Doanh nhân Việt kiều sẽ đưa hàng Việt mở rộng thị trường nước ngoài

0
138

Cần tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và khai mở thị trường…

Việc đa dạng hóa, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng ở nước ngoài cần được đẩy mạnh.

CẦN THÊM NHIỀU KÊNH PHÂN PHỐI

Tại tọa đàm “Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài”, do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức vào chiều 01/6/2022, nhiều ý kiến của các doanh nhân Việt kiều đã đóng góp nhằm đưa hàng Việt đi xa hơn.

Theo ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP. HCM, cần có nhiều giải pháp huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiêu thụ, tham gia giới thiệu sản phẩm và phát triển các kênh phân phối, xuất khẩu hàng Việt Nam ra các nước có đông người Việt sinh sống.

Trong khi đó, thị trường trong nước đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất ra nhiều sản phẩm Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đem lại kết quả rất tốt cho ngành sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Trung ương và thành phố luôn nhận thức vai trò rất lớn của các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, nhất là người Việt Nam đang ở nước ngoài để quảng bá, giới thiệu, truyền thông và trực tiếp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.

“Cần đặt ra những yêu cầu cụ thể để có sự hỗ trợ từ các sở ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh để cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với chính quyền sở tại tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam cũng như kết nối các doanh nghiệp Việt và nước ngoài”, ông Hải nói.

PHÁT HUY VAI TRÒ DOANH NHÂN VIỆT KIỀU

Hiện nay, tại Mỹ đang có trên 5 triệu Việt kiều đang sinh sống. Đây là cơ hội lớn để hàng nội địa thâm nhập thị trường này, ông Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ, cho biết.

“Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Việt về các hoạt động xúc tiến thương mại và cầu nối thị trường. Hỗ trợ thông tin về các quy định luật pháp để tránh trở thành mục tiêu áp dụng các biện pháp phòng hộ thương mại của Hoa Kỳ, nhất là vấn đề nguồn gốc, xuất xứ, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, gia nhập vào chuỗi cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nguyên liệu trung gian cho sản xuất công nghệ cao phục vụ doanh nghiệp công nghệ cao tại California… Hội cũng sẽ hỗ trợ về việc kết nối, hợp tác với chính quyền bang và thành phố trọng điểm của Hoa Kỳ, tăng cường kết nối với các hiệp hội ngành hàng”, ông Phú nói.

Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ cũng cho biết thêm, Hội sẽ thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, như: thủy sản, nông sản, dệt may, da giầy, đồ gỗ nội thất sang Mỹ. Kết nối, hợp tác về logistics đường biển, hàng không, vận chuyển hàng hóa bền vững, nghiên cứu dự án vận tải kho bãi với Việt Nam về cơ hội hợp tác hai chiều.

Bổ sung thêm thông tin, ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Mỹ (VABA), cho biết thêm: Hàng hoá của Việt Nam chỉ mới được trữ trong kho ở chợ của người Việt, giá cả lệ thuộc vào đơn vị vận chuyển, giao hàng. Còn hàng của Thái Lan, Trung Quốc có kho chứa riêng nên giá luôn rẻ hơn. Nếu có nhà kho tại Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt không chỉ cạnh tranh được về giá mà còn quảng bá được sản phẩm…

Tại thị trường Thái Lan, vào tháng 8/2020, “Trung tâm Triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao” đã được khai trương nhằm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt vào thị trường này. Hiện trong vùng Đông Bắc Thái Lan có hơn 70.000 kiều bào người Thái gốc Việt, trong đó, có hàng trăm doanh nhân kiều bào thành đạt, nhiều doanh nhân sở hữu chuỗi nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại lớn…

“Những doanh nghiệp của TP.HCM có mong muốn giới thiệu và quảng bá hàng Việt Nam tại Thái Lan, các doanh nghiệp tại đây sẵn sàng hỗ trợ”, ông Hồ Văn Lâm (Việt kiều Thái Lan) cam kết.

Việc đưa các sản phẩm hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba… cũng cần được chú trọng để giúp người Việt tại nước ngoài có cơ hội tra cứu, tiếp cận và mua hàng… Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc Lào – Thái Lan, cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề này.

Tại Đài Bắc, Trung Quốc, bà Ngô Phẩm Trân, Hiệp hội Phát triển Kinh tế, Văn hóa và Giáo dục Đài Việt, cho biết sẽ thành lập và phát triển dự án “Trung tâm triển lãm hàng Việt tại Đài Loan – Vietnam Excellence”, với mục tiêu dùng người bản xứ để giới thiệu hàng Việt… Vì hàng Việt Nam chưa chinh phục được người bản xứ, họ cho rằng hàng Thái, Philippines, Indonesia… chỉ riêng hàng chế biến có chất lượng hơn hẳn hàng Việt Nam.

Trước những nỗ lực của các đại diện Việt kiều tại các quốc gia nhằm đem hàng Việt đi xa hơn, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phối hợp với các sở ngành liên quan chủ động kết nối với các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nhằm tạo điều kiện, kết nối, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp thành phố tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng hóa, sản phẩm ở nước ngoài.

“Thông qua cơ chế phối hợp, các sở, ngành cần chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử theo hướng tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động ứng dụng thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng cộng nghệ số, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh…”, bà Thắng nói.

(Mộc Minh/vneconomy)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here