Động lực tăng trưởng mới của kinh tế thế giới là Fintech

0
171
Lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) được kỳ vọng sẽ là chiếc “phao cứu sinh”, giúp các SME rũ bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời tạo động lực mới cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) được kỳ vọng sẽ là chiếc “phao cứu sinh”, giúp các SME rũ bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời tạo động lực mới cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trên toàn thế giới đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) được kỳ vọng sẽ là chiếc “phao cứu sinh”, giúp các SME rũ bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, đồng thời tạo động lực mới cho đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đó là thông điệp của Hội nghị về Fintech tại Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị diễn ra trong ba ngày với hơn 40 phiên họp trực tuyến và ngoại tuyến, bàn về các chủ đề như sự hòa nhập và mở cửa toàn cầu, fintech sáng tạo, hệ sinh thái và đối tác toàn cầu, các giải pháp xanh và bền vững.

Tại Hội nghị, Chủ tịch điều hành của công ty fintech Ant Group Eric Jing đã sử dụng hình ảnh chiếc tách cà phê Rwanda để mô tả về cách thức mà một nền tảng thương mại điện tử có thể tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Phi thông qua sáng kiến Nền tảng Thương mại Điện tử Thế giới (eWTP), một sáng kiến của “gã khổng lồ” Alibaba.

eWTP là sàn thương mại điện tử đầu tiên ở châu Phi, là kết quả của sự hợp tác giữa Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới của Trung Quốc – và Chính phủ Rwanda. Với sự trợ giúp của sáng kiến này, chỉ mất chưa đầy hai tuần để những hạt cà phê được trồng trong trong các trang trại ở Rwanda đến thẳng tay người tiêu dùng Trung Quốc, bất chấp những gián đoạn của đại dịch.

Chủ tịch Jing cho biết: “Bằng cách loại bỏ những khâu trung gian, nền tảng này (eWTP) sẽ giúp tiết kiệm chi phí. Kết quả là, người nông dân trồng cà phê ở châu Phi có thể kiếm thêm 4 USD cho mỗi 1 kg cà phê họ bán”. Ngoài cà phê, tương ớt Rwanda cũng được chuyển đến người tiêu dùng Trung Quốc thông qua eWTP theo cách thức tương tự.

Sami Farhad, Giám đốc cấp cao phụ trách mảng toàn cầu hóa của tập đoàn Alibaba, cho biết ngày càng có nhiều người trẻ ở Rwanda đang mong muốn trở về quê hương làm việc, vì thu nhập trung bình của người nông dân ở đó hiện cao gấp 5 hoặc 6 lần mức họ kiếm được ở các thành phố.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết: “Việc nắm bắt cơ hội để cải thiện khả năng tiếp cận tài chính là ưu tiên của các quốc gia ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề, xu hướng này đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với những nhóm đối tượng vốn khó tiếp cận tài chính”.

Trong bối cảnh đó, theo bà Georgieva, các nền tảng tài chính bao trùm, nhằm đảm bảo rằng mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính có chất lượng, và các nền tảng fintech, sẽ giúp người dân tiệm cận hơn với các cơ hội và tránh rơi vào cảnh nghèo đói.

Cũng trong Hội nghị về Fintech, nền tảng dịch vụ tài chính Trusple đã chính thức được Ant Group công bố hôm 25/9. Đây là một nền tảng dịch vụ tài chính và thương mại quốc tế kỹ thuật số được cung cấp bởi AntChain với các giải pháp dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) .

Cô Yuan Jing, một nhà buôn thủy tinh pha lê ở thành phố Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang ở phía Đông Trung Quốc, được biết đến với biệt danh “Siêu thị của thế giới”, chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó công nghệ blockchain sẽ đóng một vai trò quan trọng trong công việc kinh doanh của cô.

Cô Yuan Jing đã được sử dụng thử nghiệm Trusple để gửi một lô hàng đến Mexico một cách dễ dàng và tiết kiệm hơn trước đây. Việc bán thủy tinh pha lê sang châu Phi và châu Mỹ Latinh từng là một nhiệm vụ khó khăn đối với cô Jing, bởi cô sẽ phải chờ đợi từ 1-2 tháng để nhận khoản thanh toán cuối cùng lên đến 30% giá trị đơn hàng. Nhưng lần này, cô đã nhận được toàn bộ khoản tiền thanh toán chỉ một ngày sau khi hàng hóa cập bến Mexico. Cô Yuan Jing cho biết: “Với sự giúp đỡ của Trusple, doanh nghiệp của tôi dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng ít nhất 30% trong năm tới”.

Theo Ant Group, Trusple nhằm mục đích giúp tất cả người dùng, đặc biệt là SME, bán các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng trên khắp thế giới một cách dễ dàng và ít tốn kém hơn. Ứng dụng sáng tạo trên công nghệ blockchain này được thiết kế để xóa đi sự thiếu tin tưởng thường tồn tại trong các giao dịch thương mại xuyên biên giới truyền thống, đồng thời thúc đẩy dòng chảy thông suốt của thương mại toàn cầu trong bối cảnh đại dịch.

Vào ngày Trusple ra mắt, Standard Chartered cũng thông báo đã hoàn thành thành công giao dịch trực tiếp xuyên biên giới đầu tiên trên nền tảng này. Neil Daswani, Giám đốc toàn cầu mảng ngân hàng doanh nghiệp và đối tác tại ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên khắp thế giới đóng góp tới 40% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nền kinh tế mới nổi và là những đối tượng đóng góp quan trọng trong việc tạo ra việc làm. Bằng cách tích hợp các khả năng tài chính hàng đầu của chúng tôi vào mạng lưới Trusple, chúng tôi có cơ hội thực sự để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững trong khu vực”.

Trong khi đó, Achim Steiner, quản trị viên của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, cho biết trong bài phát biểu qua video của mình tại Lễ khai mạc Hội nghị Fintech rằng một số “giá trị gia tăng” dễ thấy nhất của cuộc cách mạng kỹ thuật số đã được chứng kiến trong lĩnh vực fintech và giờ là lúc để các quốc gia tăng cường tình đoàn kết toàn cầu nhằm khai thác đầy đủ sức mạnh của tài chính kỹ thuật số và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Phương Nga

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here