FTA định hướng con đường phát triển của Bangladesh sau khi ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất

0
86

Chính phủ Bangladesh sẽ tập trung ký các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và các Hiệp định Ưu đãi thương mại (PTA) với các đối tác thương mại quan trọng nhằm đối trọng với những tác động tiêu cực tới xuất khẩu sau khi nước này ra khỏi Nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC) vào năm 2027. Theo Điều phối viên thường trực của Liên hợp quốc (LHQ) tại Bangladesh Mia Seppo, sau khi ra khỏi LDC, xuất khẩu của Bangladesh sẽ phải đối diện với mức thuế bổ sung là 6,7%, dẫn tới việc thiệt hại khoảng 2,7 tỷ USD mỗi năm. Mức độ thiệt hại này tương đương với 8% kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh trong năm 2015. LHQ cũng dự báo rằng xuất khẩu của nước này có thể sẽ giảm 5,5 – 7,5% sau LDC. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh sang thị trường các nước dành ưu đãi cho Bangladesh đạt 24,7 tỷ USD, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thỏa thuận thương mại khu vực mà Bangladesh tham gia có ảnh hưởng tới khoảng 90% xuất khẩu của Bangladesh. Một cuộc khảo sát gần đây của HSBC dự báo rằng nền kinh tế Bangladesh có thể sẽ phải chịu những tác động tiêu cực do nước này hiện chưa là thành viên của những cơ chế hợp tác xuyên lục địa như Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Kết quả cuộc khảo sát này cũng chỉ ra rằng việc Việt Nam tham gia vào TPP đang gây ra mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may của Bangladesh.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Bangladesh đang nỗ lực triển khai đàm phán FTA với các đối tác lớn. Tháng trước, đoàn công tác của Bộ Thương mại Bangladesh đã sang Bắc Kinh để đàm phán về việc ký FTA với Trung Quốc. Việc ký kết FTA với Sri Lanka cũng đang ở giai đoạn cuối. Ngoài ra, Chính phủ Bangladesh đang đàm phán để nước này tiếp tục được hưởng Quy chế Ưu đãi thuế quan phổ cập cộng (GSP+) của EU bởi EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh. Trong năm tài chính 2017-18, xuất khẩu sang EU chiếm 55% tổng khối lượng xuất khẩu của Bangladesh. Tuy nhiên, để duy trì mức thuế ưu đãi của EU là 12,5%, thì Bangladesh cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng quản trị theo đề xuất của EU và các tổ chức quốc tế. Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới, Bangladesh hiện đang đứng thứ 177 trong tổng số 190 nền kinh tế trên thế giới xét về chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh. Chính phủ Bangladesh đã đề ra mục tiêu cải thiện thứ hạng này lên mức 2 con số trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, Chính phủ Bangladesh cần đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu trong một vài năm tới, tránh việc chỉ phụ thuộc vào EU, Mỹ hay Canada. Trong năm tài chính vừa qua, xuất khẩu dệt may chiếm 83% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh. Ngoài ra, Bangladesh phải phê chuẩn 27 Công ước của LHQ trong những lĩnh vực như nhân quyền, quyền lao động, môi trường, quản trị tốt để được EU tiếp tục cấp Quy chế GSP+.

(Nguồn: ĐSQ VN tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here