Đức và Liên minh châu Âu tăng cường kiểm soát đầu tư đến từ Trung Quốc

0
80

Một khía cạnh khác của cạnh tranh và đối đầu về kinh tế hiện này giữa Mỹ, EU và Trung Quốc là kiểm soát đầu tư nước ngoài. Diễn biến mới nhất là việc chính phủ Đức muốn tăng cường khả năng ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài, bên ngoài EU, thâu tóm hơn 15% cổ phần/vốn trong các doanh nghiệp chiến lược sau khi ngăn chặn thành công hai vụ thâu tóm của các nhà đầu tư Trung Quốc vào tuần trước. EU và các nước thành viên cũng đang tìm cách tăng cường pháp luật chống lại các thương vụ đầu tư thâu tóm/sát nhập của nước ngoài mà chủ yếu là từ Trung Quốc.

Đối mặt với cơn khát đầu tư của Trung Quốc, Đức quyết định không phó mặc cho Trung Quốc đầu tư vào nước này như họ muốn. Năm 2017, Đức đã thông qua một đạo luật cho phép chính phủ liên bang phủ quyết các thương vụ thâu tóm lên đến 25% cổ phần/vốn của các doanh nghiệp được coi là chiến lược bởi một nhà đầu tư đến từ bên ngoài EU. Lần này Berlin muốn có thể phản ứng sớm hơn bằng việc hạ mức trần xuống còn 15%, nhất là trong các lĩnh vực được đánh giá là nhạy cảm và chiến lược. Chính phủ Đức muốn có quyền đánh giá kỹ hơn các thương vụ thâu tóm của các nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào các lĩnh vực kinh tế liên quan đến quốc phòng và an ninh. Thông tin này được Bộ trưởng Kinh tế liên bang Peter Altmaier trả lời phỏng vấn trên tờ Die Welt. Lĩnh vực đầu tư chịu sự kiểm soát của nhà nước sẽ được mở rộng sang hạ tầng thiết yếu như tin học phi vật chất (cloud computing), hệ thống tin học bệnh viện/y tế, hệ thống kiểm soát nước thải, hàng không, vũ khí và các công nghệ mã hóa.

Đầu tư của Trung Quốc vào Đức gây chú ý của dư luận vào năm 2016 khi tập đoàn Midea thâu tóm Kuka, doanh nghiệp chuyên sản xuất robot công nghiệp hàng đầu của Đức. Kể từ đó, các nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Đức trước sự bất lực của chính quyền. Nếu như năm 2016, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Đức là 663 triệu Euro, con số này của năm 2017 là 12 tỷ Euro, gấp 20 lần so với năm 2015.

Sau sự kiện Kuka, Đức đã từ bỏ chính sách cởi mở về đầu tư nước ngoài và theo chân Anh, Mỹ trong việc gia tăng kiểm soát, nhất là đối với đầu tư từ Trung Quốc. Trong tuần trước, Đức đã ngăn chặn thành công hai thương vụ đầu tư của Trung Quốc bao gồm việc ngân hàng công Kfw đã mua lại 20% vốn trong tập đoàn 50Hertz, một trong 4 nhà vận hành mạng lưới điện tại Đức có nguy cơ bị tập đoàn State Grid Corporation of China thâu tóm và vụ việc nhà đầu tư Yantai Taihai của Trung Quốc buộc phải từ bỏ kế hoạch mua lại công ty sản xuất công cụ công nghiệp chính xác hàng đầu của Đức là Leifeld chỉ vài giờ trước cuộc họp của chính phủ đáng lẽ sẽ thông báo việc phủ quyết đối với thương vụ này.

 Theo Le Figaro, các công ty chiến lược của Đức là mục tiêu hàng đầu của các nhà đầu tư Trung Quốc do trình độ công nghệ cũng như chính sách cởi mở về đầu tư so với nhiều nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, nhiều thành viên của EU cũng đang phải tăng cường hệ thống pháp lý nhằm nâng cao năng lực ngăn chặn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược, nhất là vào các công nghệ nhạy cảm.

Chính phủ Anh đang tìm phương án có thể ngăn chặn việc các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm quyền kiểm soát trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh và quốc phòng. Ở thời điểm hiện nay, chính phủ Anh chỉ có thể can thiệp nếu kế hoạch mua bán/sát nhập sẽ tạo ra một công ty chiếm tới 25% thị trường hoặc có tổng doanh thu lên đến 70 triệu Bảng (78.4 triệu Euro). Các biện pháp dự kiến được áp dụng tại Anh sẽ cho phép chính phủ hàng năm kiểm soát được khoảng 50 vụ mua bán/sát nhập vì lý do an ninh quốc gia. Về phần mình, chính phủ Pháp đang chuẩn bị tăng cường các biện pháp bảo hộ đối với các doanh nghiệp chiến lược bằng việc sẽ sớm đưa ra thảo luận và thông qua dự luật PACTE. Các biện pháp được dự kiến giúp chính phủ một mặt gia tăng tính năng động của nền kinh tế mặt khác bảo vệ các « doanh nghiệp quốc bảo » trước sự thèm khát của các nhà đầu tư nước ngoài nhất là Trung Quốc và Mỹ. Ủy ban EU cũng cho thấy rất lo ngại trước làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu ở hai hướng. Một mặt, ở Tây Âu, Trung Quốc đang thâu tóm các doanh nghiệp nhạy cảm về chiến lược, mặt khác ở Đông Âu, Trung Quốc đang gia tăng ngày càng mạnh bạo việc đầu tư vào các dự án hạ tầng dưới tên gọi mỹ miều là « con đường tơ lụa mới ». Chính vì vậy, một dự thảo quy định về kiểm soát đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực nhạy cảm, chiến lược tại EU đang được soạn thảo và thảo luận giữa các nước thành viên của EU.

Trong một diễn biến khác, tháng 6/2018, công tố tài chính quốc gia của Pháp quyết định tịch thu tạm thời 10 trên tổng số 27 lâu đài trồng nho tại Pháp vốn bị thâu tóm bởi tập đoàn Haichang của Trung Quốc với tổng vốn đầu tư lên đến 60 triệu Euro do nghi án gian lận về tài chính và dùng sai vốn nhà nước sau khi có báo cáo của Tòa Kiểm toán Bắc Kinh năm 2014. Các điều tra ban đầu đã cho thấy tại 10 lâu đài này đã có dấu hiệu của sai phạm về thuế, tài liệu giả mạo và sử dụng tài liệu giả mạo.

(Nguồn: Báo Les Echos, Figaro, ĐSQ VN tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here