Gắn kết tình hữu nghị truyền thống giữa Thừa Thiên Huế và các địa phương Lào

0
112
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sekong, Lào thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 6/2022.

Nhắc đến tỉnh Thừa Thiên Huế là nhắc đến vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng vẻ vang; là vùng đất lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, đa dạng, đặc sắc với hệ thống gồm di sản vật thể cùng những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, trong đó  có bảy di sản được UNESCO vinh danh. 

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Sekong, Lào thăm và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế vào tháng 6/2022.

Ngành kinh tế-du lịch kết hợp với những tiềm năng khác của tỉnh đã có những bước phát triển khá toàn diện và bền vững, đưa thành phố Huế trở thành thành phố Festival, thành phố văn hóa của ASEAN, trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của miền Trung và cả nước; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học – công nghệ.

Cùng với các điểm du lịch ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, hình thành nên “con đường di sản miền Trung”. Nằm trên Hành lang kinh tế Đông – Tây nối Việt Nam với Lào, Thái Lan và Myanmar, Thừa Thiên Huế cũng là cửa ngõ ra Biển Đông của hành lang kinh tế quan trọng này.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế đang trên tiến trình tập trung phấn đấu, xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hiệu quả và thiết thực

Qua năm năm triển khai thực hiện Kế hoạch hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh Nam, Trung Lào giai đoạn 2017-2021, mối quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các địa phương của Lào, đặc biệt là các tỉnh Nam, Trung Lào tiếp tục được tăng cường và phát triển tốt đẹp, ngày càng gắn bó, tin cậy, hiệu quả và thiết thực.

An ninh quốc phòng tuyến biên giới tỉnh được củng cố và giữ vững, góp phần quan trọng vào việc xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển toàn diện. Hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa, y tế… có nhiều tiến triển, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế tại địa phương.

Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định rằng, hợp tác giữa tỉnh với các địa phương của Lào là một trong những điểm nổi bật, thành tựu quan trọng trong quan hệ đối ngoại của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch luôn bám sát theo đúng định hướng, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc kế hoạch, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ đảng viên và nhân dân. Nhiều nội dung, chương trình hợp tác được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, thiết thực, phù hợp với thực tiễn tình hình và yêu cầu của công tác đối ngoại.

Tăng cường, đẩy mạnh hợp tác

Xác định đối ngoại địa phương là một trong những công tác trọng tâm của tỉnh, Thừa Thiên Huế tiếp tục quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương về quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; duy trì củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với các địa phương của Lào thông qua việc chia sẻ, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, tăng cường hỗ trợ nhân dân biên giới; tăng cường trao đổi đoàn cấp lãnh đạo tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu và hợp tác có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành của hai bên; chú trọng giao lưu hữu nghị, giao lưu thế hệ trẻ, giao lưu văn hóa, giao lưu biên giới nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh Nam, Trung Lào.

Triển khai việc điều chỉnh, bổ sung, ký mới Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với các tỉnh của Lào đã thiết lập quan hệ hợp tác, bao gồm: Attapu, Champasak, Savannakhet, Salavan, Sekong. Đồng thời, hai bên xem xét trong những năm tới sẽ ký kết mới Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác với một số đối tác khác như: thủ đô Vientiane, tỉnh Khammuon.

Hai bên đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, để từ đó cùng có trách nhiệm củng cố, nâng niu, gìn giữ và vun đắp; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký kết Hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt Nam – Lào vào năm 2022 theo hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan.

Hai bên tăng cường chỉ đạo các đơn vị duy trì thực hiện tốt Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Việt Nam và Lào; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam-Lào; kiểm soát, quản lý và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên tuyến biên giới thuộc địa bàn tỉnh quản lý, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, hai bên thúc đẩy hợp tác kinh tế, tiếp tục hợp tác chặt chẽ, toàn diện với các tỉnh Salavan, Sekong để phát triển thương mại biên giới; theo sát tình hình và tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới; nghiên cứu xúc tiến, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh đầu tư vào Lào; nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu chính; nâng cấp hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng biên giới.

Hợp tác trên lĩnh vực giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm ưu tiên, khẳng định là một trong những lĩnh vực hợp tác hiệu quả và khai thác được thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho các tỉnh bạn Lào trong công tác xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ nguồn đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiếp nhận đào tạo cho 1.347 lưu học sinh Lào của các tỉnh Attapu, Champasak, Khammuon, Savannakhet, Sekong và Vientiane. Ngân sách chi cho hợp tác đào tạo lưu học sinh Lào giai đoạn 2016 – 2020 là 29,526 tỷ đồng.

Hai bên đẩy mạnh hợp tác về văn hóa, thể thao, du lịch; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ chăm sóc y tế cho cán bộ và nhân dân các tỉnh của Lào. Hai bên cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác với các tỉnh của Lào, để có biện pháp hỗ trợ về mặt pháp lý, tạo thuận lợi cho công dân Thừa Thiên Huế đang lao động tại Lào có điều kiện tiếp tục sinh sống, làm ăn hợp pháp, chính đáng tại Lào và phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động của tỉnh tại Lào; phối hợp chặt chẽ với tỉnh Salavan và Sekong thực hiện nhiệm vụ quy tập, cất bốc mộ liệt sỹ, các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào đưa về nước; phối hợp các Bộ, ngành liên quan triển khai việc dịch chuyển vị trí đấu nối giao thông tại cặp cửa khẩu chính Hồng Vân (Thừa Thiên Huế) – Cô Tài (Salavan) nhằm phát huy hiệu quả kinh tế cửa khẩu và giao lưu hợp tác với Lào.

Nguyễn Văn Phương
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here