Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc

0
166
Hội nghị Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Hội nghị Gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV 10), đại diện lãnh đạo 4 tỉnh, khu tự trị Trung Quốc và 16 tỉnh, thành phố Việt Nam cùng hàng trăm doanh nghiệp hai nước đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin về môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác kinh doanh.

Đây là hoạt động do Bộ Ngoại giao và UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức. Sự kiện có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc Lê Hoài Trung; ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; ông Lý Tú Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc); ông Đinh Hướng Quần, Phó Chủ tịch Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); ông Âu Dương Vệ Dân, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc); ông Vương Lộ, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Hải Nam (Trung Quốc); ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các doanh nghiệp hai nước hoạt động trong các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng, cầu đường, sân bay, năng lượng, công nghệ cao, logistics, tài chính, thực phẩm và nông sản.

Phát triển quan hệ thương mại lành mạnh, cân bằng hơn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã nêu bật những thành tựu tích cực trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc. Trong năm 2017, các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên, Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước đi thăm lẫn nhau trong cùng một năm với sự có mặt của Tổng Bí Thư Tập Cận Bình tại sự kiên APEC 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung đánh giá cao việc lãnh đạo các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam (Trung Quốc) lần đầu tiên tham dự buổi gặp gỡ lần này. Đây là 4 địa phương có tiềm lực kinh tế lớn và cũng là các địa phương đi đầu của Trung Quốc trong hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư và du lịch với các địa phương của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa 4 địa phương này với các địa phương của Việt Nam đạt 59 tỷ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam -Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Lê Hoài Trung, với tính bổ trợ lớn, khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Hải Nam với các địa phương Việt Nam còn rất lớn.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp của 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Hải Nam đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, quan tâm lợi ích của người lao động, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động an sinh xã hội tại Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung mong muốn Chính phủ và chính quyền địa phương Trung Quốc, nhất là các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam, tiếp tục quan tâm hỗ trợ, mở cửa hơn nữa thị trường cho các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn như hàng nông sản, thịt lợn, sữa. Tạo thuận lợi thông quan cho hàng hóa Việt Nam tại khu vực biên giới, từng bước đưa quan hệ thương mại hai nước phát triển theo, thúc đẩy đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường, quan tâm lợi ích của người lao động, tham gia tích cực hơn vào các hoạt động an sinh xã hội tại Việt Nam, nhằm từng bước đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện phát triển theo hướng lành mạnh, cân bằng hơn.

Củng cố và tăng cường chính sách hợp tác

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương liên quan của 15 tỉnh/thành của Việt Nam và 4 tỉnh Trung Quốc cùng đại diện các Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các doanh nghiệp hai bên đã cùng nhau trao đổi để củng cố và tăng cường chính sách hợp tác nhằm thúc đẩy kinh tế hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác, giao lưu và hiểu biết lẫn nhau.

Thực tế, hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư, du lịch Việt Nam – Trung Quốc nhiều năm gần đây cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam về các mặt hàng: máy tính và linh kiện, cao su thiên nhiên, than và gạo. Tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,5 tỷ USD, tăng 61,5%; kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 58,2 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập siêu 22,8 tỷ USD, giảm 18,9%. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.

Ngoài ra, hợp tác tác giao lưu giữa các địa phương hai nước cũng diễn ra rất sôi động trong năm qua, đặc biệt với tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa 4 địa phương này với các địa phương của Việt Nam đạt 59 tỷ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Đông Âu Dương Vệ Dân đánh giá cao hợp tác thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc nói chung và giữa các địa phương hai nước nói riêng. Ông cho rằng, tỉnh Quảng Đông và Việt Nam, với nhiều điều kiện tự nhiên và khoảng cách địa lý thuận lợi, hai bên có thể phát triển bổ sung cho nhau, thúc đẩy hợp tác ASEAN-Trung Quốc nhằm mở rộng không gian hợp tác, thúc đẩy quy mô thương mại xuất nhập khẩu song phương nhằm tạo động lực mới cho hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

Đến cuối năm 2017, tỉnh Quảng Đông có 114 DN đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư thực tế đạt 240 triệu USD với 25 dự án đầu tư trực tiếp. Ông Âu Dương Vệ Dân cho biết, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác chiến lược, tham gia tích cực vào sáng kiến, tạo động lực cho hợp tác Trung – Việt. Ông cho rằng, Quảng Đông và các địa phương của Việt Nam có nhiều cơ hội trong việc hợp tác trên các lĩnh vực: giao thông vận tải, giáo dục, du lịch. Vì vậy, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông mong muốn đẩy mạnh hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân nhằm củng cố nền tảng văn hóa – xã hội giữa hai bên.

Đại diện cho phía địa phương Việt Nam, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Thành phố luôn coi trọng, quan tâm tới các hoạt động, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp của Trung Quốc với tinh thần hợp tác toàn diện, lâu dài, hướng tới hiệu quả hai bên cùng có lợi.

Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tập trung rà soát các mặt hàng, sản phẩm chủ lực, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng được những yêu cầu của thị trường Trung Quốc, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan của Việt Nam và Trung Quốc để hỗ trợ tối đa các thủ tục thông quan, giúp doanh nghiệp hai nước thuận lợi hơn trong trao đổi, kinh doanh hàng hóa.

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here