Ngày 1/11 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”.
Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các cơ quan hữu quan, các hiệp hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.
Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế. Song hành với Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà thầu.
Khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế kiêm Phó Tổng Thư ký VCCI nhận định, Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.
Luật Đấu thầu 2023 đã có nhiều thay đổi quan trọng so với văn bản luật năm 2013; trong đó, dành riêng một chương quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế nhằm giải quyết vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế như: chủ động quyết định mua sắm thuốc, thiết bị y tế ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả; mô hình “máy đặt, máy mượn”; hình thức đấu thầu phù hợp với các trường hợp đặc biệt; cho phép mua sắm tập trung với thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép mua sắm theo nước xuất xứ để mua thiết bị có chất lượng tốt.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà thầu. Dự thảo được thiết kế với 126 điều với 144 trang, tương đối đồ sộ và kỹ thuật, có thể khó nghiên cứu đối với một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là văn bản quy định chi tiết rất quan trọng, hướng dẫn nhiều nội dung lớn về lựa chọn nhà thầu; trong đó dự kiến sẽ bổ sung nhiều quy định mới để hướng dẫn các nội dung Luật Đầu thầu 2023.
Các quy định mới trong dự thảo này sẽ góp phần quyết định việc thực hiện các quy định mới của Luật Đấu thầu; trong đó có đấu thầu y tế, đấu thầu qua mạng và đảm bảo cạnh tranh và ưu đãi trong đấu thầu. Các quy định này cần được xây dựng hợp pháp, hợp lý thì doanh nghiệp mới dễ dàng tuân thủ và thực thi trong thực tế, từ đó góp phần quan trọng vào việc thực thi thành công Luật Đấu thầu 2023 như kỳ vọng.
Bà Ngô Chi Linh, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu đã giới thiệu một số điểm mới của dự thảo nghị định; trong đó, nổi bật là những nội dung như: quản lý chất lượng nhà thầu, chất lượng hàng hóa dịch vụ; công khai thông tin để đảm bảo sự công bằng và minh bạch trong đấu thầu; những tiêu chí đánh giá uy tín nhà thầu để từ đó tăng trách nhiệm nhà thầu cũng như chất lượng thực hiện các dự án… Quan trọng nhất là nội dung tối đa hóa các ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được thực hiện đấu thầu một cửa, tất cả sẽ được thực hiện qua mạng từ phê duyệt hồ sơ mời thầu, kết quả, ký hợp đồng điện tử, thanh toán hợp đồng, đánh giá uy tín, đánh giá kết quả thực hiện hay giám sát đấu thầu trên hệ thống…
Trong lựa chọn nhà thầu, dự thảo bổ sung các quy định về ưu đãi như đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, với nhà sản xuất hàng hóa có xuất xứ Việt Nam trên cơ sở sáng chế hoặc kết hợp một phần chuyển giao công nghệ, ưu đãi đối với đấu thầu trong nước, với những sản phẩm, dịch vụ được dán nhãn sinh thái, năng lượng và tương đương…
Nhiều nội dung khác cũng được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến như quy trình lựa chọn nhà thầu là tư vấn cá nhân; quy định về mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế; quy định về hợp đồng; quy định về xử lý vi phạm, xử lý tình huống trong đấu thầu; tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp đối với gói thầu xây lắp, hàng hóa…
Ngoài ra, dự thảo cũng bỏ một số bước trong quy trình mua sắm; không cần phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu, danh sách đạt kỹ thuật đối với 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, hay không cần thương thảo hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể cùng nhiều vấn đề khác, bà Chi Linh nêu rõ.
Tại hội thảo, đại diện Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tham gia góp ý, để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, tránh trường hợp nhà thầu thông đồng với chủ đầu tư, đưa thầu phụ là các công ty có quan hệ phụ thuộc với chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn lập dự toán để tiếp cận sớm nguồn thông tin, tạo ưu thế trong đấu thầu, Vinaconex đề xuất, nhà thầu phụ đặc biệt khi tham dự thầu phải đáp ứng quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, trừ trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, cũng cần làm rõ các nội dung ưu đãi nhà thầu, các thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi sẽ thực hiện cũng như phải biết làm gì để hưởng các ưu đãi này trong quá trình tham gia đấu thầu.
Theo đại diện Vinaconex, việc lựa chọn nhà thầu qua mạng là bước đi đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước nhằm công khai, minh bạch quá trình đấu thầu và theo lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các gói thầu sẽ phải triển khai tổ chức đấu thầu qua mạng.
Do đó, đại diện Vinaconex đề xuất, đối với các gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ không bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng nhưng cũng không hạn chế, khuyến khích chủ đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng đối với các gói thầu thuộc dạng này.
Liên quan tới lĩnh vực y tế, Bác sỹ Nguyễn Thị Lương Phong, Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam cho rằng, nên để cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế tự quyết định việc mua thuốc theo tên thương mại khác với tên thương mại đã trúng thầu do quỹ bảo hiểm chi trả tại chính cơ sở đó, mua vaccine để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không bắt buộc phải áp dụng Luật Đấu thầu.
Theo bà Nguyễn Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Quan hệ Chính phủ và Chính sách công, Công ty TNHH Johnson & Johnson Việt Nam, cần có sự cân bằng giữa tỷ trọng giá và chất lượng đối với các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế có tính chất đặc thù và có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người đòi hỏi yêu cầu chất lượng kỹ thuật cao. Thêm nữa, không nên có quy định cứng về hạn dùng còn lại khi cung ứng tới chủ đầu tư mà chỉ nên yêu cầu hàng hóa khi cung ứng tới chủ đầu tư phải còn hạn dùng và có những điều kiện cam kết chi tiết để đảm bảo khi bệnh nhân sử dụng hóa chất, vật tư xét nghiệm vẫn còn hạn dùng.
Việc đấu thầu là công việc của chủ đầu tư và nhà thầu nên bà Hằng kiến nghị chỉ đánh giá uy tín của nhà thầu, chất lượng của hàng hóa, không đánh giá uy tín của nhà sản xuất vì kết quả đánh giá có thể bị sai lệch. Trường hợp cơ quan quản lý vẫn muốn giữ điểm này thì cần có hướng dẫn cụ thể, có tiêu chí rõ ràng để nhà sản xuất được đánh giá chính xác, công khai, minh bạch.
Ngọc Quỳnh