Giá dầu tăng mạnh đe dọa nền kinh tế thế giới, nhất là châu Á

0
70
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

Sau khi một khu phức hợp dầu mỏ bị tấn công tại Ả rập Xê-út, kinh tế thế giới, nhất là châu Á, sẽ là khu vực hứng chịu tác động nhiều nhất từ việc giá dầu gia tăng trong một thời gian dài.

Thật vậy, sau cuộc tấn công nhằm vào khu phức hợp dầu mỏ Saudi Aramco ngày 14/09, tình trạng giá dầu bất ổn định tiếp tục diễn ra tại các thị trường ngày 17/09. Giá thùng dầu Brent, tham chiếu trên qui mô toàn cầu, đang tăng nhẹ khi mở cửa thị trường, lên đến 68,15 USD. Ngày 16/09, giá dầu này đã tăng 14,6%. Đây là mức tăng vọt mang tính lịch sử.

Các thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa trong màu đỏ ngày 16/09, trong khi thị trường chứng khoán Tokyo đã bắt đầu phiên giao dịch giảm điểm nhẹ. Tuy nhiên, theo Sara Vakhshouri, Chủ tịch Công ty tư vấn SVB Energy International có trụ sở tại Mỹ “phản ứng của các thị trường là tương đối vừa phải và có thể sẽ lớn hơn nếu xét quy mô năng lực sản xuất bị tác động“.

Các cuộc tấn công đã làm giảm hơn một nửa sản lượng của Ả rập Xê-út, tương ứng với 5% nguồn cung của thế giới và như vậy giảm 5,7 triệu thùng /ngày. Ngày 16/09, Riyad bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục 1/3 sản lượng của mình. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, trích nguồn từ một quan chức Ả rập Xê-út, cần phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để trở lại tình trạng hoàn toàn bình thường.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu trong ngắn hạn được loại trừ

Trong khi chờ tình hình ổn định trở lại, Ả rập Xê-út có các kho dự trữ ở Nhật Bản, Hà Lan và Ai Cập. Theo Công ty tư vấn Rystad Energy, lượng dầu dự trữ sẵn có của quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới bảo đảm khoảng 26 ngày xuất khẩu. Một số quốc gia khác cũng có các kho dự trữ quốc gia như Pháp với lượng dầu tương đương 3 tháng phân bố tại các kho khác nhau.

Nếu như nguy cơ thiếu hụt dầu mỏ đã bị loại trừ trong ngắn hạn thì khó có thể dự báo tác động của tình trạng bất ổn định hiện nay đối với diễn biến giá dầu.

Thị trường đánh giá nguy cơ xảy ra xung đột vùng Vịnh là thấp, theo phân tích của Helima Croft de RBC Capital trước mùa hè. Một lần nữa, tính dễ bị tổn thương của các khu phức hợp dầu mỏ của Ả rập Xê-út đã đưa vấn đề địa chính trị thành tâm điểm của các mối lo ngại. Không ai có thể nói trước liệu một cuộc tấn công tương tự có xảy ra hay không, hoặc một việc đáp trả của Ả rập Xê-út sẽ không làm ảnh hưởng đến sản lượng dầu mỏ của khu vực.

Theo ông Philippe Chalmin, giáo sư tại Đại học Paris-Dauphine và là người đứng đầu báo cáo Cyclope chuyên về thị trường nguyên liệu thế giới, “không loại trừ giả thiết Ả rập Xê-út đã thổi phồng quy mô cuộc tấn công trong bối cảnh thị trường có nguy cơ bị thặng dư”. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo nhu cầu dầu mỏ tăng ít do tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại trong 2020, cùng với sự gia tăng sản lượng từ các quốc gia không phải là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu.

Một thời điểm rất tồi tệ đối với nền kinh tế

Trong nỗ lực ngăn chặn sự sụt giảm giá dầu, Riayd đã giảm mạnh sản lượng trong những tháng qua. Một cách nghịch lý, chính các cuộc tấn công vào phức hợp sản xuất dầu của Ả rập Xê-út đã tạo điều kiện cho nước này đạt mục tiêu tăng được giá dầu trong hoàn cảnh sức ép từ chính quyền Trump đang kìm giá.

Tuy nhiên, giá dầu biến động lần này là dưới tác động từ cú sốc ngoại sinh chứ không phải từ sự điều chỉnh của thị trường, “cú sốc này diễn ra vào một thời điểm rất tồi tệ đối với nền kinh tế”, Sébastien Jean, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về triển vọng và thông tin quốc tế, nhấn mạnh. Do chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tăng trưởng thế giới sẽ chậm hơn trong năm nay: tháng 7 năm nay, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,3% xuống còn 3,2% cho năm 2019.

Chiếm 72% xuất khẩu dầu thô của Ả rập Xê-út, nhiều khả năng châu Á sẽ là khu vực chịu tác động nhiều nhất từ việc giá dầu tăng. Ấn Độ, quốc gia có trữ lượng dự trữ chiến lược thấp hơn so với các quốc gia láng giềng và nhập khẩu 2 /3 lượng tiêu thụ dầu từ Trung Đông, đã thấy giá trị đồng tiền của mình (rupee) sụt giảm 0,9% chỉ trong ngày 14/09. Trước đó, bản thân Ấn Độ đã bị tác động bởi xu hướng tăng trưởng chững lại, với tỷ lệ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 6 năm qua.

(Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here