiện quy hoạch đào tạo, liên kết đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cho mô hình phát triển nông nghiệp xanh và bền vững,tạo ra nông dân thế hệ mới vùng kinh tế trọng điểmvà cả nước. Giúp cho người nông dân hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, cách thức bảo quản sản phẩm làm ra, nắm bắt những cơ hợi, thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế, áp dụng các biện pháp, công cụ phòng ngừa rủi ro thị trường, có kiến thức hiểu biết kinh tế – xã hội vùng, miền, cộng đồng xanh, sạch và an toàn cho cộng đồng.

THS. NGUYỄN THỊ TÌNH

Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật công nghiệp

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2014), Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. 

  2. Bộ Tài chính, (2015), Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành “Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020’”.

  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Huy động nguồn vốn ứng phó với biến đổi khí hậu, Báo cáo nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách huy động và sử dụng vốn ODA và các nguồn vốn bên ngoài cho ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

  4. Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (2015), Tăng trưởng xanh ở Việt Nam: Chính sách tài chính và định hướng giải pháp. Hội thảo khoa học, Hà Nội.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here