Đối thoại Kinh tế Cấp cao Mexico và Hoa Kỳ

0
96
(minh hoạ)
(minh hoạ)

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador và Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Biden vào tháng 3 năm ngoái, Đối thoại Kinh tế Cấp cao giữa Mexico và Hoa Kỳ đã được khởi động lại vào ngày 09/9/2021 tại Nhà Trắng.

Phái đoàn Mexico gồm Bộ trưởng Ngoại giao Marcelo Ebrard, Bộ trưởng Kinh tế Tatiana Clouthier, Đại sứ Mexico tại Hoa Kỳ Esteban Moctezuma và Thứ trưởng Tài chính và Tín dụng công Gabriel Yorio. Phái đoàn Hoa Kỳ do Phó Tổng thống Kamala Harris dẫn đầu cùng sự tham dự của Ngoại trưởng Antony Blinken; Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo; Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas; Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai; Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Samantha Power; Đại sứ Hoa Kỳ tại Mexico Ken Salazar và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường José Fernández.

Theo thông cáo báo chí, mục tiêu của Đối thoại là thúc đẩy các ưu tiên chiến lược về kinh tế, xã hội và thương mại, vốn là trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, tạo việc làm, đầu tư vào người dân và giảm bất bình đẳng và nghèo đói. Hai bên đã nhất trí thành lập Nhóm công tác song phương về chuỗi cung ứng nhằm tìm kiếm các lĩnh vực bổ sung trong các chuỗi cung ứng mới và hiện có, giúp nâng cao lợi ích của mỗi nước.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ, Kamala Harris và Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard đã nêu bật tầm quan trọng của sự gần gũi giữa hai chính quyền và tầm nhìn chiến lược chung về các ưu tiên của họ đối với sự phát triển kinh tế bền vững của khu vực Châu Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Clouthier và Bộ trưởng Thương mại Raimondo sau đó đã chia sẻ tầm nhìn về việc biến Đối thoại trở thành nền tảng cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch bằng cách thúc đẩy các hành động ưu tiên cụ thể dựa trên các lĩnh vực thỏa thuận, bổ sung cho nỗ lực của cả hai chính phủ trong USMCA và các diễn đàn hợp tác song phương hiện có.

Tại Đối thoại, hai bên đã thảo luận về 4 trụ cột mà hai bên đã nhất trí định hình cho tầm nhìn chiến lược của quan hệ kinh tế trong những năm tới:

(i) Đối với trụ cột đầu tiên, Cùng phục hồi, hai bên sẽ thành lập Nhóm công tác song phương về chuỗi cung ứng để tìm ra các lĩnh vực bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động và giảm thiểu sự gián đoạn có thể xảy ra, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút các chuỗi cung ứng từ các khu vực khác trên thế giới và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực quan trọng, phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia. Hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng biên giới hiện đại, hiệu quả, an toàn và các thủ tục tạo thuận lợi cho thương mại.

(ii) Đối với trụ cột thứ hai, Thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội bền vững ở Nam Mexico và Trung Mỹ, Hoa Kỳ sẽ hợp tác kỹ thuật để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư ở Bắc Trung Mỹ. Cụ thể, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với chính phủ Mexico trong các chương trình Gieo mầm sống và Thanh niên Xây dựng Tương lai trong khu vực. Ngoài ra, các cơ quan của Hoa Kỳ sẽ triển khai thực hiện các hoạt động nhằm phát triển chuỗi giá trị; ví dụ, bằng cách kết nối tốt hơn người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng hoặc tạo ra các dự án có khả năng thu hút đầu tư tư nhân. Hai bên sẽ hợp tác thúc đẩy thương mại và đầu tư vào các dự án hiệu quả vì sự phát triển của khu vực.

(iii) Nhận thức được tầm quan trọng của việc có một môi trường kỹ thuật số mạnh mẽ và an toàn, hai bên nhất trí rằng trụ cột thứ ba, Bảo đảm các công cụ cho sự thịnh vượng trong tương lai, sẽ tập trung vào việc phối hợp giảm thiểu các mối đe dọa mạng đối với chuỗi cung ứng và cải thiện luồng dữ liệu giữa hai quốc gia.

(iv) Ưu tiên của cả hai chính phủ là phát triển nền kinh tế bình đẳng hơn, vì vậy trụ cột thứ tư, Đầu tư vào con người, sẽ tập trung vào việc bảo đảm các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, thanh niên, người bản địa và cộng đồng LGBTQ + được đào tạo các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong nền kinh tế thế kỷ 21. Bên cạnh đó, nhận thức được rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nền tảng của hoạt động kinh tế, hai bên sẽ hợp tác để tích hợp chúng vào chuỗi giá trị khu vực.

Đối thoại Kinh tế Cấp cao sẽ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân, giới nghiên cứu học thuật và xã hội dân sự để nhận phản hồi về tiến độ của các sáng kiến ​​hiện có và tiếp nhận các sáng kiến ​​mới. Đối thoại hướng đến trở thành một diễn đàn liên tục phát triển: các nhóm kỹ thuật sẽ làm việc trong suốt năm để thực hiện các sáng kiến. Các thứ trưởng và trưởng nhóm công tác họp hai lần mỗi năm và các bộ trưởng họp mỗi năm một lần.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris cho biết đại dịch COVID-19 đã phá hoại nền kinh tế toàn cầu trong khi biến đổi khí hậu và các cuộc tấn công mạng đe dọa chuỗi cung ứng, đòi hỏi phải có phản ứng thống nhất giữa hai nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết: “Cuộc đối thoại thúc đẩy tạo việc làm, khả năng cạnh tranh toàn cầu, giảm nghèo đói và bất bình đẳng, đồng thời mang lại lợi ích cho người dân Hoa Kỳ cũng như người dân Mexico”.

Cuộc đàm phán diễn ra khi hai bên đang tìm kiếm giải pháp cho một số vấn đề gây tranh cãi, bao gồm các quy định về ô tô, yêu cầu một số bộ phận nhất định phải có nguồn gốc ở Bắc Mỹ và việc nối lại chính sách “Ở lại Mexico” theo phán quyết của tòa án. Trong một cuộc một cuộc họp báo ở Washington, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Tatiana Clouthier cho biết Mexico đã thảo luận về sự cần thiết của việc “cùng ngồi lại với các ngành công nghiệp hoặc công ty và có thể chi tiết hóa các thành phần của chất bán dẫn” để xác định những bộ phận nào sẽ được sản xuất ở Mexico hoặc Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết hai chính phủ đã không thảo luận về chính sách “Ở lại Mexico” của Hoa Kỳ, trong khi đó, một số dự án cơ sở hạ tầng trên biên giới đã được đề cập tại đàm phán.

Tại cuộc họp báo trước khi diễn ra Đối thoại cấp cao, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho rằng hai nước cần phải có cách tiếp cận toàn diện đối với vấn đề nhập cư; cam kết sẽ gửi một bức thư cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc họp ở Washington và cho biết sẽ đề xuất khả năng cấp thị thực lao động tạm thời cho người Trung Mỹ để giúp cung cấp nhu cầu lao động ở Bắc Mỹ. Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết Mexico hy vọng nước này sẽ nhận được “phản hồi tích cực” từ Washington để sớm bắt đầu đầu tư vào Trung Mỹ; Bộ trưởng Kinh tế Tatiana Clouthier mong muốn thúc đẩy các công ty công nghệ, hậu cần và chất bán dẫn chuyển các chuỗi cung ứng và đầu tư của họ sang Mexico.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here