EVFTA và EVIPA được thông qua tại Nghị viện châu Âu với số phiếu áp đảo

0
152
kết quả bỏ phiếu, đối với EVFTA, tổng số 633 nghị sỹ bỏ phiếu, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn; đối với EVIPA, trong tổng số 648 nghị sỹ bỏ phiếu, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn.
Kết quả bỏ phiếu tại EP, đối với EVFTA, tổng số 633 nghị sỹ bỏ phiếu, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn; đối với EVIPA, trong tổng số 648 nghị sỹ bỏ phiếu, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn.

Vào 18h00 ngày 12/2/2020 theo giờ Việt Nam, tại phiên toàn thể diễn ra tại Strasbourg, Pháp, Nghị viện Châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam.

Theo kết quả bỏ phiếu, đối với EVFTA, tổng số 633 nghị sỹ bỏ phiếu, có 401 phiếu ủng hộ phê chuẩn; đối với EVIPA, trong tổng số 648 nghị sỹ bỏ phiếu, có 407 phiếu ủng hộ phê chuẩn.

Đây là các quyết định rất quan trọng, được 27 quốc gia thành viên EU và Việt Nam, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp hai bên hết sức trông đợi sau gần 8 năm kể từ khi hai bên chính thức khởi động đàm phán EVFTA vào tháng 6/2012.

Đánh giá về ý nghĩa của sự kiện này, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho rằng: ”Nghị viện châu Âu (EP) vừa thông qua các quyết định hết sức quan trọng cả về chiến lược và kinh tế trong quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), mở ra chân trời hợp tác ngày càng sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn giữa hai bên sau đúng 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1990 – 2020)”.

Được ký ngày 30/6/2019 tại Hà Nội, hiệp định EVFTA sẽ có hiệu lực khi được Quốc hội Việt Nam và EP phê chuẩn, trong khi hiệp định EVIPA cần được Quốc hội Việt Nam, EP và Nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn. Quyết định của EP đã “bật đèn xanh” cho việc thực thi hiệp định EVFTA và tạo tiền đề để các Nghị viện quốc gia thành viên EU xem xét, phê chuẩn EVIPA thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn “Trước hết, quyết định phê chuẩn hiệp định EVFTA và EVIPA với tỷ lệ ủng hộ cao thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của các nghị sỹ và các quốc gia thành viên EU về vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam – EU. Hai hiệp định sẽ tạo dựng các khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào với xu thế chung về thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.

Thứ hai, việc phê chuẩn các hiệp định cũng khẳng định chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với Châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng. Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.

Thứ ba, việc EP bỏ phiếu thuận phê chuẩn hai hiệp định ngay đầu nhiệm kỳ mới cũng cho thấy lợi ích kinh tế to lớn mà EVFTA và EVIPA mang lại cho cả hai bên. EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực; GDP của EU dự kiến sẽ tăng thêm 30 tỷ USD và xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035. Đối với Việt Nam, EU là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu Việt Nam; việc thực hiện EVFTA dự kiến sẽ giúp GDP của ta tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025. Do vậy, quyết định của EP đã nhận được sự hoan nghênh rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Thứ tư, tuy quan điểm giữa các nghị sỹ EP còn khác biệt, song việc ủng hộ thông qua FTA chất lượng cao đầu tiên của EU với một quốc gia đang phát triển cho thấy quyết tâm của EU tiếp tục thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư dựa trên luật lệ. Quyết định của EP sẽ tạo thêm niềm tin và củng cố xu thế liên kết kinh tế quốc tế và thương mại mở và tự do. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang đe dọa tăng trưởng của kinh tế thế giới, của nhiều khu vực và quốc gia”.

Chúng ta tin tưởng các hiệp định EVFTA và EVIPA sau khi hoàn tất quá trình phê chuẩn và đi vào triển khai trong năm 2020 sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ Việt Nam – EU, tạo những dấu mốc mới trong phát triển kinh tế – xã hội và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Sau khi được EP phê chuẩn, Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục được Quốc hội nước ta thông qua để có hiệu lực. Các Bộ, ban, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên EU để Hiệp định EVIPA sớm được Nghị viện 27 nước thành viên EU phê chuẩn. Chúng ta cũng cần đẩy mạnh các công tác chuẩn bị trong nước để bảo đảm thực thi hiệu quả và tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định EVFTA và EVIPA ngay sau khi được triển khai.

Những mốc thời gian chính

10/ 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

6/2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.

12/2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

6/2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật

9/2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên. Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:

– Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.

– Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định EVIPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.

6/2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.

8/2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định EVIPA.

17/10/2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và EVIPA.

25/6/2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.

30/6/2019: Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và EVIPA.

21/1/2020: Ủy ban Thương mại Quốc tế Liên minh châu Âu thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA.

12/2/2020: Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và EVIPA

Chu Văn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here